• :
  • :

Nghịch lý gây ra... lãng phí

Hôm nay (7-1), Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Trước đó, trong phiên họp tổ chiều 4-1 cũng về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh tới những vướng mắc trong việc thực hiện quy định về Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Vì những vướng mắc ấy, doanh nghiệp không tiêu được tiền từ quỹ này, dẫn tới một nguồn lực rất lớn đang nằm kẹt.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước phải trích lập 3-10% thu nhập trước thuế để hình thành Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp khác được tự quyết định mức trích cụ thể nhưng không quá 10% thu nhập trước thuế trong năm. Mục tiêu của quy định này là thông qua chính sách ưu đãi về thuế với khoản tiền trích lập quỹ này để khuyến khích doanh nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, từ đó nâng cao năng lực hoạt động, cải thiện năng lực cạnh tranh.

Cần tháo gỡ vướng mắc trong chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, vì liên quan đến chính sách ưu đãi thuế, nên để tránh tình trạng doanh nghiệp lách luật trốn thuế, thông tư đưa ra các quy định ràng buộc về việc sử dụng quỹ. Nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp, quy định quá chặt chẽ, khiến doanh nghiệp không thể và không muốn sử dụng tới quỹ. Chẳng hạn, việc thu, chi quỹ đều phải trình cơ quan có thẩm quyền. Nếu cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp sử dụng quỹ không đúng mục đích sẽ tính tiền chậm nộp thuế là 0,03%/ngày, chưa kể bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp và lãi phát sinh theo lãi suất tín phiếu kho bạc là 4,59%/năm. Thủ tục phức tạp, sơ suất có thể bị truy thu, phạt số tiền lớn, nên nhiều doanh nghiệp dù chi cho mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ cũng không sử dụng đến quỹ. Kết quả, số tiền trích quỹ tại các doanh nghiệp đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng tỷ lệ thực chi rất thấp, hàng chục nghìn tỷ đồng vẫn nằm kẹt tại các quỹ mà các doanh nghiệp loay hoay không biết xử lý thế nào.

Đây là một nghịch lý rất lớn, vì trong khi cả nước ta đang chắt chiu từng nguồn lực để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn chồng chất vì tác động của đại dịch Covid-19, phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thì lại có một khoản tiền lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng đang kẹt tại chính các doanh nghiệp mà không thể tiêu được, gây ra một sự lãng phí nguồn lực không hề nhỏ.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra sự phát triển như vũ bão về khoa học, công nghệ và ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 làm thay đổi toàn bộ phương thức quản lý, vận hành của doanh nghiệp, của thị trường, yêu cầu chuyển đổi số càng trở nên bức thiết. Tuyệt đại đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể coi là doanh nghiệp chuyển đổi số ở mức độ cao. Vậy nhưng một quy định tưởng như khuyến khích doanh nghiệp phát triển khoa học, công nghệ lại vô tình khiến doanh nghiệp rơi vào thế kẹt: Có nhu cầu, có tiền nhưng không đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất được.

Khi chính sách được đưa ra nhưng không những không tạo ra được sự khuyến khích cho doanh nghiệp mà còn khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn thì chính sách ấy nhất định phải được nghiên cứu lại một cách kỹ lưỡng để sửa đổi, bổ sung kịp thời. Hiện giờ, các doanh nghiệp đang bị kẹt cũng chẳng muốn cơ quan nào phải lên tiếng nhận trách nhiệm, mà chỉ cần các cơ quan nhanh chóng vào cuộc, giúp họ thoát khỏi tình thế oái oăm này!

CHIẾN THẮNG

Tags: qdnd
Lượt xem: 287
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết