• :
  • :

“Ghế nóng” tại NATO

Vào tháng 9 tới, nhiệm kỳ Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của ông Jens Stoltenberg sẽ kết thúc, nhưng việc tìm ra một ứng viên xứng đáng thay thế ông ngồi vào “chiếc ghế nóng” này không phải điều dễ dàng.

3 nhóm lựa chọn

Người kế nhiệm ông Stoltenberg sẽ phải điều hành NATO tại một trong những thời điểm bước ngoặt: Cuộc xung đột tại Ukraine có nguy cơ leo thang. Điều này làm phức tạp thêm quá trình ra quyết định vốn đòi hỏi sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo của 30 quốc gia thành viên.

Theo trang Politico, tân Tổng thư ký cần đưa ra những quyết định bảo đảm thế cân bằng vốn đang được duy trì đầy khó khăn của khối liên minh, đó là vừa khuyến khích các thành viên tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, xây dựng hệ thống phòng thủ của riêng NATO, nhưng vừa phải bảo đảm nguyên tắc không trực tiếp tham chiến. Rất ít người có thể đảm đương vai trò đặc biệt này trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay.

 Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Getty Images

Liệu các thành viên NATO sẽ chọn một nhà lãnh đạo mới hay giải pháp an toàn là tiếp tục gắn bó với ông Stoltenberg? Tất cả vẫn là ẩn số. Tuy nhiên, theo Politico, có 3 nhóm lựa chọn được nhắc tới nhiều nhất vào thời điểm hiện tại.

Đầu tiên phải kể tới khả năng nhiệm kỳ của Tổng thư ký Stoltenberg sẽ tiếp tục được gia hạn. Ông là người kiên định, cẩn trọng, do vậy luôn được xem là phương án an toàn với các thành viên NATO. Thứ hai, nhóm những cái tên đã thu hút được sự chú ý đáng kể, gồm: Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace. Nhóm thứ ba ít được nhắc đến hơn bao gồm: Thủ tướng Litva Ingrida Šimonytė, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Hội nghị tại Vilnius

Hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo dự kiến được tổ chức tại thủ đô Vilnius của Litva vào tháng 7 tới. Đây có thể sẽ là một trong những hội nghị quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua của NATO. Theo ông Stoltenberg, hội nghị diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với môi trường an ninh phức tạp và khó lường nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, điều khiến hội nghị này được chú ý là việc bổ nhiệm tân Tổng thư ký NATO.

Dù một số thành viên NATO mong muốn có thể chọn một gương mặt lãnh đạo mới, nhưng ông Stoltenberg vẫn được coi là quan chức cấp cao hiếm hoi có thể giữ bình tĩnh và bám sát đường hướng ngay cả trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Hồi tháng 12 năm ngoái, khi trả lời BBC về vấn đề này, Tổng thư ký Stoltenberg nhấn mạnh: “Trọng tâm của tôi bây giờ là trách nhiệm đang gánh trên vai. Tôi không suy đoán về những gì sẽ xảy ra sau nhiệm kỳ của mình”.

Tháng 3-2022, các nước thành viên NATO đã quyết định gia hạn nhiệm kỳ của ông Stoltenberg thêm một năm, đến ngày 30-9-2023, giữa lúc NATO đối mặt khủng hoảng an ninh lớn từ xung đột Nga-Ukraine cũng như rạn nứt trong nội bộ. Đây là lần thứ hai ông Stoltenberg được gia hạn nhiệm kỳ Tổng thư ký.

Nhiều quan chức hiện nay cho rằng gia hạn thêm nữa nhiệm kỳ của ông, ngay cả khi ngắn hạn, là vấn đề cần suy xét cẩn trọng. Điều này có thể khiến quyết định thay lãnh đạo mới trong tương lai tiếp tục bị trì hoãn hoặc bị ảnh hưởng từ đợt bầu cử Nghị viện châu Âu vào năm 2024, chưa kể bầu cử Tổng thống Mỹ cũng sẽ diễn ra vào cùng năm đó. Đây là điều mà một số đồng minh muốn tránh.

NATO sẽ có nữ lãnh đạo đầu tiên?

Trong lịch sử của NATO, tất cả các tổng thư ký đều là nam giới nên một số quan chức, nhà ngoại giao cho rằng đã đến lúc NATO nên bổ nhiệm một phụ nữ vào chiếc ghế lãnh đạo. “Nếu nam giới cố gắng giữ vai trò này mãi thì cơ hội đại diện công bằng cho phụ nữ sẽ không bao giờ có”, một nhà ngoại giao cấp cao của NATO khẳng định.

Theo đánh giá của trang Emerging Europe, nữ ứng cử viên hàng đầu cho vị trí tân Tổng thư ký NATO là Thủ tướng Estonia Kaja Kallas. Bà ở trong nhóm các nhà lãnh đạo Trung và Đông Âu muốn NATO cùng các đồng minh thuộc Liên minh châu Âu (EU) có hành động mạnh hơn để đối phó Nga.

Đương nhiên, vấn đề đa dạng khu vực đối với vị trí lãnh đạo cũng được kêu gọi chú trọng hơn. Ông Stoltenberg là cựu Thủ tướng Na Uy và đã đảm nhiệm chức Tổng thư ký NATO từ năm 2014. Những người tiền nhiệm gần nhất của ông là người Đan Mạch, Hà Lan và Anh. Giới quan sát nhận định, có vẻ NATO muốn tổng thư ký tiếp theo đến từ một quốc gia thành viên mới nằm ở Đông Âu, có quan điểm cứng rắn với Nga, nhận được tín nhiệm cao ở EU và ưu tiên nữ giới.

HÀ LAN

Tags: NATO
Lượt xem: 10
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết