• :
  • :

Nhìn thẳng - Nói thật: Kệch cỡm những công trình kiến trúc lai căng

Kiến trúc không chỉ là những công trình phục vụ đời sống con người mà còn là những hình hài, biểu tượng mà các thế hệ đã gửi gắm, chứa đựng những tâm tư, tình cảm, tập quán sinh hoạt, quan điểm thẩm mỹ... của cộng đồng suốt chiều dài lịch sử, gắn với từng bối cảnh kinh tế-xã hội.

Ở thời mở cửa hội nhập với thế giới hiện nay, nhiều trào lưu sáng tác kiến trúc được du nhập, dẫn đến việc có nhiều công trình được xây dựng theo ý muốn chủ quan của chủ đầu tư, Tây không ra Tây, ta chẳng ra ta.

Có thể nhận diện các công trình ấy qua hình thức kệch cỡm, xa lạ với văn hóa dân tộc, du nhập từ những “bãi thải” của kiến trúc quốc tế, núp dưới cái vỏ “hội nhập” hào nhoáng. Những khu vui chơi, giải trí, những công trình phục vụ du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị phức hợp, nhà ở tư nhân... với dáng vẻ bề ngoài hoành tráng, được trang trí nhiều họa tiết, hoa văn, thậm chí được dát vàng... Thoạt nhìn, người ta ngỡ như là những tòa lâu đài ở một đất nước xa lạ nào đó được đặt tại Việt Nam.

 Ảnh minh họa/baophapluat.vn

Những công trình ấy được cho là học tập theo phong cách cổ điển, tân cổ điển của một thời kỳ xa xưa nhưng lại mang công năng của thời hiện đại. Nhiều trụ sở cũng mọc lên theo phong cách này, dần dần lan rộng đến những công trình nhà ở của người dân. Đầu tiên là sự bắt chước những chi tiết nhỏ, nhưng dần dần được đắp điếm rất nhiều chi tiết kiến trúc, thậm chí tượng các vị thần, với suy nghĩ càng nhiều chi tiết thì đẳng cấp công trình càng cao, vị thế của chủ nhà-chủ đầu tư cũng gia tăng theo tỷ lệ thuận.

Việc mở cửa, hội nhập là cơ hội cho các kiến trúc sư thoải mái cập nhật, bộc lộ cá tính, thể hiện khao khát cá nhân một cách quá đà? Những mong muốn riêng của các chủ đầu tư-người có tiền với những công trình “để đời” của họ được thực hiện một cách nhanh chóng, tùy tiện mà không cần cân nhắc sự hài hòa, phù hợp với bối cảnh. Nhại cổ, nệ cổ dường như đang là phong trào không chỉ riêng ở Việt Nam, nhằm thỏa mãn con mắt nhưng không đúng bản chất.

Xây dựng theo ý muốn của một cá nhân, tổ chức mà thiếu đi sự cân nhắc về phương án thiết kế vô tình dẫn đến trạng thái hỗn loạn trong sản phẩm kiến trúc, đồng thời cũng bộc lộ sự dễ dãi khi cho ra đời những công trình không phù hợp với các yếu tố tự nhiên, khí hậu địa phương và văn hóa bản địa. Sẽ ra sao nếu chúng ta đến nơi nào cũng thấy những mô típ, cụm công trình giống nhau?

Đến những miền đất nổi tiếng nhưng không làm mọi người nhớ đến ký ức lịch sử, hoài niệm về lịch sử hình thành, thì vai trò kiến trúc liệu có đang góp phần tích cực vào việc kiến tạo, phát triển bền vững bản sắc văn hóa của mỗi vùng đất? Câu trả lời không quá khó và chỉ có thể gọi tên, đó là sự phá hủy nhân danh phát triển, là thất bại rõ ràng của giới chuyên môn khi bất lực trước dã tâm của các chủ đầu tư đầy tiềm lực tài chính nhưng thiếu kiến thức, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài của toàn thể cộng đồng. Khắc phục, sửa chữa những sai lầm này mất rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí là không thể khôi phục những giá trị từng có.

Nếu ví sự tồn tại của môi trường tự nhiên, bối cảnh văn hóa-xã hội như những sự thật thì chỉ có sự sáng tạo mới góp phần hình thành nên sự thật của vùng đất ấy, con người nơi ấy. Sự sáng tạo ấy được tiếp nối từ những kinh nghiệm trong quá khứ, không phải được thúc đẩy để mong muốn làm hài lòng một ai đó. Kiến trúc phải gọi được “hồn” của nơi chốn, để tiếp tục kể câu chuyện mang dấu ấn bản địa.

ĐINH THÚY

Tags: kiến trúc