Chuyến thăm thể hiện mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển tốt đẹp ở mức độ cao
Ngày 30-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Nhà nước Nhật Bản. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm.
Phóng viên (PV): Đề nghị Bộ trưởng cho biết ý nghĩa và dấu ấn nổi bật của chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam? Những ưu tiên hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Nhận lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27 đến 30-11. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa và là dấu ấn hết sức quan trọng, thể hiện mối quan hệ phát triển tốt đẹp ở mức độ cao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Có thể khái quát lại là “ý nghĩa quan trọng, thành quả toàn diện, nội dung thực chất, chương trình phong phú”.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: VIỆT ĐOÀN |
Trước hết, đây là chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị người đứng đầu Nhà nước. Diễn ra vào thời điểm hai nước Việt Nam và Nhật Bản đang cùng nhau kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm là điểm nhấn nổi bật và quan trọng nhất trong chuỗi khoảng 500 sự kiện kỷ niệm giữa hai nước trong suốt một năm vừa qua.
Thứ hai, chuyến thăm đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện, trong đó dấu ấn nổi bật nhất là việc hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Việc nâng cấp quan hệ phản ánh mức độ tin cậy chính trị cao và sự chín muồi của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, mở ra thời kỳ hợp tác phát triển mới thực chất và hiệu quả hơn nữa trên mọi lĩnh vực, đáp ứng mong muốn, nhu cầu và lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới.
Thứ ba, thông qua Tuyên bố chung và các cuộc trao đổi, hai bên đã đạt nhất trí cao về các định hướng lớn và quan trọng trong quan hệ hai nước thời gian tới. Tại cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida Fumio, hai bên đã đi sâu trao đổi và thống nhất về các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, bao gồm tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp; tiếp tục làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, ODA, lao động...; thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như giảm phát thải, năng lượng sạch, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương; tăng cường phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Nhật Bản một lần nữa khẳng định ủng hộ Việt Nam đăng cai Năm APEC 2027 và sẵn sàng phối hợp hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công sự kiện quan trọng này. Nhân dịp này, hai bên đã ký kết các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, y tế, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, vệ tinh vũ trụ và di sản văn hóa.
Thứ tư, chương trình chuyến thăm phong phú, toàn diện với gần 40 hoạt động chính, thể hiện sự tin cậy, gắn bó cao giữa lãnh đạo, người dân, địa phương hai nước. Phía Nhật Bản đã dành cho Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng phu nhân và đoàn đại biểu Việt Nam mức đón tiếp hết sức trọng thị và đặc biệt. Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã chiêu đãi và trao đổi thân tình, trọng thị với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có nhiều cuộc trao đổi, tiếp xúc với lãnh đạo của Hoàng gia, Chính phủ, Quốc hội và đông đảo các tổ chức kinh tế-xã hội, hội hữu nghị, các chính trị gia có nhiều đóng góp cho quan hệ với Việt Nam...; cùng lãnh đạo và bạn bè Nhật Bản dự lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao được tổ chức trọng thể tại Nhà khách Hoàng gia Minh Trị. Đặc biệt, việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có bài phát biểu quan trọng tại Quốc hội Nhật Bản là điểm nhấn của chuyến thăm.
Thông qua bài phát biểu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã truyền tải thông điệp tới tất cả lãnh đạo và đông đảo người dân Nhật Bản về một đất nước Việt Nam đổi mới, mở cửa, yêu chuộng hòa bình, khát vọng phát triển, về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như mong muốn tăng cường hợp tác, chia sẻ lợi ích và cơ hội phát triển với Nhật Bản.
Việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm tỉnh Fukuoka, gặp gỡ các lãnh đạo tại khu vực Kyushu sẽ tạo ra xung lực mới cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với khu vực Kyushu rộng lớn, đầy tiềm năng hợp tác... Đồng thời, các hoạt động tiếp xúc, gặp mặt thân tình giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với đại diện các thế hệ người Việt Nam tại Nhật Bản có nhiều đóng góp cho quan hệ hai nước, là nguồn động viên lớn đối với cộng đồng 520.000 người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản, thể hiện chính sách của Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ủng hộ, luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời và là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Về ưu tiên hợp tác trong thời gian tới, hai nước cần tập trung triển khai cụ thể khuôn khổ quan hệ mới đối tác chiến lược toàn diện với các trọng tâm sau.
Một là, tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị thông qua duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao hằng năm bằng nhiều hình thức linh hoạt trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực.
Hai là, định ra phương hướng triển khai quan hệ trong các lĩnh vực cụ thể. Theo đó, tăng cường liên kết kinh tế; thúc đẩy hợp tác bảo đảm thịnh vượng, an ninh kinh tế. Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; tiếp tục cung cấp ODA thế hệ mới cho Việt Nam.
Nhật Bản tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản; đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn, chất lượng cao tại Việt Nam, bao gồm lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, thúc đẩy mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như bán dẫn, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả các cam kết, trong đó có việc giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngoài ra, tăng cường kết nối nguồn nhân lực, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương, tạo sự hiểu biết, tin cậy, hợp tác hiệu quả, thực chất. Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo cán bộ cấp chiến lược.
Ba là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC...
Tôi tin tưởng rằng với khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sẽ phát triển mạnh mẽ, thực chất trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong 3 lĩnh vực ưu tiên hợp tác nói trên, đáp ứng lợi ích của hai bên và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
ĐOÀN CA (ghi)