• :
  • :

Đề nghị cân nhắc khái niệm “quê quán” trên thẻ căn cước công dân

Sáng 28-8, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ tư, cho ý kiến vào dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), có đại biểu đề nghị cân nhắc khái niệm “quê quán” trên thẻ căn cước cho phù hợp với thực tiễn.

Nội dung thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương.

Quang cảnh phiên họp về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). 

Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đề nghị cân nhắc khái niệm “quê quán” trên thẻ căn cước công dân. Thực tế có nhiều trường hợp từ đời ông nội, bố, con đã không còn sinh sống, “không còn tí gì ở đó nữa”, nhưng vẫn ghi quê quán đó vào giấy tờ. Điều đó dẫn tới khi làm thủ tục xác minh lý lịch, nhiều người không có thông tin gì ở nơi được ghi là quê quán để xác minh.

Đại biểu Tạ Văn Hạ nhất trí với tên gọi thẻ căn cước công dân. Theo đại biểu, luật này áp dụng cho công dân Việt Nam, trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Các đối tượng chưa rõ quốc tịch hoặc các đối tượng khác là một bộ phận nhỏ, nếu đưa vào để điều chỉnh trong Luật Căn cước công dân thì cần nghiên cứu kỹ xem có phù hợp với các điều ước quốc tế hay không?

Đại biểu Tạ Văn Hạ phát biểu.

Trước đó, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) lại bày tỏ quan điểm thống nhất với tên gọi là thẻ căn cước, bởi đối tượng điều chỉnh theo dự thảo luật gồm có cả người gốc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên. Đại biểu đề nghị giải thích rõ về khái niệm “người gốc Việt Nam”. Đồng thời đề nghị nghiên cứu kỹ trường hợp cư dân các nước lân cận sang khu vực biên giới ở nước ta để sinh sống thì có nên cấp giấy chứng nhận, căn cước cho họ không?

Đại biểu biểu Lò Thị Luyến phát biểu. 

Tương tự như vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) thống nhất với tên gọi là thẻ căn cước. Tên gọi thẻ căn cước gọn gàng hơn. Về một số băn khoăn việc đổi tên thẻ gây tốn kém ngân sách, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, theo dự thảo luật thì người đã được cấp thẻ gắn chíp không nhất thiết phải đổi thẻ, vì thế không gây tốn kém ngân sách.

Mặt khác, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, phạm vi điều chỉnh của thẻ căn cước cũng bao quát được đối tượng áp dụng của luật bao gồm công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa được xác định quốc tịch. Cho rằng đây là vấn đề mới, phù hợp và cần thiết, đại biểu nhấn mạnh quan điểm đổi tên là thẻ căn cước hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu. 

Đây cũng là quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương). Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, tên gọi Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với chính sách, mục tiêu, định hướng khi xây dựng luật. Việc bổ sung đối tượng áp dụng là cần thiết cho công tác quản lý con người, an ninh trật tự, mang tính nhân văn sâu sắc.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích, các đối tượng người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch tuy có số lượng không nhiều, nhưng đang hiện hữu, sinh sống, là một phần của cộng đồng, phần nhiều là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, người nghèo, không nghề nghiệp, không nhà cửa… Nếu không có căn cước, không có gì chứng minh về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhận dạng, thì những người đó sẽ đứng bên lề xã hội, không được hưởng chế độ an sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra, tạo ra nhiều gánh nặng xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu. 

Việc mở rộng cấp căn cước với các đối tượng này sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng, đồng thời cũng giúp những đối tượng đó ổn định cuộc sống, có giấy tờ hợp pháp để tham gia các hoạt động xã hội, được hưởng các chế độ an sinh cần thiết.

CHIẾN THẮNG