• :
  • :

Iraq tiếp tục chìm trong bế tắc chính trị kéo dài

Kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối năm ngoái, các đảng phái ở Iraq vẫn không thể thành lập được một chính phủ, khiến nước này tiếp tục chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị dai dẳng.

Theo AP, ngày 30-7, hàng nghìn người ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Muqtada al-Sadr đã xông vào Vùng Xanh rồi xâm phạm tòa nhà Quốc hội Iraq ở thủ đô Baghdad với mục đích phản đối phe đối lập đề cử ứng cử viên chức thủ tướng. Vùng Xanh là khu vực được bảo vệ cẩn mật vì có nhiều tòa nhà quan trọng, trong đó có tòa nhà Quốc hội và các đại sứ quán. Việc người biểu tình không chịu lùi bước đã buộc lực lượng an ninh phải sử dụng hơi cay và lựu đạn gây choáng. Một phiên họp dự kiến của Quốc hội Iraq đã không thể diễn ra. Thậm chí, Chủ tịch Quốc hội Iraq Mohammad al-Halbousi cũng tuyên bố đình chỉ các phiên họp thường kỳ cho đến khi có thông báo mới.

Trước đó 3 ngày cũng diễn ra vụ việc tương tự. Những người biểu tình mang theo chân dung giáo sĩ al-Sadr và hô vang các khẩu hiệu ủng hộ ông. Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi đã yêu cầu người biểu tình lập tức rời đi và cảnh báo lực lượng an ninh sẽ ngăn chặn mọi tổn hại đối với an ninh và trật tự. Dẫu vậy, đám đông chỉ giải tán sau khi vị giáo sĩ này lên tiếng trên trang Twitter cá nhân yêu cầu họ rút lui, đồng thời nhấn mạnh rằng thông điệp của họ đã được ghi nhận.

 Người biểu tình dỡ bỏ rào chắn bê tông để tiến vào khu vực Vùng Xanh ngày 30-7. Ảnh: AP

Nguồn cơn của những cuộc biểu tình trên đến từ việc Coordination Framework-liên minh các đảng thân Iran ở Iraq-công bố đề cử ông Mohammed al-Sudani, cựu Bộ trưởng Lao động và Xã hội Iraq làm tân thủ tướng thay thế ông Mustafa al-Kadhimi với hy vọng giúp chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Dẫu vậy, giáo sĩ al-Sadr, người có ảnh hưởng rất lớn trong chính trường Iraq, lại phản đối đề cử đó. Những người ủng hộ ông al-Sadr cho rằng ứng cử viên al-Sudani không đủ tư cách lãnh đạo đất nước.

Cũng trong ngày 30-7, Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Iraq (UNAMI) và Liên đoàn Arab (AL) đã kêu gọi chấm dứt căng thẳng tại Iraq liên quan các cuộc biểu tình. UNAMI đánh giá tình trạng chính trị hiện nay tại Iraq là “cực kỳ đáng ngại”, nhấn mạnh vai trò của “lý trí cùng sự khôn ngoan trong việc ngăn ngừa bạo lực tiếp theo”, đồng thời kêu gọi các bên xuống thang vì lợi ích của tất cả người dân Iraq. Về phần mình, Tổng thư ký AL Ahmed Aboul Gheit cũng khuyến nghị tất cả lực lượng chính trị tại Iraq khẩn trương ngừng leo thang và khởi động đối thoại “một cách thực sự và chân thành”.

Căng thẳng chính trị tại Iraq nổ ra khi Đảng Saraya al-Salam của giáo sĩ al-Sadr giành được 73/329 ghế trong bầu cử tháng 10-2021, trở thành phe lớn nhất trong cơ quan lập pháp của đất nước giàu dầu mỏ này. Tuy nhiên, số ghế này là chưa đủ quá bán. Trong khi đó, hai nhóm theo dòng Shiite trong Quốc hội Iraq gồm phe của giáo sĩ al-Sadr và Coordination Framework đều tuyên bố chiếm đa số và có quyền bổ nhiệm thủ tướng. Do vậy, tiến trình đàm phán nhằm thiết lập một chính phủ mới liên tục bị đình trệ do Quốc hội chưa thể bầu tổng thống mới với 2/3 số phiếu cần thiết theo Hiến pháp. Hiện toàn bộ nghị sĩ thuộc đảng của giáo sĩ al-Sadr đã rút khỏi Quốc hội.

Quốc hội Iraq dự kiến tổ chức phiên họp trong vài ngày tới để bầu ra tổng thống trong số 25 ứng cử viên. Sau đó, tân tổng thống sẽ chỉ định thủ tướng mới để thành lập một chính phủ trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Theo Al Jazeera, Quốc hội Iraq nhiều khả năng sẽ phê chuẩn ông al-Sudani làm ứng cử viên thủ tướng. Dẫu vậy, việc người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội và tầm ảnh hưởng của vị giáo sĩ al-Sadr đối với những người ủng hộ mình rõ ràng đã gửi một cảnh báo về khả năng khủng hoảng chính trị tiếp tục leo thang nếu ông al-Sudani trở thành tân thủ tướng Iraq.

VĂN HIẾU

Tags: qdnd
Lượt xem: 52
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết