• :
  • :

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Khó tìm nhà đầu tư

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia, nhưng việc tìm nhà đầu tư thực hiện hạng mục quan trọng, nhất là phần đường cao tốc trên cao theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đang gặp những khó khăn.

Phối cảnh nút giao Vành đai 4 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. (Ảnh: chủ đầu tư.
Phối cảnh nút giao Vành đai 4 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. (Ảnh: chủ đầu tư)

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài hơn 112km, đi qua 3 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Dự án có tổng mức đầu tư trên 85.800 tỷ đồng được chia làm 7 dự án thành phần, trong đó đường cao tốc Vành đai 4 được đầu tư theo PPP với mức đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng (dự án thành phần 3). Dự án thành phần này được đánh giá là “trái tim” của dự án, hiện đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông Hà Nội (đại diện chủ đầu tư), hiện chỉ có 1 nhà đầu tư trong nước quan tâm đến dự án thành phần 3. Do đó, UBND TP Hà Nội đã đề xuất được phép liên danh nhà đầu tư nội - ngoại thực hiện dự án.

Theo đó, Ban Quản lý dự án giao thông Hà Nội cho biết, dự án thành phần 3 được UBND TP Hà Nội phê duyệt ngày 20/12/2023, có tổng mức đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng, gồm vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng là hơn 26.700 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư là hơn 29.500 tỷ đồng.

UBND TP Hà Nội phấn đấu hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư và khởi công dự án thành phần 3 trong quý 4/2024. "Khó khăn lớn nhất tại dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chính là phải triển khai xây dựng đường cao tốc trung tâm "xương sống" của dự án, bảo đảm tiến độ, đồng bộ với các dự án thành phần xây dựng đường song hành đang triển khai, dự kiến hoàn thành toàn bộ tuyến đường song hành trong năm 2025", lãnh đạo chủ đầu tư nói.

Theo phân tích của chủ đầu tư, nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án phải đáp ứng nhiều tiêu chí. Thứ nhất, có vốn chủ sở hữu tối thiểu 15% tổng mức đầu tư dự án, không bao gồm vốn nhà nước (tức khoảng hơn 4.400 tỷ đồng). Về kinh nghiệm hợp đồng tương tự, từng là nhà thầu chính thi công hoàn thành gói thầu có giá trị tối thiểu là 30% giá trị công việc tương ứng (khoảng hơn 13.600 tỷ đồng). Về kinh nghiệm là nhà đầu tư, các ứng viên phải từng hoàn thành dự án có tổng mức đầu tư tối thiểu 50% tổng mức đầu tư dự án (khoảng hơn 28.100 tỷ đồng)...

“Điều này dẫn đến việc phải tổ hợp nhiều nhà đầu tư, nhà thầu để thành lập liên danh thì mới có thể đáp ứng tiêu chí năng lực tài chính và kinh nghiệm của dự án thành phần 3”, đại diện chủ đầu tư đánh giá.

Cũng theo chủ đầu tư, khi lập các tổ hợp liên danh nhà đầu tư, thì theo quy định của Chính phủ, tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đứng đầu trong liên danh tối thiểu là 30%, của từng thành viên trong liên danh tối thiểu là 15%. Một điểm gây khó khác là do dự án thành phần 3 sử dụng vốn nhà đầu tư khoảng 29.525 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu vay từ các tổ chức tín dụng chiếm khoảng 85% nguồn vốn, thời gian hoàn vốn kéo dài.

"Khả năng tập trung một lượng vốn rất lớn để cho vay dài hạn như vậy trên thực tế là hết sức khó khăn đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của nhà đầu tư", đại diện chủ đầu tư thông tin và cho rằng, sẽ không nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia tổ hợp thành liên danh nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu. Do đó, cần mở rộng thêm nhà đầu tư quốc tế tham gia vào các liên danh để thực hiện dự án thành phần 3, để vừa đáp ứng yêu cầu kinh nghiệm, bảo đảm tính cạnh tranh, vừa huy động được thêm nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, việc tìm nhà đầu tư ngoại tham gia cũng có những khó khăn là cần các Bộ, ngành Trung ương liên quan xem xét, thống nhất ý kiến về tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu, điều khoản hợp đồng. Hơn nữa, thời gian thương thảo hợp đồng có thể kéo dài do phải đàm phán với nhà đầu tư quốc tế. Khi đó, nguy cơ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chậm tiến độ là hiện hữu.

Lượt xem: 2
Tác giả: Minh Hữu