• :
  • :

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2

Sáng 30/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2.

Cùng dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và TP Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2
Các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2

Vượt tiến độ khoảng 4 tháng và không đội vốn

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là hết sức cần thiết.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 khởi công tháng 1/2021, với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng. Cầu có điểm đầu cầu giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên). Theo thiết kế, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 bắc qua sông Hồng dài 3,5 km, rộng 19,25 m.

Với việc hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố; Giải quyết áp lực cho các tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3; Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội theo quy hoạch.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, theo đúng quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, trong đó cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là một trong những dự án trọng điểm giao thông Hà Nội.

Thủ tướng đánh giá cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là công trình đóng vai trò quan trọng
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là công trình đóng vai trò quan trọng

Việc thi công dự án cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài; Mặt bằng thi công trên sông, điều kiện thủy văn sông Hồng phức tạp, thời tiết khắc nghiệt…

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thành phố Hà Nội và sự ủng hộ, giúp đỡ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan; Đặc biệt, Ban Quản lý dự án, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn và các cán bộ, công chức, người lao động tham gia xây dựng công trình đã có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm để khắc phục các khó khăn về dịch bệnh, thời tiết bất lợi, làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ, làm việc không kể ngày đêm, “tăng ca, tăng kíp”; Huy động đủ nguồn lực, thiết bị và máy móc, thực hiện nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để sau gần 3 năm thi công, dự án cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, sau gần 3 năm thi công, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã hoàn thiện. Dự án đã vượt tiến độ 4 tháng, không đội vốn, đây là cố gắng lớn của chủ đầu tư và UBND TP Hà Nội…

Đối với Thủ đô Hà Nội những cây cầu là nơi có điều kiện, không gian biến thành sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính đặc trưng của TP. Trong thời gian tới, Hà Nội cần lưu ý thêm về tính chất kỹ thuật và mỹ thuật của các cây cầu.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và TP Hà Nội phân cấp cùng với các địa phương trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị đầu tư tư vấn các dự án tiếp theo để đảm bảo hiệu quả, tiến độ, không đội vốn và mang tính mỹ thuật.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác xây dựng Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác xây dựng Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2

Giải quyết điểm nghẽn giao thông kết nối giữa hai bờ sông Hồng

Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là công trình đóng vai trò quan trọng, góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông kết nối giữa hai bờ sông Hồng, nhằm hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2 và kết nối với các tuyến vành đai khác của thành phố Hà Nội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; Tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi các đô thị phía Bắc Thủ đô.

Sau lễ thông xe sáng nay, toàn bộ xe đi từ quận Hai Bà Trưng sang quận Long Biên sẽ di chuyển một chiều trên mặt cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Đối với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 (khánh thành vào năm 2010) sẽ tổ chức giao thông một chiều theo hướng từ quận Long Biên đi quận Hai Bà Trưng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại buổi lễ

Theo phương án phân luồng của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đối với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, các phương tiện được lưu thông tốc độ tối đa 60 km/giờ ở 3 làn xe cơ giới (làn cạnh dải phân cách giữa). Tại làn xe hỗn hợp (làn cạnh lan can phải của cầu), các phương tiện (xe máy và xe thô sơ) được lưu thông tốc độ tối đa 40 km/giờ.

Trong khi đó, đối với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, ở 4 làn xe cơ giới cạnh dải phân cách giữa được di chuyển với tốc độ tối đa 40 km/giờ. Tại làn xe hỗn hợp, các phương tiện được chạy tối đa 30 km/giờ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2
Cầu Vĩnh Tuy sẽ có thêm 4 làn đường được bổ sung, nâng số làn lên 8 làn - rộng gấp đôi hiện nay (Ảnh: Hoàng Duy)
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2
Sau khi cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được đưa vào khai thác, Hà Nội đang có 9 cầu qua sông Hồng (Ảnh: Hoàng Duy)

Trong thời gian tới, Ban Quản lý dự án có nhiệm vụ phối hợp với đơn vị nhà thầu lên phương án rào chắn và tổ chức thi công hạng mục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, trình Sở Giao thông vận tải Hà Nội xem xét, cấp phép theo quy định.

Như vậy, sau khi cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được đưa vào khai thác, Hà Nội đang có 9 cầu qua sông Hồng, gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên và Văn Lang.

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn tới, trên địa bàn Hà Nội sẽ xây dựng thêm 9 cây cầu vượt sông Hồng để kết nối giao thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. 9 cây cầu này gồm: Mễ Sở, Hồng Hà, Thăng Long mới, Tứ Liên, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Vân Phúc.

Lượt xem: 4
Tác giả: Thanh Hà
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...