• :
  • :

Soi lại... chính mình!

Trong những ngày đầu năm 2022, không ít người thường hàn huyên về những chuyện mới mẻ, bàn về thành tích đạt được, nghĩ về con đường phía trước bằng sự háo hức, chờ đợi.

Thế nhưng, cũng không ít tập thể, cá nhân dành khoảng thời gian này để “soi lại mình”, “chiêm nghiệm” về những việc đã làm được, chưa làm được trong năm cũ và những ngày qua.

Đó là một cách thiết thực làm theo lời Bác dạy: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên hằng ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”.

Sử chép lại rất cụ thể, vào đúng mồng Một Tết Nhâm Thìn (tức ngày 27-1-1952), qua Báo Nhân Dân, Bác Hồ chúc Tết, nhưng vẫn mạnh mẽ kiểm điểm, nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ phải kiên quyết chống bệnh quan liêu, nạn tham ô, nạn lãng phí. Người khẳng định: “Phải xem quan liêu, tham ô, lãng phí là những tội lỗi đối với Tổ quốc, đối với đồng bào. Người phạm tội, có tội đã đành; người thấy những tội ấy mà không nêu ra, cũng như có tội”. Lời nhắc nhở nghiêm khắc ấy của Bác đã giúp bộ đội, cơ quan, đoàn thể và nhân dân phát động một phong trào tự phê bình và phê bình từ cấp trên xuống, từ cấp dưới lên “để giáo dục nhau, để cùng nhau tẩy trừ ba nạn kia, để dọn đường cho những thắng lợi mới”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh (phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày 30-1-1957. Ảnh tư liệu 

Trong một số bài phát biểu, bài viết dịp cuối năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương, cùng với việc động viên, khuyến khích, ghi nhận thành tích đạt được, phải chỉ ra cho được những yếu kém, tồn đọng để “tự soi, tự sửa”, quyết liệt đúc rút kinh nghiệm, xác lập quyết tâm, bổ sung kế hoạch, kiên quyết, kiên trì thực hiện cho bằng được, để năm sau phải đạt kết quả cao hơn năm trước.

Quán triệt tinh thần đó, trước hết mỗi cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần sớm thay đổi quan niệm cũ và lối tư duy “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”. Theo đó, vào dịp cuối năm, các tổ chức, cá nhân không chỉ tập trung điểm lại những dấu ấn nổi bật, thành tựu quan trọng, mà phải “xướng tên” những yếu kém, khuyết điểm, những việc chưa làm được, chưa thể hoàn thành... Qua đó mà cảnh tỉnh, cảnh báo đội ngũ và nhất là tạo động lực cho mỗi tổ chức, cá nhân xác định rõ hơn về khó khăn, rào cản; đề cao trách nhiệm khắc phục, quyết tâm bứt phá; phấn đấu để năm sau ít khuyết điểm hơn năm đã qua.

Đối với từng cán bộ, đảng viên, nhất thiết sau một năm đi qua, rất cần sự tự giác, nghiêm túc “soi lại mình” để “tự chỉnh đốn”, “tự đổi mới”, “tự cấu trúc lại bản thân” cả về nhận thức, tư duy và hành vi, hành động. Trên cơ sở đó mà rút ra bài học, xác định kế hoạch cá nhân một cách chi tiết, cụ thể cho tương lai. Mỗi người cần xác định rõ: Cả những thành tích và hạn chế đều có tác dụng kết thành động lực cho việc “xây” và “chống”, từng bước hoàn thiện nhân cách theo hệ tiêu chí đạo đức của người cán bộ, đảng viên chân chính.

Mỗi tổ chức, cá nhân phải tự biết “so sánh” chính mình của hôm nay với hôm qua, giữa năm nay với năm trước và liên tục phấn đấu để hôm nay phải tốt hơn hôm qua, ngày mai phải tốt hơn hôm nay, năm sau phải hoàn thiện, tích cực hơn năm đã qua. Một khi từng cá nhân làm được điều đó thì mỗi chủ thể sẽ tự đổi mới theo hướng tích cực. Hay nói cách khác, chỉ khi từng tập thể, cá nhân không ngại nhận khuyết điểm, không giấu dốt, không tự tô hồng thành tích đạt được, thì cũng bắt đầu từ đó sự tiến bộ, trưởng thành sẽ trở nên vững bền, thực chất hơn bao giờ hết!

NGUYỄN TẤN TUÂN

Tags: qdnd
Lượt xem: 218
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...