• :
  • :

Xem xét kết quả giám sát sử dụng các nguồn lực phòng, chống COVID-19

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Xem xét kết quả giám sát sử dụng các nguồn lực phòng, chống COVID-19

Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Tiếp tục phiên họp thứ 22, sáng nay (11.4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Đây là một trong hai chuyên đề đã được Quốc hội quyết định giám sát tối cao trong năm 2023, kết quả giám sát sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5.2023).

Tại phiên họp, đại diện đoàn giám sát chuyên đề trình bày báo cáo. Sau đó, đại diện cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát phát biểu ý kiến.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số ngân sách nhà nước đã phân bổ cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân là 131.259.371 triệu đồng.

Phân bổ từ các nguồn viện trợ, Quỹ vắc xin phòng COVID-19 của Trung ương, địa phương là 33.450.803 triệu đồng.

Chính phủ đánh giá việc bố trí, phân bổ các nguồn lực phòng, chống dịch kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch. Qua đó, về cơ bản đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn.

Các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đều được ban hành kịp thời và phát huy hiệu quả tốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân được tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý để vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu một số khó khăn trong đó có việc thực hiện mua trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cho phòng, chống dịch còn gặp nhiều khó khăn do nguồn cung khăn hiếm, giá không ổn định.

Ngoài ra các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện đấu thầu mua sắm, xác định giá gói thầu, lựa chọn nhà thầu.

Việc giải ngân nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp còn chưa cao, một số khoản kinh phí được cấp thì không sử dụng, trong thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 có một số khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính, việc thực hiện chính sách chế độ hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch một số nơi chưa kịp thời, thỏa đáng...

Qua giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, y tế cơ sở, y tế dự phòng đã trải qua đợt thử thách chưa từng có, đóng góp của y tế cơ sở, y tế dự phòng vô cùng lớn. Điều này cho thấy Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại về nhân lực, cơ sở hạ tầng, tổ chức, cơ chế, chính sách cần phải sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, Đoàn giám sát đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Y tế đề xuất những giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài.

Trước đó, ngày 4.4, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” làm việc với Chính phủ.

Trước khi làm việc với Chính phủ, Đoàn giám sát của Quốc hội đã giám sát trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố, làm việc với 14 bộ, ngành.