• :
  • :

Pháp và Australia nỗ lực hàn gắn “vết thương lòng” hậu AUKUS

Sau giai đoạn khó khăn bắt nguồn từ sự ra đời đột ngột của cơ chế đối tác an ninh 3 bên tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, gọi tắt là AUKUS, quan hệ Pháp-Australia đang chuyển sang một chương hợp tác mới.

 Mới đây, tại thủ đô Paris (Pháp) đã diễn ra Tham vấn cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Pháp-Australia lần thứ hai, hay còn gọi là Đối thoại 2+2. Trong tuyên bố chung được đưa ra, hai nước khẳng định nỗ lực trong việc “làm mới” quan hệ song phương và đưa quan hệ hai nước phát triển dựa trên 3 trọng tâm, bao gồm quốc phòng-an ninh, biến đổi khí hậu-phục hồi và văn hóa-giáo dục. Đây được coi là bước tiến mới nhất hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương.

Các bộ trưởng của Pháp và Australia tại buổi họp báo sau Đối thoại 2+2 lần thứ hai vừa qua. Ảnh: DFAT

Nhân sự kiện này, trang The Interpreter thuộc Viện nghiên cứu Lowy (Australia) đã liệt kê lại những tiến bộ đáng kể trong thời gian qua có thể góp phần giúp quá trình bình thường hóa giữa Pháp và Australia. Trước đó, quan hệ song phương từng trải qua sóng gió bởi sau khi AUKUS được thành lập vào tháng 9-2021 giữa Mỹ, Anh và Australia, Canberra đơn phương thông báo chấm dứt hợp đồng mua tàu ngầm có giá trị lên đến hàng chục tỷ USD với Paris. Cùng lúc, Paris không thể tránh khỏi cảm giác bị các đồng minh truyền thống gạt ra ngoài lề.

Đầu tiên, The Interpreter đề cập đến kết quả của chuyến công du tới Pháp của Thủ tướng Australia Anthony Albanese vào đầu tháng 7 năm ngoái. Sau cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron, Thủ tướng Albanese đánh giá Pháp giữ vai trò là trung tâm quyền lực ở châu Âu và là một cường quốc chủ chốt ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. The Interpreter nhấn mạnh điều này đặc biệt quan trọng đối với Pháp vì Australia mong muốn thúc đẩy vị thế quốc tế của Pháp, nhất là vai trò của nước này trong khu vực.

Bên cạnh đó, The Interpreter cho biết phía Canberra cũng xác nhận về khoản bồi thường trị giá khoảng 830 triệu AUD vì đã hủy hợp đồng mua tàu ngầm với Paris. Thỏa thuận trên là một sự dàn xếp công bằng và chấp nhận được bởi không chỉ Pháp bị thiệt hại kinh tế mà chính Australia cũng đã chi ra hàng tỷ AUD cho dự án này dù chưa nhận về bất kỳ sản phẩm nào.

Quan trọng hơn, The Interpreter đánh giá việc thay đổi chính phủ ở Australia với chiến thắng thuộc về ông Albanese là bước ngoặt cho sự khởi đầu mới của quan hệ Pháp-Australia. Theo trang này, điều đó cho phép cả chính quyền của Thủ tướng Albanese lẫn Tổng thống Macron có thể tuyên bố rằng những gì đã xảy ra không phải là sự hủy hoại lòng tin giữa hai nước. Vì vậy, kể từ khi Thủ tướng Albanese lên nắm quyền, Paris và Canberra không ngừng nhấn mạnh rằng quan hệ hai nước sẽ dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.

Những tín hiệu tích cực để bình thường hóa quan hệ song phương đều tốt cho cả Pháp và Australia. Đơn cử, về phần Pháp, hợp tác mạnh mẽ hơn với Australia là một lợi ích. Trước khủng hoảng AUKUS, Paris đã xác định Canberra là một trụ cột trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình. Ngược lại, trong bối cảnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tiềm ẩn những vấn đề có thể ảnh hưởng tới Australia nói riêng, việc chính quyền của Thủ tướng Albanese bắt tay trở lại với Pháp-quốc gia có vùng lãnh thổ hải ngoại tại khu vực-giúp cho Canberra có thêm đồng minh. Ngoài ra, mặc dù không thay mặt cho Liên minh châu Âu (EU) nhưng Pháp có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy trở lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do giữa Australia và EU.

Có thể nói, Pháp và Australia hiện đã bỏ lại các tranh cãi, bất đồng vì AUKUS để cùng nhau hướng về phía trước. “Quan hệ Pháp-Australia đang trở về guồng quay bình thường”, The Interpreter kết luận.

VĂN HIẾU

Tags: Pháp