• :
  • :

Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt loạt thách thức lớn trong năm 2023

Tổng thống Joe Biden đối mặt với những thách thức liên quan đến quyền kiểm soát Hạ viện và xung đột Nga - Ukraina trong năm 2023.

Xung đột Nga - Ukraina

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden Mỹ là bên viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraina, cung cấp vũ khí để Ukraina tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên triển vọng hoà bình vẫn u ám khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo cuộc chiến có thể kéo dài.

Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định mục tiêu của Mỹ là giúp Ukraina đẩy lùi quân đội Nga khỏi vùng lãnh thổ mà Mátxcơva đã kiểm soát kể từ tháng 2.2022, ngoại trừ bán đảo Crimea. Trong khi đó, Ukraina tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh giành lại Crimea.

 

Nhiều thỏa thuận được hình thành giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Ukraina Zelensky. Ảnh: Xinhua

Bên cạnh đó, ông Biden cũng phải tìm cách duy trì liên minh Mỹ và các đồng minh Châu Âu nhằm tăng áp lực với Nga. Phía Châu Âu vẫn thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình với Ukraina, song giá khí đốt, lương thực tăng vọt và nguy cơ suy thoái kinh tế tiếp tục diễn ra trong năm 2023 có thể khiến lãnh đạo các nước phải cân nhắc.

Giải quyết thương mại Mỹ - Trung

Cuộc đối đầu chất bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm trong năm 2022. Những biện pháp hạn chế xuất khẩu từ Mỹ có khả năng cản trở nỗ lực của Bắc Kinh trong giai đoạn cạnh tranh công nghệ tiên tiến.

Tuy các biện pháp của Mỹ có hiệu quả song chỉ ở mức ngắn hạn. Trong khi đó câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay là liệu Trung Quốc sẽ trả đũa bằng cách nào và đồng minh của Mỹ sẽ có hành động ra sao.

 

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp tục leo thang. Ảnh: Xinhua

Bắc Kinh đã đệ đơn khiếu nại việc hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong khi đó, hai quốc gia quan trọng đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu là Hà Lan và Nhật Bản đã đàm phán với chính quyền ông Biden. 

Những nỗ lực của Mỹ nhằm tách khỏi ngành công nghệ Trung Quốc đã khiến quan hệ hai cường quốc trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đã cấm nhập khẩu thiết bị viễn thông từ Huawei. Đồng thời, các nhà lập pháp và quan chức an ninh cũng kêu gọi cấm TikTok - ứng dụng có hơn 100 triệu người dùng tại Mỹ.

Kiểm soát vũ khí toàn cầu

Triều Tiên liên tiếp thử nghiệm các loại vũ khí khiến những nỗ lực của ông Biden trong các cuộc đàm phán hạt nhân rơi vào bế tắc.

Tính đến cuối năm 2022, Triều Tiên đã thực hiện 63 vụ thử tên lửa, trong khi kỷ lục những năm trước chỉ dừng ở mức 25. Đó chính là lý do hàng đầu khiến quan chức Mỹ và Hàn Quốc lo ngại vụ thử hạt nhân lần thứ bảy của Bình Nhưỡng diễn ra vào năm 2023.

Trong khi đó, nhiều khả năng hiệp ước hạt nhân cuối cùng giữa Mỹ và Nga đối mặt tương lai không chắc chắn.

Ngoài ra, các nhà đàm phán Mỹ và Iran đều thừa nhận cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân đã không đạt được sự nhất trí của cả 2 bên. Rob Malley - đặc phái viên của ông Biden về vấn đề Iran - cho biết vấn đề càng trở nên tiêu cực khi Iran sắp có đủ nguyên liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân, đồng thời cáo buộc Tehran phá hỏng các thỏa thuận.

 

Mỹ và Hàn Quốc lo ngại những đợt thử nghiệm vũ khí tiếp theo của Triều Tiên. Ảnh: Xinhua

Kiểm soát quyền lực trong nước

Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện là thách thức lớn đối với ông Biden. Hạ nghị sĩ Michael McCaul - ứng cử viên tiếp quản Ủy ban Đối ngoại Hạ viện - đã soạn thảo một báo cáo chỉ ra chính quyền ông Biden không lập kế hoạch chi tiết cho cuộc rút quân khỏi Afghanistan. Vị chính trị gia này cũng đổ lỗi cho ông Biden trong vấn đề bỏ rơi các binh sĩ Afghanistan từng hợp tác với Mỹ sau khi Taliban tiến vào Kabul.