"Ngồi nhầm lớp"
Gần đây, qua kiểm tra, giáo viên phát hiện một học sinh lớp 6 của một trường trung học cơ sở ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình chỉ biết viết họ, tên của mình.
Khả năng đọc, viết của học sinh này chỉ ngang trình độ vỡ lòng. Câu hỏi đặt ra là: Với trình độ như vậy, làm sao học sinh này vẫn "đàng hoàng" lên lớp? Điều đáng bàn là chuyện như trên không phải hy hữu. Thực tế cho thấy, tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" trở thành vấn nạn trong ngành giáo dục khiến dư luận hết sức quan tâm, lo lắng khi mà kỳ thi cuối năm, chuyển cấp, tốt nghiệp đã cận kề.
Trước khi trường hợp học sinh "ngồi nhầm lớp” bị phát hiện, tin chắc phía nhà trường, giáo viên nơi học sinh đó theo học đã có những báo cáo với nhiều kết quả ấn tượng đi kèm như: 100% học sinh lên lớp; học sinh khá, giỏi chiếm tỷ lệ cao... Tuy nhiên, phía sau những báo cáo tổng kết đẹp đẽ đó lại là những câu chuyện buồn mà việc “ngồi nhầm lớp” là minh chứng rõ nét.
Ảnh minh họa / dangcongsan.vn |
Chỉ vì áp lực thành tích, danh hiệu thi đua của tập thể, cá nhân; sức ép từ dư luận xã hội và cả phía phụ huynh mà nhà trường, giáo viên dù không muốn cũng đành phải nâng điểm để các em đều đặn lên lớp. Ở một góc nhìn khác, cũng bởi bệnh thành tích, tâm lý khoe khoang mà không ít phụ huynh đã nhờ cậy giáo viên để biết trước đề thi, đáp án, thậm chí nhờ người học thay, thi hộ với mong muốn "tô hồng" bảng điểm, làm dày thêm thành tích của con trẻ bằng những giấy khen, danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến...
Trở lại câu chuyện học sinh lớp 6 "ngồi nhầm lớp" ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, sau khi phát hiện, nhà trường đã cử giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn dạy kèm, hỗ trợ phụ đạo để tăng cường, bổ sung kiến thức cho em một cách hiệu quả nhất. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Minh Hóa đã chỉ đạo yêu cầu rà soát lại quá trình dạy học cũng như kiểm điểm trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân liên quan.
Đành rằng đó là cách giải quyết duy nhất nhằm khắc phục vấn đề trước mắt đối với em học sinh được cho là "ngồi nhầm lớp" này. Tuy nhiên, về lâu dài rất cần những giải pháp căn cơ, hữu hiệu để triệt tiêu, loại trừ bệnh thành tích trong giáo dục; để hiện tượng "ngồi nhầm lớp" không còn là nỗi băn khoăn, trăn trở với xã hội. Chất lượng giáo dục không chỉ quyết định trình độ, năng lực của một thế hệ mà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Hẳn là từ thực tiễn nêu trên ở huyện Minh Hóa, ngành giáo dục và đào tạo sẽ có được những bài học hữu ích.
TRẦN MINH TÚ