• :
  • :

Chính phủ Canada và Google đạt thỏa thuận "lịch sử"

Chính phủ Canada và "gã khổng lồ" Google đã đạt được thỏa thuận giải quyết những tranh cãi liên quan tới đạo luật tin tức trực tuyến, hay còn gọi là C-18.

C-18 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 19-12 tới, yêu cầu các “gã khổng lồ” công nghệ như Meta và Google phải đàm phán với nhiều hãng tin tức Canada về việc trả phí cho nội dung các tin tức báo chí xuất hiện trên các nền tảng của mình.

Tân Hoa xã ngày 30-11 đưa tin, trong một thông báo, Bộ trưởng Di sản Canada Pascale St-Onge nhấn mạnh thỏa thuận mới đạt được sẽ mang lại lợi ích cho các hãng tin tức Canada, đồng thời cho phép Google tiếp tục "đóng vai trò quan trọng" trong việc giúp người dân tại xứ sở lá phong tiếp cận những nội dung tin tức đáng tin cậy.

Theo thỏa thuận, Google sẽ thanh toán số tiền 100 triệu CAD (khoảng 74 triệu USD) mỗi năm cho các hãng tin tức Canada đối với nội dung những tin tức báo chí xuất hiện trên các nền tảng của mình.

  Bộ trưởng Di sản Canada Pascale St-Onge gọi thỏa thuận với Google là "mang tính lịch sử". Ảnh: AP

Trong khi đó, AFP dẫn lời Bộ trưởng St-Onge, gọi đây là một thỏa thuận "mang tính lịch sử". "Trong hơn một thập niên qua, các hãng tin tức đã gặp khó khăn do sự xuất hiện của những nền tảng số lớn như Google. Tại Canada, gần 500 hãng tin tức đã đóng cửa, hàng nghìn nhà báo mất việc làm. Thỏa thuận sẽ thiết lập một mối quan hệ thương mại công bằng hơn giữa các nền tảng số và các hãng tin tức tại Canada", Bộ trưởng St-Onge nêu rõ.

Đánh giá về thỏa thuận mới đạt được với Google, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng nó sẽ "tạo tiếng vang" tới những quốc gia "nơi mà các hãng tin tức đang phải đối mặt với cùng thách thức" giống như tại Canada. Chủ tịch Hiệp hội các nhà báo Canada Brent Jolly nhấn mạnh thỏa thuận "chắc chắn là một kết quả tốt đẹp".

C-18 được cho là tương tự với Luật Đàm phán truyền thông vốn được Quốc hội Australia thông qua hồi năm 2021. Đây được xem là một “tiền lệ thay đổi” về mối quan hệ giữa các hãng tin tức và các “gã khổng lồ” công nghệ, đưa Australia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép cơ quan trọng tài của chính phủ quyết định mức phí mà các “ông lớn” này phải bỏ ra nếu như những nỗ lực đàm phán thương mại với các hãng tin tức địa phương không đạt kết quả.

Mặc dù vậy, so với khi còn là dự thảo, Luật Đàm phán truyền thông của Australia đã được thay đổi một số điều khoản theo chiều hướng “mềm mỏng” hơn sau khi bất đồng giữa Canberra và “gã khổng lồ” Facebook (khi đó chưa đổi tên thành Meta) lên tới đỉnh điểm, khiến người dùng tại Australia không thể xem hoặc chia sẻ tin tức của các hãng tin tức địa phương lẫn quốc tế trên nền tảng mạng xã hội này.

Theo AFP, số tiền 100 triệu CAD/năm theo thỏa thuận với Google là ít hơn so với những gì mà Chính phủ Canada dự tính ban đầu. Global News cho biết Ottawa từng ước tính C-18 có thể buộc Google phải trả 172 triệu CAD/mỗi năm cho các hãng tin tức địa phương và con số đối với Meta là 62 triệu CAD/mỗi năm. Trong bối cảnh đó, CTV News dẫn lời Bộ trưởng St-Onge khẳng định Chính phủ Canada "hoàn toàn không hề nhượng bộ" khi đàm phán thỏa thuận với Google; khẳng định Ottawa có quyền xem xét lại thỏa thuận với Google nếu như "các thỏa thuận tốt hơn đạt được ở nơi nào khác trên thế giới".

Trong khi Google đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ Canada, Meta vẫn cáo buộc C-18 "sai sót cơ bản". Để phản đối C-18, Meta đã ngừng cho phép người dùng tại Canada truy cập tin tức trên các nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram từ tháng 8 năm nay.

HOÀNG VŨ

Tags: Google
Lượt xem: 12
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...