• :
  • :

Luật Biên phòng Việt Nam đang phát huy hiệu quả

LTS: Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022) đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác biên phòng, đồng thời thể hiện rõ nét nghệ thuật bảo vệ biên giới (BVBG) của cha ông ta trong một văn bản pháp lý về biên phòng của thời kỳ mới-thời kỳ biên giới, lãnh thổ của các quốc gia chịu tác động mạnh mẽ của những thách thức an ninh phi truyền thống và việc giải quyết những thách thức đó phải trên cơ sở pháp luật.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân phỏng vấn Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) về việc triển khai thi hành luật quan trọng này.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Luật BPVN có ý nghĩa như thế nào trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, sự phát triển kinh tế của đất nước và sự bình yên của nhân dân?

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến: Luật BPVN là văn bản pháp lý quan trọng được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược BVBG quốc gia”. Tại Kỳ họp thứ 10, ngày 11-11-2020, Luật BPVN đã được Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua với số phiếu tán thành đạt 94,61%. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, có ý nghĩa huy động sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả hệ thống chính trị và các nguồn lực cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, Luật BPVN đã xác định vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; yêu cầu xây dựng LLVT nhân dân và một số chủ thể tham gia xây dựng, quản lý, BVBG quốc gia, nhất là xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, BVBG quốc gia.

 Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến.

Luật BPVN góp phần giải quyết những bất cập, hạn chế trong công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách với các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới, cửa khẩu; đẩy mạnh việc đầu tư của Nhà nước, địa phương vào một số chương trình, mục tiêu quốc gia tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn bảo đảm hiệu quả, chất lượng; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động lưu thông biên giới, xây dựng biên giới hòa bình và phát triển.

Qua hơn 7 tháng chính thức có hiệu lực và đi vào cuộc sống, có thể khẳng định Luật BPVN đã và đang phát huy hiệu quả như kỳ vọng, đáp ứng được niềm mong mỏi của cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng và nhân dân khu vực biên giới. 

PV: Những điểm nổi bật của Luật BPVN là gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến: Luật BPVN gồm 6 chương, 36 điều, đã quy định nổi bật những nội dung sau:

Một là, thể hiện rõ chủ trương của Đảng về công tác biên phòng, hướng đến mục tiêu thể chế hóa đầy đủ đường lối đối nội, đối ngoại, quan điểm nhất quán về quản lý, BVBG quốc gia. Đồng thời, luật đã cụ thể hóa định hướng lớn nhằm xây dựng, huy động tiềm lực mọi mặt của quốc gia, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại để bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm cơ sở để xây dựng những chính sách cụ thể, đặc thù đối với hoạt động xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (BĐBP tỉnh Lào Cai) tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Ảnh: VĂN CAO 

Hai là, Luật BPVN đã quy định nội dung cơ bản về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trên cơ sở thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, phương châm Chiến lược BVBG quốc gia. Quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của mặt trận, LLVT nhân dân và một số chủ thể tham gia xây dựng, quản lý, BVBG quốc gia; điều chỉnh các vấn đề liên quan đến BĐBP như hình thức và biện pháp quản lý, BVBG; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hệ thống tổ chức của BĐBP và chế độ, chính sách đối với BĐBP với tư cách là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, BVBG quốc gia. Ba là, Luật BPVN tập trung quy định bảo đảm các nguồn nhân lực, tài chính, tài sản để phục vụ nhiệm vụ biên phòng và một số đối tượng ưu tiên, cụ thể: Bảo đảm nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, tài sản; quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, các bộ, cơ quan ngang bộ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận, HĐND, UBND các cấp đối với hoạt động thực thi nhiệm vụ biên phòng; quy định phối hợp giữa BĐBP với các cơ quan, đơn vị trong quân đội nội dung thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Thông qua việc quy định cụ thể trách nhiệm riêng cho từng cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, luật cũng chỉ rõ các cơ quan, tổ chức cần phối hợp chặt chẽ với nhau để phát huy sức mạnh tổng hợp nền biên phòng toàn dân, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Bốn là, những nội dung đó đã tạo cơ sở pháp lý nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng lực lượng BVBG, xây dựng nền biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh ở khu vực biên giới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để xây dựng, quản lý, BVBG quốc gia; phù hợp với thực tiễn và pháp luật quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

PV: BĐBP đã và đang có giải pháp gì để đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung của Luật BPVN vào cuộc sống?

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến: Ngay sau khi Luật BPVN được ban hành, Bộ tư lệnh BĐBP đã chủ động soạn thảo, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành và đề xuất Chính phủ ban hành 2 nghị định, 2 thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các nội dung do luật giao nhằm đưa Luật BPVN thực sự đi vào thực tiễn.

Những năm qua, BĐBP đã triển khai rất hiệu quả Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo", tạo tiền đề thuận lợi để tuyên truyền, phổ biến các nội dung, quy định của Luật BPVN và chức năng, nhiệm vụ của BĐBP. Bên cạnh đó, Bộ tư lệnh BĐBP cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp xây dựng đề án tập huấn chuyên sâu về tuyên truyền Luật BPVN; hướng dẫn các đơn vị đẩy mạnh việc quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, quản lý và BVBG quốc gia; phối hợp với các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở, nhất là với cấp ủy, chính quyền các địa phương để tuyên truyền về Luật BPVN một cách đồng bộ, toàn diện, đến từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là khu vực biên giới. Bộ tư lệnh BĐBP cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, cơ quan thông tấn, báo chí triển khai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật BPVN thông qua các sản phẩm báo chí, thông tin, truyền thông như truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử; các hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên và hệ thống thông tin cơ sở, cổng thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội; tổ chức thi trực tuyến tìm hiểu Luật BPVN đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam...

Bộ tư lệnh BĐBP cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương trong xây dựng, quản lý và BVBG quốc gia để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tập trung củng cố cơ sở chính trị ở khu vực biên giới vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, hợp tác quốc tế về biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

KIM DUNG (thực hiện)

Tags: qdnd
Lượt xem: 42
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...