• :
  • :

Cánh tay nối dài của Việt Nam ra thế giới

Là đơn vị hỗ trợ xúc tiến đầu tư, Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc (VKBIA) đang và sẽ tiếp tục là “cánh tay nối dài” đưa các quỹ đầu tư nước ngoài về Việt Nam, cũng như đưa hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc và các thị trường khác. Tiến sĩ (TS) Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch VKBIA, khẳng định như vậy với phóng viên trước thềm năm mới Xuân Quý Mão 2023.

"Cánh tay nối dài"

Theo TS Trần Hải Linh, VKBIA là nơi tập hợp các doanh nhân Hàn Quốc, các chuyên gia, trí thức Việt Nam ở Hàn Quốc. Trong thời gian vừa qua, hiệp hội có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư cũng như hợp tác giữa địa phương hai nước. “Đơn cử như hồi tháng 12-2022, chúng tôi đã thúc đẩy hợp tác cấp toàn diện giữa các doanh nghiệp (DN) ở tỉnh Lai Châu và tỉnh Hậu Giang với các địa phương của Hàn Quốc. Đó là chiến lược kết nối của hiệp hội”, TS Trần Hải Linh cho hay.

Bên cạnh đó, VKBIA tiếp tục hỗ trợ đưa nông sản Việt Nam ra thế giới, đặc biệt thông qua "cửa ngõ" Hàn Quốc. Theo TS Trần Hải Linh, Việt Nam là đất nước của nông nghiệp; nông sản của Việt Nam còn có nhiều cơ hội để tiếp tục tăng giá trị thương mại ở Hàn Quốc. Để thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc, nông sản Việt Nam phải đạt các tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn Hàn Quốc, từ đó có thể đi đến các “cửa ngõ” tiếp theo như Australia, Nhật Bản....

 Tiến sĩ Trần Hải Linh (thứ 4, từ trái sang) tham dự chương trình Xuân Quê hương 2023. Ảnh do nhân vật cung cấp.

“Vướng mắc ở Việt Nam là nhiều DN chưa quan tâm tới tiêu chuẩn, khi có đơn hàng thường làm gấp gáp, đáp ứng tiêu chuẩn trong vài lần đầu, sau đó bị giảm dần. Thiết nghĩ, các DN không chỉ chú ý đến thương mại mà cũng cần quan tâm đến vùng nguyên liệu, phải nắm rõ tiêu chuẩn của từng vùng, từng thị trường. Việc áp dụng các tiêu chuẩn càng lâu thì đối tác sẽ duy trì đơn hàng cho chúng ta. DN vùng trồng, DN sản xuất, DN sau thu hoạch và DN thương mại hai nước cần kết hợp chặt chẽ”, Chủ tịch VKBIA gợi ý.

Là người sống ở xứ sở kim chi gần 20 năm, TS Trần Hải Linh nắm rõ công nghệ cũng như hiểu rõ phía Hàn Quốc có gì và cần gì, phía Việt Nam có gì và có thể làm được gì. “Cà phê hòa tan mang giá trị thấp khi nhập vào Hàn Quốc. Đất nước này chủ yếu nhập khẩu cà phê thô để chế biến các loại cà phê mang hương vị của họ. Năm vừa qua, chúng tôi chế biến được 4 loại cà phê mang thương hiệu VKBIA phù hợp với thị hiếu người Hàn Quốc, từ giới chính trị gia, các tập đoàn cho đến người dân. Sở dĩ chúng tôi lấy thương hiệu cà phê VKBIA bởi đây là sản phẩm trí tuệ tập thể của các nhà nghiên cứu, DN thuộc VKBIA.

Sau một năm thử nghiệm, trong năm 2023 chúng tôi sẽ sử dụng nguồn nhiên liệu đã được kiểm soát tại Việt Nam, áp dụng công nghệ tại Việt Nam để sản xuất ra các loại cà phê này. Chúng tôi cũng sẽ thành lập các trung tâm giới thiệu hàng nông sản Việt Nam, trong đó có cà phê VKBIA tại Hàn Quốc”, TS Trần Hải Linh bày tỏ. Chủ tịch VKBIA khẳng định, hiệp hội là “cánh tay nối dài” đưa nông sản Việt Nam ra thế giới.

Còn nhiều DN “đại bàng” Hàn Quốc muốn xây tổ ở Việt Nam

Hiện nay, các quỹ đầu tư là thành viên của VKBIA dành mối quan tâm lớn tới Việt Nam. Một số tập đoàn của Hàn Quốc cũng khẳng định sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Ví dụ như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics HCMC CE Complex ở TP Hồ Chí Minh mới đây tăng quy mô từ 1,4 tỷ USD lên 2 tỷ USD hay Samsung vừa chính thức khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội.

“Nhiều người từng hỏi tôi: “Có nhiều DN “đại bàng” của Hàn Quốc đã xây tổ ở Việt Nam, nhưng còn nữa hay không? Tôi cho rằng, còn rất nhiều DN “đại bàng”, “chim sẻ” và “chào mào” đang chờ đợi cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Là đơn vị hỗ trợ xúc tiến đầu tư, chúng tôi sẽ nỗ lực tiếp tục đưa các quỹ đầu tư quốc tế cũng như các DN Hàn Quốc vào Việt Nam”, TS Trần Hải Linh khẳng định.

Nhận định năm 2023 là một năm khó khăn với nền kinh tế ở hầu hết các nước trên thế giới, nhưng TS Trần Hải Linh vẫn lạc quan về triển vọng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Theo ông, cuối năm 2022, Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, mở ra chương mới cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước. Dù nền kinh tế thế giới có khó khăn nhưng kết nối thương mại, trao đổi hai chiều giữa Việt Nam-Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển.

Chủ tịch VKBIA nhấn mạnh, thời gian qua Quốc hội Việt Nam đã có những luật sửa đổi, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về Việt Nam. Việc tiếp tục sửa đổi các luật, trong đó liên quan tới Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Đất đai rất cần thiết, là động lực để kiều bào trở về đầu tư tại quê hương.

“Nguồn lực của kiều bào hiện rất mạnh. Đảng, Nhà nước, Chính phủ có thể tận dụng nguồn lực kiều bào để trở thành "cánh tay nối dài" của Việt Nam ra thế giới”, TS Trần Hải Linh khẳng định.

LINH OANH

Tags: Việt Nam
Lượt xem: 15
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết