• :
  • :

Nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa: Góp phần truyền thông cho ngành tòa án

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ X của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 9-8-2015 đã yêu cầu phải “tạo mọi điều kiện để báo chí hoạt động có chất lượng và hiệu quả”. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực sự tạo điều kiện cho báo chí hoạt động. Những “rào cản” này không chỉ đến từ những cá nhân cụ thể mà còn từ văn bản do các cơ quan chức năng soạn thảo. Gần đây nhất, dự thảo thứ 5 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã có những quy định khiến dư luận không khỏi quan ngại.

Giữ gìn hình ảnh?

Khoản 3, khoản 4 Điều 141 của dự luật này nêu rõ: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp”; “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp”.

Một lãnh đạo ngành tòa án cho rằng, khi bước vào phòng xử án, các thành viên Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, luật sư toàn tâm toàn ý, tập trung suy nghĩ cao nhất cho vụ án nên theo ông, nếu nhà báo chĩa máy quay vào sẽ khiến những người tham gia tố tụng này bị phân tán tâm lý. Cũng theo vị lãnh đạo này, các thành viên Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát, luật sư cũng không muốn hình ảnh đưa lên truyền thông không đẹp, bởi trong quá trình xét xử họ “phải nhăn mặt, nhíu mày, đăm chiêu suy nghĩ chứ không phải lúc nào cũng nở nụ cười”.

Các nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa xét xử vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tháng 4-2024. Ảnh: VĂN TOÀN 

Ai cũng có quyền với hình ảnh của mình, nhưng đối với cán bộ, công chức, một số quyền cá nhân đôi lúc bị hạn chế bởi mục đích phục vụ công của họ. (Nguyên tắc, cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép). Lúc đó, cán bộ, công chức không còn là cá nhân cụ thể mà đại diện cho một cơ quan công quyền tham gia một hoạt động vì lợi ích công. Do vậy, hình ảnh đẹp của người thi hành công vụ, người tham gia các hoạt động công nói chung là tính đúng đắn trong hành xử, lời nói của họ. Tức là những hình ảnh đó đẹp về tính kỷ cương, vẻ đẹp của tính đúng đắn của pháp luật. Ví như, một cảnh sát hình sự căng thẳng khi bắt giữ tội phạm, một cảnh sát phòng cháy, chữa cháy mệt mỏi sau vụ cháy... Đó đều là những hình ảnh đẹp, cần được truyền thông.

Trong một phiên tòa cũng vậy. Những diễn biến chính của phiên tòa cần được báo chí ghi lại, phản ánh tới công chúng như là một phần của sự thật khách quan. Những ý kiến về việc ánh đèn flash, di chuyển của nhà báo, phóng viên ảnh hưởng đến người tham gia tố tụng có thể được xử lý bằng các quy chế tham dự phiên tòa, bằng sự nhắc nhở của Hội đồng xét xử hay cán bộ tòa án. Thêm nữa, nếu coi chụp ảnh có thể gây ra “sự cố hình ảnh” hay làm ảnh hưởng đến phiên xử thì tại sao lại cấm cả ghi âm?

Nước ngoài quy định như thế nào?

Trên thế giới, phần lớn các quy định cấm ghi hình, ghi âm tại phiên tòa vì những người làm luật cho rằng, những hành động này có thể can thiệp vào quyền riêng tư của nạn nhân, nhân chứng và bị cáo (chứ không phải Hội đồng xét xử hay kiểm sát viên). Bởi lẽ, những đối tượng này không có kinh nghiệm cá nhân khi tham gia các phiên xử cũng như chưa được đào tạo về ứng xử, chưa có kiến thức pháp luật khi tham gia các hoạt động tố tụng giống như thành viên Hội đồng xét xử hay kiểm sát viên. Nạn nhân, nhân chứng và bị cáo cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tự bảo vệ mình khi bị thông tin sai trên truyền thông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản bác rằng, chưa có bằng chứng nào chứng minh camera có tác động tâm lý đến nạn nhân, nhân chứng và bị cáo hơn một phòng với nhiều người lạ tham dự hoặc chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc ghi hình, ghi âm ảnh hưởng đến (tính trung thực) các lời khai tại phiên tòa.

Các nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa xét xử vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tháng 4-2024. Ảnh: VĂN TOÀN 

Một hướng dẫn dành cho các nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa ở Nga nêu rõ: Nhà báo cũng như bất kỳ người tham dự phiên tòa nào, có quyền mang thiết bị ghi âm vào bên trong phòng xử án và ghi âm phiên tòa. Pháp luật tố tụng của Nga quy định rằng, những người tham gia phiên tòa mở có quyền ghi âm phiên tòa bằng thiết bị ghi âm (khoản 7 Điều 10 Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang). Những quy định tương tự cũng có thể được tìm thấy trong các bộ luật tố tụng khác của Nga.

Tuy nhiên, hướng dẫn này cũng nhấn mạnh: Các nhà báo nên nhớ rằng, việc ghi âm phải được thực hiện tại chỗ ngồi của họ. Phiên tòa không phải là một cuộc phỏng vấn khi các nhà báo tự do đặt micro hoặc máy ghi âm lên bàn của diễn giả. Mặc dù hầu hết các thẩm phán đều chấp nhận việc đặt các thiết bị trên bàn của Hội đồng xét xử, nhưng cần lưu ý rằng, loại thiết bị này có thể khiến thẩm phán mất tập trung.

“Điều quan trọng cần thừa nhận là pháp luật không quy định nghĩa vụ của những người ghi lại phiên tòa bằng văn bản hoặc sử dụng thiết bị ghi âm phải xin phép hoặc thông báo cho tòa án về việc đó” (1).

Rõ ràng, việc ghi âm không hề ảnh hưởng đến hoạt động chung của phiên tòa, tính đúng đắn của mỗi quyết định do Hội đồng xét xử đưa ra. Nếu việc ghi âm không ảnh hưởng tới hoạt động phiên tòa thì nó không thể bị cấm, ngay cả đối với những người tham dự phiên tòa, chưa nói nhà báo-những người có quyền “hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp” như quy định tại điểm a khoản 2 Điều 25 của Luật Báo chí năm 2016.

Quyền tiếp cận thông tin của nhân dân

Quyền tiếp cận thông tin bao gồm quyền của truyền thông được tiếp cận thông tin về các vấn đề công, quyền của công chúng được tiếp nhận sản phẩm truyền thông... (Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị-ICCPR, năm 1966)

Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 quy định công dân có quyền tiếp cận thông tin. “Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 4 Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016). Trong khi đó, khoản 3 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013 quy định: Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín.

Khi đã xét xử công khai thì việc thông tin tại phiên tòa bao gồm hình ảnh, lời nói cũng là công khai và báo chí có nghĩa vụ truyền tải đến công chúng những thông tin này. Chỉ trừ các trường hợp Hiến pháp quy định, khi cần giữ bí mật hay bảo vệ người chưa thành niên, giữ bí mật đời tư thì tòa án mới quyết định xử kín. Khi xử kín sẽ có quy định riêng đối với truyền thông. Còn xử công khai mà không cho ghi âm, ghi hình thì không khác gì truyện Trạng Quỳnh.

Thêm nữa, các bộ luật tố tụng liên quan đến hoạt động xét xử đều không ghi nhận bất cứ sự hạn chế nào đối với nhà báo hoạt động tại các phiên tòa. Nếu để giữ gìn tính tôn nghiêm của một phiên tòa, vị thế của những người nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, còn có nhiều biện pháp khác. Ngay Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định, báo chí không được “thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án” hay nhà báo “không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật” (Điều 9, Điều 25). Do đó, không cần lo ngại quá mức việc tác nghiệp của nhà báo có thể ảnh hưởng tới hình ảnh, thông tin về phiên tòa.

Hơn nữa, theo Hiến pháp năm 2013, Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Vậy thì tại sao quyền tác nghiệp của nhà báo, cơ quan báo chí tại phiên tòa lại không được ngành tòa án công nhận và bảo vệ?

Có thể thấy, quyền ghi hình, ghi âm của nhà báo tại các phiên tòa cần được tôn trọng. Quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin của nhà báo tại các phiên tòa cũng bình đẳng như tại các hoạt động công khác. Do vậy, việc thực hiện, giới hạn các quyền này cần được quy định trong luật chuyên ngành, cụ thể là Luật Báo chí. Không thể mỗi ngành khi xây dựng luật lại tạo ra những hạn chế (hay mở rộng) quyền tác nghiệp của báo chí được.

***

Tôi là người từng chụp hình ảnh mở còng cho bị cáo Lã Thị Kim Oanh tại phiên tòa vào năm 2004. Bức ảnh này "châm ngòi" cho một loạt bài trên báo chí thời ấy về việc có nên cùm chân, cùm tay bị cáo khi ra tòa. Tới năm 2016, sau một thông tư của Bộ Công an, việc xích tay, còng chân mới dừng lại ở giai đoạn dẫn giải bị cáo đến tòa.

Có thể thấy, hoạt động của truyền thông tại các phiên tòa hay trong các hoạt động tố tụng không chỉ nhằm đưa thông tin tới công chúng mà còn giúp cho hoạt động tố tụng được thực hiện đúng đắn, nhân văn hơn rất nhiều. Không thể vì một vài “sự cố nho nhỏ” như hình ảnh thành viên Hội đồng xét xử, kiểm sát viên nhăn mặt, nhíu mày, đăm chiêu suy nghĩ mà tạo ra cả một/một số điều luật hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo. Sự hạn chế này ảnh hưởng đến công chúng và cũng ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan xét xử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

-------------------

(1) Trang web "Công dân giám sát" (Nga): https://courtmonitoring.org/en/for-journalists/how-to-behave-in-court/ (truy cập ngày 20-5-2024)

Thạc sĩ TRẦN ANH TÚ, Phó tổng biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông

Tags: nhà báo
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...