Nga dùng chính tài sản bị đóng băng để trả tiền mua máy bay Boeing?
Nga đang đề xuất một phương thức đặc biệt để nối lại hợp tác hàng không dân dụng với Mỹ.
![]() |
Nga đã gửi cho Hoa Kỳ yêu cầu mua máy bay Boeing, gắn sáng kiến này với khả năng chấm dứt tình hình thù địch ở Ukraine, hãng tin Bloomberg cho biết sau khi tham khảo một nhân vật thân cận với tình hình.
Theo ấn phẩm này, Moskva hy vọng sẽ sử dụng một phần trong số khoảng 280 tỷ đô la tài sản nhà nước trong tình trạng đóng băng, vốn bị hạn chế tiếp cận do các lệnh trừng phạt được áp dụng từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu vào năm 2022.
Nguồn tin nhấn mạnh rằng việc mua máy bay không phải điều kiện để đạt được lệnh ngừng bắn, nhưng Nga hiểu rằng việc sử dụng những tài sản nói trên chỉ có thể thực hiện sau khi hòa bình được thiết lập.
Thỏa thuận tiềm năng này có thể là một phần của quá trình nới lỏng lệnh trừng phạt trong trường hợp căng thẳng giảm leo thang, mở ra triển vọng mới cho ngành hàng không Nga, vốn đang gặp khó khăn khi ngừng hợp tác với phương Tây.
Máy bay Boeing sẽ lại có mặt trong đội bay dân dụng của Nga?
Sáng kiến của Moskva đã làm dấy lên câu hỏi về tương lai của số tài sản bị đóng băng, vốn đã trở thành chủ đề tranh luận gay gắt trong cộng đồng quốc tế.
Các hãng hàng không Nga, bao gồm Aeroflot, đã gặp phải tình trạng thiếu phụ tùng thay thế và hỗ trợ kỹ thuật kể từ năm 2022 do lệnh trừng phạt, buộc họ phải dùng đến các biện pháp phi truyền thống, bao gồm cả việc tháo dỡ máy bay để lấy linh kiện.
Yêu cầu mua máy bay Boeing cho thấy mong muốn xây dựng lại đội bay của Nga, nhưng việc thực hiện còn phụ thuộc vào thỏa thuận chính trị do mối quan hệ căng thẳng với phương Tây. Các quan chức Điện Kremlin và Boeing hiện từ chối đưa ra bình luận chính thức.
Tài sản bị đóng băng vẫn là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong bối cảnh xung đột. Theo Reuters, vào tháng 4/2025, Nga và Hoa Kỳ đã tổ chức cuộc tham vấn sơ bộ tại Saudi Arabia, nơi họ thảo luận về cách thức có thể sử dụng số tiền này, bao gồm cả việc tái thiết Ukraine.
Nguồn tin của cơ quan thông tấn Anh cho biết, Moskva sẵn sàng cân nhắc phân bổ tới 2/3 tài sản cho việc khôi phục hạ tầng Ukraine, và chuyển phần còn lại đến các vùng lãnh thổ do mình kiểm soát.
Tuy nhiên Kyiv kiên quyết phản đối mọi quyết định không bồi thường toàn bộ thiệt hại, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới là 486 tỷ đô la vào năm 2024. Trước đó, G7 đã phán quyết rằng số tài sản nói trên sẽ vẫn bị đóng băng cho đến khi Nga đồng ý bồi thường, khiến việc sử dụng chúng để mua máy bay trở nên cực kỳ khó khăn.
Mỹ đang xúc tiến loại biên máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer.