• :
  • :

Sức sống văn học trào phúng thời nào cũng hóm hỉnh, sâu sắc

Như một dòng chảy, từ thượng nguồn dân gian, chảy qua các vùng miền văn hóa được màu mỡ phù sa tâm hồn và trí tuệ dân gian bồi đắp, tiếng cười trào phúng ngày càng giàu có, tươi mới.

Càng về miền hiện đại, tiếng cười càng đa sắc, đa cung bậc, phong phú và mạnh mẽ. Là biểu hiện văn hóa của tâm hồn dân tộc, của lịch sử và thời đại, tiếng cười luôn là sự biểu hiện tâm hồn, tính cách Việt lạc quan, hóm hỉnh mà tinh tế, sâu sắc.

1. Kết tinh từ cuộc sống phồn thực trào tiếu sống động, khỏe mạnh, tiếng cười dân gian muôn vàn sắc thái vang lên rõ hơn cả ở các hội hè và trên sân khấu chèo. Những cái xấu đều bị đem ra làm trò cười: Keo kiệt, bủn xỉn, hống hách, dốt nát, học đòi làm sang... Một đặc điểm bao trùm của trào phúng dân gian là tất cả những gì đáng cười, đáng giễu đều bị thông tục hóa, phàm tục hóa, đến văn học viết, tiếng cười được gọt giũa, nâng cao, tạo ra một sức sống mới.

Được soi chiếu bởi hai nguồn sáng mỹ học dân gian và bác học (thường là các nhà Nho), tiếng cười trong văn học trung đại lóng lánh đa dạng tính chất, phong phú các sắc điệu, giàu có các cung bậc, vừa có cái khỏe khoắn, lành mạnh, trẻ trung, phồn sinh, phồn thực của sức sống dân gian, vừa có cái uyên bác, thâm thúy của triết lý bác học.

Nhân vật Xuân tóc đỏ (trong tiểu thuyết "Số đỏ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng) được dựng nguyên mẫu trong phim truyền hình "Trò đời" của đạo diễn Nhuệ Giang. Ảnh: VFC

Vừa chịu ảnh hưởng từ hình thức tiếng cười dân gian ở nhiều cấp độ như đối tượng cười, cung bậc, sắc thái cười, ngôn ngữ cười, vừa nặng về tính quy phạm với mục đích đề cao tinh thần giáo huấn, coi trọng tư tưởng trung quân ái quốc nên tiếng cười bác học ưa tìm đến những khuôn mẫu, điển phạm, quy phạm, niêm luật chặt chẽ cùng một thứ ngôn ngữ trang nhã, giàu điển tích. Nhưng đối với tiếng cười không biết sợ, không chịu làm “tù binh” cho một thứ quy phạm nào thì nó luôn tự do.

Với những tài năng lớn luôn biết vượt qua con dốc mỹ học thời đại để vươn lên làm chủ thể loại mà Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến... là tiêu biểu, thiên tài của họ thể hiện ở chỗ vẫn tuân theo quy định của đặc trưng thể loại mà lại vượt thoát khỏi cái khuôn công thức, coi thể loại chỉ là một trò chơi của tiếng cười. Có thể gọi đấy là hiện tượng nhại thể loại, “chơi” thể loại mà Hồ Xuân Hương là một biểu hiện tuyệt vời.

Giai đoạn giao thời thực dân-phong kiến, cũ-mới nhố nhăng đã là cảm hứng cho hai cây đại thụ trào phúng Nguyễn Khuyến, Tú Xương thể hiện những tiếng cười đỉnh cao đặc sắc, cho đến nay vẫn chưa có ai vượt qua. Nguyễn Khuyến thâm thúy, Tú Xương sắc sảo, quyết liệt nhưng đều giống nhau ở chỗ thẳm sâu một tâm hồn yêu nước, yêu dân, yêu giá trị văn hóa cổ truyền sâu nặng.

2. Khi giặc Pháp nuốt dần rồi nuốt trọn cả dải đất Việt vàng son đã tạo ra một trong những trang lịch sử bi đát nhất của nước nhà. Những nụ cười dân chủ của các chí sĩ, các nhà yêu nước cách mạng như Nguyễn Thiện Kế, Học Lạc, Kép Trà, Phan Điện, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Ngô Đức Kế... với những cung bậc cao thấp khác nhau thì tiếng cười thực sự là một thứ vũ khí tinh thần sắc bén, hiệu quả. Tiếng cười đa sắc thái nóng bỏng tinh thần vì nước, căm thù, lòng tự trọng dân tộc, hướng tới 3 đối tượng: Bọn xâm lược Pháp; lũ vua quan triều đình nhu nhược; những kẻ cam tâm làm tay sai giặc hoặc thờ ơ với vận mệnh đất nước.

Kế thừa cả nội dung và hình thức từ truyền thống, tiếp thu sắc điệu tiếng cười phương Tây, chủ yếu qua văn học Pháp, các tài năng trào phúng cường tráng, vạm vỡ Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tú Mỡ... đã nâng tiếng cười giai đoạn 1932-1945 lên một tầm cao mới, đa dạng, đau đớn, chua xót hơn và cũng phổ quát hơn. Tiếng cười của họ không nhằm vào một ai, một đối tượng nào mà hướng vào tất cả những gì đáng cười, đáng ghét, đáng căm thù, đáng phải từ bỏ. Cho đến hôm nay, càng ngẫm càng thấy, nhiều người trong xã hội ta ít nhiều có bóng dáng của Kép Tư Bền, Chí Phèo, Xuân tóc đỏ... Tiếng cười ấy vọng vào lịch sử để trở thành tiếng nói nghệ thuật đặc sắc, một tài sản văn hóa của dân tộc.

3. Sau năm 1986, đất nước mở cửa, hội nhập với thế giới, tiếng cười ngoài biên giới vọng vào hòa nhập cùng tiếng cười truyền thống tạo ra tiếng cười mới mẻ, hiện đại, phong phú về nội dung, nhiều sắc thái, nhiều hình vẻ. Hình dung một cách chung nhất thì 3 đỉnh của tam giác mỹ học, cái hài trong văn xuôi hiện đại đi theo 3 khuynh hướng: Kế thừa tiếng cười truyền thống với Lê Lựu (Thời xa vắng, Hai nhà), Vũ Bão (Utopi-một miếng để đời, Người vãi linh hồn...).

Ngoài ra, là Kim kổ kỳ kuặc ký (Trần Nhương), Chuyện của Phòm (Đỗ Hàn), Con người máy (Nguyễn Trọng Huân)...; vừa truyền thống kết hợp với đổi mới có Hồ Anh Thái (Mười lẻ một đêm, Dấu về gió xóa...), Nguyễn Thế Hùng (Kẻ nằm người ngồi); Châu Diên (Người sông Mê), Nguyễn Việt Hà (Khải huyền muộn, Cơ hội của Chúa, Tuyệt không dấu vết)... 

Cảm hứng của tiếng cười Lê Lựu, Vũ Bão nghiêng về cốt truyện tạo ra những tình huống và nhân vật đáng cười. Hình tượng nhân vật Giang Minh Sài sẽ sống mãi bởi bi kịch chua xót và chua chát không được là chính mình có ở bất cứ ai. Hồ Anh Thái, Nguyễn Thế Hùng kiến tạo thành công những nhân vật nghịch dị với lời văn mỉa mai thâm thúy mà sắc sảo để “giải thiêng” những gì tưởng là nghiêm túc, đạo mạo, đáng kính.

Hồ Anh Thái sở hữu tiếng cười “liên văn hóa” riêng biệt, không lẫn với ai, hứa hẹn một tiếng cười lớn, giữ gốc truyền thống thêm âm hưởng bi cảm của tiếng cười Ấn Độ, cái cay đắng Trung Hoa, cái “humour” phương Tây... Tác phẩm Kẻ nằm người ngồi của Nguyễn Thế Hùng chưa được đánh giá đúng với tầm vóc của một tiếng cười vừa có cái mỉa mai của mỹ học Nho gia vừa hiện đại giễu nhại lật tẩy những cái giả dối, dốt nát khoác áo quyền lực, đạo đức.

Nhiệm vụ của nhà trào phúng là “đi tìm sự thật biết cười” (Umberto Eco). Thực ra người viết nào cũng có thể tạo ra tiếng cười, như Chế Lan Viên làm thơ trí tuệ, tỉnh táo vẫn có tiếng cười chế giễu những nhà văn nghèo vốn không hiểu cả chính mình mà viết ra cái ngô nghê, lạc lõng: “Những nhà thơ tuổi hổ/ Lại nghĩ mình phận mèo/ Đã liếm cá trong đĩa/ Lại còn kêu meo meo”.

Một lý do cho việc tiếng cười hôm nay còn nhạt bởi mới chú ý nhiều hơn tới cái hài khách quan với những mâu thuẫn vụn vặt đời thường, mới quan tâm thể hiện cái bên ngoài mà chưa chú ý tới cái giá trị thẩm mỹ mang tính bản chất bên trong. Phần lớn là tiếng cười để mà cười, thoáng chốc, bông phèng, cười xong là hết, không có dư vị, không để lại ấn tượng do thiếu chiều sâu triết lý. Thậm chí trên sân khấu thời nay còn có tiếng cười bản năng mượn những dị tật bẩm sinh, những cái trượt ngã, những câu nói thông tục nên trở thành hài nhảm, gượng gạo.

4. Cái gốc của tiếng cười nhân văn là tình yêu thương, nâng đỡ con người, là khát vọng xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Thời đại hôm nay rất coi trọng sự hiểu biết, bạn đọc muốn hiểu lý do xã hội, bản chất, tác dụng của cái cười; qua một tiếng cười mà được thấy bản chất của cả một xã hội. Tiếng cười hiện đại đòi hỏi nhiều hơn những tình huống vừa mang tính cá biệt mới mẻ vừa mang tính phổ quát rộng rãi, những tính cách đáng cười tiêu biểu, những mã ngôn ngữ gây cười trí tuệ.

Thời nào thì những tính cách đáng ghét như tham lam, keo kiệt, ích kỷ... đều đáng cười, nhưng thời nay chúng không hề ngu ngơ, đần độn, thậm chí còn rất thông minh, lại có quyền lực, có địa vị... Nhà trào phúng phải phơi bày ra những mâu thuẫn mang tính nghịch lý, như có học vấn cao mà vẫn vô văn hóa, vô liêm sỉ; rất giàu mà vẫn tham từng xu... Do vậy, ngôn ngữ tiếng cười phải là kết tinh của ánh sáng pháp luật, chính trị, phong tục... của sự căng thẳng kịch tính và không thể thiếu chất muối hài mặn mòi tươi rói của đời sống đương đại. Tiếng cười trí tuệ đòi hỏi sự giàu có vốn hiểu biết (vốn sống, học vấn), sự nồng nàn tình yêu, sâu sắc phê phán, đả kích và sự thể hiện đa dạng, mới mẻ.

Vượt qua những quan niệm mang tính tất yếu như tiếng cười là vũ khí của kẻ mạnh/kẻ yếu, là món ăn tinh thần, là loại thuốc “kháng sinh”... thế giới thời hội nhập toàn cầu quan niệm tiếng cười là sứ giả văn hóa với châm ngôn “Xem anh ta cười sẽ biết anh ta là người thế nào”, tức coi trọng bản sắc trong tiếng cười. Theo lẽ này, các nhà văn phải có bộ rễ khỏe mạnh cắm sâu vào văn hóa truyền thống để vươn cành lá vào bầu trời trào phúng nhân loại quang hợp ánh sáng tiến bộ, phù hợp với văn hóa Việt Nam.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Tags: trào phúng