• :
  • :

Thành quả từ nỗ lực đào tạo vận động viên trẻ

Giải vô địch muay trẻ quốc gia năm 2022 vừa kết thúc tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã ghi nhận ngôi nhất toàn đoàn ở hai lứa tuổi thuộc về Hà Nội. Thành quả trên là sự kiên trì tìm kiếm và ươm mầm tài năng của những người yêu nghề.

Giải vô địch muay trẻ quốc gia năm 2022 diễn ra từ ngày 22 đến 28-6, thu hút hơn 250 vận động viên (VĐV) đến từ 27 đơn vị trên toàn quốc. Các VĐV thi đấu loại trực tiếp, chia thành các nhóm nam, nữ, ở hai lứa tuổi 15-17 và 18-20. Kết quả, lứa 15-17 tuổi, đoàn Hà Nội giành ngôi nhất toàn đoàn với 6 huy chương vàng (HCV), 3 huy chương bạc (HCB), 6 huy chương đồng (HCĐ); xếp thứ hai là đoàn TP Hồ Chí Minh với 2 HCV, 3 HCB, 4 HCĐ; xếp thứ 3 là đoàn Thanh Hóa với 2 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. Ở lứa tuổi 18-20, đoàn Hà Nội xếp ở vị trí thứ nhất với 5 HCV, 1 HCĐ; xếp thứ hai là đoàn Thanh Hóa với 3 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ; trong khi đó đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ 3 với 2 HCV, 1 HCB và 5 HCĐ.

Niềm vui của các võ sĩ muay Hà Nội khi giành giải nhất toàn đoàn hai lứa tuổi Giải vô địch muay trẻ quốc gia năm 2022.

Qua giải lần này dễ nhận thấy các địa phương ngày càng có sự đầu tư chuyên nghiệp và bài bản cho môn muay. Trong đó, đoàn Thanh Hóa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thái Nguyên có sự tiến bộ vượt bậc. Đoàn Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế số 1 về công tác đào tạo trẻ. Ông Dương Ngọc Hải, phụ trách môn muay và kickboxing Hà Nội cho biết: “Các võ sĩ giành HCV của Hà Nội tại giải này đa phần đã tập luyện muay được 6 năm. Ngoài ra, nhiều võ sĩ chỉ mới tập luyện 2 năm đã có huy chương giải trẻ quốc gia. Thời gian qua, mặc dù chúng tôi tuyển chọn VĐV tài năng rất khó khăn, nhưng khi đã đầu tư đào tạo võ sĩ một cách bài bản thì sẽ sớm giành được kết quả tốt".

Mặc dù sở hữu thành tích ấn tượng trên nhưng ít ai biết rằng, năm 2010 Hà Nội mới bắt đầu đầu tư cho môn muay, trong khi TP Hồ Chí Minh, Bình Định, An Giang bộ môn này đã rất phát triển. Không nhiều người dám nghĩ muay Hà Nội có thể bắt kịp những địa phương trên chứ chưa nói đến chuyện vượt qua. Ông Hoàng Trung Kiên, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội nhớ lại: "Để có kiến thức huấn luyện về muay, huấn luyện viên (HLV) Dương Ngọc Hải cùng đội ngũ huấn luyện đã phải ngày đêm mày mò tài liệu, băng đĩa về hai bộ môn này. Không những thế, anh cũng không ngần ngại cắp sách đi học chính các đối thủ tại TP Hồ Chí Minh hay Bình Định để từ đó có lộ trình đào tạo, huấn luyện đúng hướng".

Để giúp VĐV có không gian tập luyện tốt, HLV Dương Ngọc Hải mạnh dạn đề xuất với Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội cho anh được bỏ tiền túi xây dựng cơ sở tập luyện ngay chính trên mảnh đất của nhà mình tại xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) và được đồng ý. Không chỉ đầu tư sàn đấu, dụng cụ tập luyện chuyên nghiệp, anh Hải còn xây dựng nơi ăn chốn ở khá khang trang với điều hòa, máy giặt... cho VĐV. Bộ môn muay Hà Nội hiện có hai địa điểm huấn luyện ở Phúc Thọ (chủ yếu huấn luyện các VĐV nguồn) và ở Nhà thi đấu quận Cầu Giấy (các VĐV tham dự giải trẻ và giải vô địch quốc gia).

Với sự kiên trì “ươm mầm” tài năng và tâm huyết, yêu nghề của HLV Dương Ngọc Hải cùng đội ngũ huấn luyện, đến nay muay Hà Nội đã khẳng định được vị thế số 1 tại Việt Nam ở mọi cấp độ. Nhiều võ sĩ muay của Hà Nội không chỉ thể hiện được tài năng ở sân chơi trong nước, khu vực, châu lục mà cả trên thế giới, đặc biệt là Bùi Yến Ly với thành tích 12 năm liền thống trị muay và kickboxing toàn quốc; 1 HCV The world games muay, 5 HCV thế giới muay. Dù đi sau nhưng muay Hà Nội đang về trước. 

Bài và ảnh: MINH AN

Tags: qdnd
Lượt xem: 147
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết