• :
  • :

Tầm cao khó với

Mới đây, khi nói về mục tiêu giành huy chương Olympic, ông Vũ Xuân Thành, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam thừa nhận: “Rất khó để taekwondo Việt Nam có được Trần Hiếu Ngân thứ hai”.

Ông Vũ Xuân Thành phân tích, khi Trần Hiếu Ngân giành huy chương bạc Olympic Sydney 2000 thì trên thế giới mới chỉ có 89 quốc gia đầu tư môn taekwondo. Hiện tại, có tới hơn 200 quốc gia phát triển môn võ này nên sự cạnh tranh diễn ra khốc liệt. Chỉ tính riêng châu Á đã có nhiều cường quốc mạnh về taekwondo như Hàn Quốc, Uzbekistan, Iran, Trung Quốc và nổi lên gần đây là Thái Lan. “Đích đến Olympic của taekwondo Việt Nam rất chông gai. Thời gian qua, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đã tham mưu với Tổng cục Thể dục thể thao tổ chức nhiều giải đấu để tuyển chọn các vận động viên (VĐV) xuất sắc, hướng tới đầu tư trọng tâm trọng điểm cho các hạng cân nhỏ. Hy vọng với sự đầu tư chuyên nghiệp trong thời gian tới, taekwondo Việt Nam sớm giành thành tích tại Olympic”, ông Vũ Xuân Thành cho biết thêm.

       Võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền (bên phải) khó cạnh tranh huy chương Olympic. Ảnh: Reuters.

Thời gian qua, phong trào taekwondo đang phát triển rộng khắp trên các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Các giải trẻ, quốc gia luôn thu hút đông đảo võ sĩ, trong khi nhiều địa phương cũng muốn ứng tuyển đăng cai tổ chức các sự kiện liên quan đến taekwondo. Chỉ tính riêng Giải taekwondo các lứa tuổi trẻ quốc gia 2022 diễn ra từ ngày 7 đến 14-7 đã thu hút hơn 1.000 VĐV, huấn luyện viên tham dự. Để có được kết quả trên, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế. Đặc biệt, taekwondo Việt Nam luôn nhận được sự đồng hành, tài trợ từ phía Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Tập đoàn CJ cùng một số doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Dù vậy, để tiến tới mục tiêu chuyên nghiệp, đặc biệt là tầm cao ASIAD hay Olympic, taekwondo Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm.

Nhìn vào những gương mặt taekwondo Việt Nam hiện nay thì nổi bật hơn cả là võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền. Trong sự nghiệp thi đấu, Kim Tuyền đã từng giành huy chương bạc tại giải thế giới và một số lần vô địch tại giải châu Á. Tuy nhiên, khi thi đấu tại các đại hội như ASIAD hay Olympic thì Kim Tuyền vẫn chưa có thứ hạng. Gần nhất tại Olympic Tokyo 2020 diễn ra năm 2021, khoảng cách trình độ giữa Kim Tuyền và võ sĩ giành huy chương vàng Panipak Wongpattanakit (Thái Lan) còn xa. Một trong những hạn chế của Kim Tuyền là thể lực cùng việc ít được thi đấu cọ xát với những võ sĩ hàng đầu thế giới. Bởi vậy, khắc phục hạn chế trên, từ đầu năm 2022, Tổng cục Thể dục thể thao đã tạo điều kiện để đội tuyển taekwondo Việt Nam thuê chuyên gia thể lực Kim Woo-nam; bên cạnh một chuyên gia người Hàn Quốc khác là Kim Kil-tae vẫn tiếp tục đồng hành.

Thể thao muốn hướng tới đỉnh cao thì cần chú trọng đào tạo trẻ và ứng dụng các khoa học kỹ thuật vào tập luyện, hồi phục thể trạng. Bởi vậy, thông qua các giải đấu trẻ, những nhà chuyên môn tâm huyết với taekwondo Việt Nam muốn phát hiện thêm nhiều tài năng trẻ bổ sung vào đội tuyển trẻ quốc gia để từ đó có những lộ trình phát triển bài bản. Chia sẻ với phóng viên, huấn luyện viên trưởng đội tuyển taekwondo Việt Nam Vũ Anh Tuấn cho biết: “Tại SEA Games 31, đội tuyển taekwondo Việt Nam xuất sắc giành 9 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 3 huy chương đồng để xếp vị trí nhất toàn đoàn. Đây là động lực để các võ sĩ tiếp tục phấn đấu, trưởng thành cho chặng đường phía trước. Hiện tại, đội tuyển có một số gương mặt trẻ triển vọng như Phạm Ngọc Trâm (sinh năm 2003), Hồ Thị Kim Ngân (sinh năm 2004)... Olympic là một tầm cao khó với, chúng ta cần chuẩn bị kỹ, tính toán cụ thể cho từng bước đi một”.

HỮU TRƯỞNG

Tags: qdnd
Lượt xem: 97
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết