• :
  • :

Đảng Dân chủ Mỹ gia tăng sức ép với các nhà sản xuất súng

Một báo cáo do Ủy ban Cải cách và Giám sát của Hạ viện Mỹ thực hiện cho biết, 5 nhà sản xuất súng lớn của Mỹ đã thu được hơn 1 tỷ USD trong một thập niên qua từ việc bán các loại súng trường tấn công.

Reuters ngày 28-7 cho biết, báo cáo trên được công bố tại một phiên điều trần của Giám đốc điều hành (CEO) hai nhà sản xuất súng của Mỹ là Sturm, Ruge & Co và Daniel Defense trước Ủy ban Cải cách và Giám sát của Hạ viện. Báo cáo nêu rõ, bất chấp tình trạng bạo lực súng đạn gia tăng, doanh thu từ việc bán các loại súng trường tấn công tại Mỹ tiếp tục tăng vọt.

Theo đó, doanh thu từ việc bán súng trường AR-15 do Daniel Defense sản xuất tăng từ 40 triệu USD vào năm 2019 lên hơn 120 triệu USD trong năm 2021. Đối với Sturm, Ruge & Co, doanh thu tăng từ 39 triệu USD lên 103 triệu USD cũng trong thời gian trên.

Bà Carolyn Maloney, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Giám sát của Hạ viện Mỹ phát biểu tại phiên điều trần. Ảnh: The Washington Post

“Không một nhà sản xuất súng nào có những bước đi, thậm chí là cơ bản, để theo dõi tỷ lệ thương vong do các sản phẩm của họ gây ra. Điều đó là rất vô trách nhiệm”, Hạ nghị sĩ Carolyn Maloney thuộc Đảng Dân chủ, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Giám sát của Hạ viện Mỹ khẳng định.

Phát biểu tại phiên điều trần, bà Maloney nhấn mạnh, ngành công nghiệp súng đạn đã “len lỏi” vào các khu dân cư, trường học, thậm chí các nhà thờ và thánh đường Hồi giáo tại Mỹ. Vì vậy mà các nhà sản xuất súng ở Mỹ trở nên giàu có.

CBS News dẫn lời bà Maloney cáo buộc các công ty như Sturm, Ruge & Co và Daniel Defense đã tiếp thị vũ khí “với trẻ em, đánh vào tâm lý bất an của những nam thanh niên trẻ tuổi, thậm chí còn lôi kéo cả những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng bạo lực”. Reuters cho biết các thành viên Ủy ban Cải cách và Giám sát của Hạ viện Mỹ đã gây sức ép với Sturm, Ruge & Co và Daniel Defense liên quan tới chiến lược tiếp thị của hai nhà sản xuất vũ khí này-vốn thường sử dụng nhiều hình ảnh cho thấy những sản phẩm mà họ bán cho người dân có thể sánh ngang với vũ khí mà quân đội Mỹ sử dụng.

“Chúng ta không có gì phải ngạc nhiên khi những nam thanh niên trẻ tuổi mua vũ khí để trông có vẻ giống hay hành động như những binh lính”, Hạ nghị sĩ Rashida Tlaib nêu rõ.

Tại phiên điều trần, các hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ kêu gọi bãi bỏ quyền miễn trừ bị kiện đối với các nhà sản xuất súng để họ phải chịu trách nhiệm đối với các vụ xả súng đẫm máu. Theo một đạo luật của Mỹ được ban hành năm 2005, các nhà sản xuất súng không phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến các vụ bạo lực có sử dụng súng do họ sản xuất. 

Trong khi đó, ông Christopher Killoy, CEO của Sturm, Ruge & Co và ông Marty Daniel, CEO của Daniel Defense đều lên tiếng bảo vệ ngành công nghiệp súng đạn. Họ cho rằng bất kỳ loại súng nào “cũng có thể được sử dụng vì mục đích tốt hoặc mục đích xấu” và sự khác biệt nằm ở “ý định của cá nhân người sở hữu”.

Theo số liệu của tổ chức Small Arms Survey có trụ sở tại Thụy Sĩ, Mỹ hiện là quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu súng cao nhất thế giới với trung bình cứ 100 người dân Mỹ thì sở hữu 120 khẩu súng. Kiểm soát súng đạn vốn là chủ đề gây chia rẽ lớn trong dư luận Mỹ suốt nhiều năm qua.

Trong khi Đảng Dân chủ lâu nay vẫn luôn muốn áp đặt kiểm soát súng đạn thì Đảng Cộng hòa lại phản đối với lý do tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ quy định quyền của người dân đối với việc cất giữ và mang theo vũ khí là “không được phép xâm phạm”.

Theo Gun Violence Archive-tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi các vụ bạo lực súng đạn tại Mỹ, kể từ đầu năm 2022 đến nay, đã xảy ra ít nhất 314 vụ xả súng hàng loạt tại nước này. Báo cáo mới nhất của tổ chức phi lợi nhuận Everytown for Gun Safety cho biết, thiệt hại về kinh tế trực tiếp và gián tiếp từ các vụ bạo lực súng đạn của Mỹ lên tới 557 tỷ USD mỗi năm.

HOÀNG VŨ

Tags: qdnd