• :
  • :

Nhìn thẳng-nói thật: Nói đủ, viết đủ

Buổi hòa nhạc kỷ niệm 150 năm sinh nhạc sĩ lừng danh người Nga Sergei Rachmaninov tổ chức ở Thủ đô Moscow mới đây, dàn nhạc giao hưởng hàng trăm người, sân khấu lớn, sang trọng. Trên bức màn nhung chỉ treo một bức chân dung nhạc sĩ, cùng dòng chữ nhỏ nhắn, khiêm nhường: “150-C. Rachmaninov”.

Còn lễ kỷ niệm chẵn năm sinh của một danh nhân nước ta, trên sân khấu trình bày dòng tiêu đề có đến... 27 chữ và số, chạy dài hai dòng phía trên maket và thêm 3 dòng nữa to đùng giữa chính sân khấu. Chỉ cần xem bức ảnh chụp sân khấu là như đọc một cái tin vắn, đầy đủ thông tin.

Đặt hai sự kiện này cạnh nhau với các chi tiết trên thì không nói lên điều gì cả.

Nhưng chắc chẳng có ai còn lạ khi dự những buổi họp hành, hội thảo phải nghe những bài phát biểu dài dằng dặc, lê thê kéo dài hàng chục phút nhưng chỉ toàn những lời lẽ bóng bẩy, chung chung, ít giá trị.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Còn nữa, trên phố xá, bảng hiệu các hàng quán ghi chi chít chữ thể hiện bằng hết những gì chủ quán muốn nói với khách hàng. Và rồi, mỗi dịp lễ, tết hay kỷ niệm của địa phương nào đó, tràn ngập không gian công cộng là pa nô, áp phích mà tấm biển nào cũng dày đặc, chi chít chữ.

Không thể phủ nhận vai trò, sức mạnh của ngôn từ trong tuyên truyền, quảng cáo, truyền thông. Nhưng nếu lạm dụng nhiều chữ quá thì hoàn toàn không hay chút nào. Đó có thể được xem là sự lòe loẹt, thiếu sự tinh tế, tế nhị. Những giá trị văn hóa mà các dòng chữ đó thể hiện cũng có thể bị mất đi nếu không được dùng đúng, đủ và thật... tiết kiệm.

Tiết kiệm chữ cũng là một nghệ thuật, một kỹ năng cần được rèn luyện và phát huy. Tiết kiệm chữ không có nghĩa là không nói, không viết mà là nói đủ, viết đủ. Đồng thời viết, nói có chất lượng, hiệu quả. Tiết kiệm chữ cũng là một biểu hiện của sự tôn trọng người nghe, người đối thoại, người xem, người đọc. Đó cũng là một cách để bảo vệ bản thân, tránh những rắc rối, phiền phức, mâu thuẫn không đáng có.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, lời nói không chỉ được thể hiện qua âm thanh mà còn qua hình ảnh, văn bản, biểu tượng. Chúng ta cần biết cách sử dụng những phương tiện này một cách hợp lý, phù hợp, không lạm dụng, không lãng phí. Cần biết cách chọn lọc những thông tin có giá trị, có ích, có ý nghĩa, không để bị ngập trong những thông tin rác, những lời, những chữ vô nghĩa, độc hại. Đặc biệt cần tránh những ngôn từ khoác lác, phô trương, tự cao, chê bai, xúc phạm.

Tiết kiệm chữ là một đức tính tốt, cần được rèn luyện và thực hành để góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại.

HOÀNG TUẤN

Lượt xem: 9
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết