• :
  • :

Quảng Ninh đứng đầu chỉ số PAPI năm 2022

Theo kết quả công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu cả nước với chỉ số tổng hợp đạt 47,8763 điểm; xếp thứ 2 là tỉnh Bình Dương với 47,4488 điểm.

Ngày 12-4, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng các đối tác đã công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022.

Chỉ số PAPI đo lường, so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương. Chỉ số PAPI đánh giá trên 8 tiêu chí gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Chương trình nghiên cứu PAPI 2022 đã lấy ý kiến của 16.117 người dân trên 18 tuổi (đây là con số kỷ lục kể từ khi nghiên cứu PAPI bắt đầu được thực hiện năm 2009). Trong số đó, có gần 1.200 người tạm trú tại 12 tỉnh, thành phố, góp phần bảo đảm tính đại diện của mẫu khảo sát PAPI.

TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: "14 năm qua, Chương trình nghiên cứu PAPI đã có tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức và hành động của chính quyền cấp tỉnh, thiết thực góp phần thúc đẩy cải cách hành chính Nhà nước - một trong những nội dung trọng tâm của 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã và đang nỗ lực thực hiện. Do vậy, việc nghiên cứu, phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân đem lại những báo cáo quan trọng, giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn".

Thông tin từ hội nghị cho thấy, những nỗ lực của Việt Nam trong năm 2022 nhằm khắc phục các tác động kinh tế-xã hội của hai năm đại dịch đã giúp tăng niềm tin của người dân vào điều kiện kinh tế của hộ gia đình và của quốc gia trong năm qua. Đáng chú ý, có tới 66,1% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế quốc gia là "tốt" vào năm 2022, tăng 19,4% so với một năm trước đó. Cũng ở câu hỏi này, tỷ lệ người dân đánh giá điều kiện kinh tế của đất nước là "kém" đã giảm tới 13,7% so với tỷ lệ 19,8% của năm 2021 xuống còn 6,1% vào năm 2022.

Quang cảnh Hội nghị công bố Chỉ số PAPI 2022

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, báo cáo PAPI 2022 cung cấp nguồn dữ liệu thực chứng quan trọng để các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương theo dõi hiệu quả hoạt động của mình trong công tác điều hành, quản lý nhà nước, hành chính công và cung ứng dịch vụ công.

So với kết quả PAPI năm 2021, 33 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở chỉ số nội dung "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở"; 18 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện ở chỉ số "Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương" và 30 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện ở chỉ số "Quản trị điện tử".

 Tin, ảnh: HOÀNG CHUNG

 

Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết