• :
  • :

Loại bỏ “vết chàm” trong hoạt động tri ân

Lịch sử dựng nước, giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hàng nghìn năm qua đã mang lại cho Việt Nam tài sản tinh thần vô giá, đó là lòng yêu nước, phát triển thành chủ nghĩa yêu nước. Đây chính là nguồn gốc hình thành, phát triển văn hóa tri ân. Ngày nay, giá trị của văn hóa tri ân tiếp tục được bồi đắp làm sâu sắc thêm đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và phong trào “đền ơn đáp nghĩa” trong xã hội chúng ta.

Trong lịch sử dân tộc ta, những người có công với nước, với dân tộc trong chiến đấu, chiến thắng quân xâm lược hoặc có công trong trị thủy, mở đất, truyền nghề... đều được nhân dân lập đền thờ ghi nhớ công ơn. Ví dụ dễ thấy nhất là Đền Hùng ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là nơi thờ cúng các Vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Hay như đền thờ Hai Bà Trưng xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội thờ Trưng Trắc và Trưng Nhị-đã cùng các tướng lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán, giành lại nền độc lập dân tộc... Có thể nói, trên đất nước Việt Nam có hàng trăm đền thờ ở nhiều quy mô khác nhau mà nhân dân ghi công trạng và là nơi tưởng nhớ, truyền lại khí phách anh hùng cho các thế hệ mai sau. Đây là nền móng để truyền dẫn lòng yêu nước, để văn hóa tri ân của dân tộc phát triển.

Minh họa: KHOA AN

Cũng trong lịch sử, ở thời đại Hồ Chí Minh, trải qua hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đã có hơn 1,2 triệu liệt sĩ và hơn 800.000 thương binh gửi lại chiến trường khốc liệt một phần thân thể cùng hơn 300.000 người nhiễm chất độc hóa học. Đảng, Nhà nước, nhân dân ta không chỉ tri ân các liệt sĩ bằng xây dựng những nghĩa trang, đài tưởng niệm mà còn xây dựng các chế độ chính sách để chăm lo người có công, chăm lo thân nhân gia đình liệt sĩ, các thương binh, người nhiễm chất độc hóa học...

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, sự quan tâm đó đã góp phần đáng kể để đời sống vật chất, tinh thần của những người có công, thân nhân gia đình liệt sĩ đạt mức sống trung bình khá so với mặt bằng xã hội. Đây quả là những nỗ lực rất lớn.    

Ở bình diện chính sách là như thế, nhưng trong lĩnh vực khác, tôi cũng thấy, văn hóa tri ân ở đất nước chúng ta đã thấm vào từng người và qua từng thế hệ, trở thành hành động thiết thực của cả xã hội. Ngày còn bé, tôi được ông bà ngoại kể chuyện, sau kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1954) thắng lợi và sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), ở quê tôi, các thôn nữ tuổi mười tám, đôi mươi có phong trào chăm sóc thương binh. Nhiều phụ nữ đã trở thành vợ của các thương binh nặng được đưa từ chiến trường về hậu phương điều trị. Họ đã sống hạnh phúc và có được những người con phương trưởng. Sau này tìm hiểu tôi được biết, phong trào ấy có ở rất nhiều địa phương ngoài miền Bắc.

Trong thời kỳ niên thiếu, một trong những chương trình tôi yêu thích phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam là mục "đi tìm địa chỉ đỏ". Qua chương trình, tôi biết nhiều thông tin về thiếu niên các địa phương tổ chức những hoạt động giúp đỡ gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ bằng các việc làm rất thiết thực như dọn nhà, thu hoạch lúa, hoa màu... để bồi dưỡng lòng nhân ái, niềm tin cách mạng.

Nói về văn hóa tri ân trong xã hội chúng ta, tôi lại nhớ đến câu chuyện bạn tôi là Chính trị viên Đội quy tập hài cốt liệt sĩ công tác ở Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh. Mấy năm trước, cấp trên ngỏ ý điều chuyển anh đi vị trí công tác khác cho đỡ vất vả, nhưng anh xin được ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ này vì anh coi đó là một bổn phận không muốn rời xa. Anh tâm tình, năm nào cũng vậy, cứ vào mùa khô là các anh lại hành quân sang Campuchia. Các anh kiên trì thu thập nhiều nguồn tin về các trận đánh trong quá khứ, về nơi chôn cất đồng đội hy sinh rồi phân tích, xác định kế hoạch tìm kiếm, quy tập. Các anh rẽ rừng, trèo đèo, lội suối, ăn ngủ trên đường hành quân, quyết tâm tìm và mang hài cốt đồng đội về đất mẹ an táng. Anh thường chia sẻ với tôi rất nhiều câu chuyện xúc động mỗi khi tìm được hài cốt đồng đội.

Tôi có sở thích nghe nhạc đỏ, trong đó bài hát mà tôi ghi nhớ nhất là nhạc phẩm “Vết chân tròn trên cát” của nhạc sĩ Trần Tiến. Hình ảnh anh thương binh mất một chân trở về sau chiến tranh trong bài hát thật lãng mạn, nhân văn, mang lại cho người nghe cảm xúc dâng trào. Điều ấy đã cho tôi thêm nhựa sống, động lực và quyết tâm để bước trên con đường quân ngũ với nhiều khó khăn, gian khổ suốt hơn 30 năm qua. Ở Việt Nam, có hàng trăm bộ phim, hàng trăm ca khúc, hàng trăm tác phẩm thơ văn, hàng nghìn bức họa, tranh cổ động... về đề tài thương binh, liệt sĩ, phản ánh nghĩa cử "ăn quả nhớ người trồng cây" và truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp. 

Ở một bình diện lớn hơn, tôi cho rằng, văn hóa tri ân trong xã hội chúng ta ngày càng đi vào chiều sâu và được rất nhiều đối tượng trong xã hội hưởng ứng thực hiện bằng cái tâm trong sáng. Trong điều kiện thông tin mở rộng, nhờ hệ thống internet và điện thoại di động phát triển, tôi nhận thấy, phong trào “đền ơn đáp nghĩa” được rất nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng và thực hiện ngày càng tốt hơn. 

Gần như năm nào cũng vậy, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), trên phương tiện truyền thông, chúng ta đều tiếp nhận các thông tin về khánh thành nhà tình nghĩa tặng thương binh, người có công và thân nhân liệt sĩ. Đặc biệt, từ cuối tháng 6, các bệnh viện quân y trong Quân đội đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách và thân nhân liệt sĩ ở nhiều địa phương.

Các hoạt động quyên góp, ủng hộ, gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà người có công diễn ra nhộn nhịp ở khắp vùng miền trên cả nước với sự tham gia của các cấp, các ngành, địa phương và cán bộ, chiến sĩ LLVT. Nhiều em nhỏ hưởng ứng phong trào bằng cách tự nguyện đóng góp số tiền tiết kiệm ít ỏi vào quỹ đền ơn đáp nghĩa của địa phương. Sự chăm lo của cộng đồng và toàn xã hội bằng cả tinh thần và vật chất dành tặng các thương binh, những cựu chiến binh nhiễm chất độc hóa học và thân nhân liệt sĩ đã trở thành nghĩa cử, nét đẹp văn hóa, xoa dịu những mất mát, đau thương bởi chiến tranh tàn khốc.

Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, đã có những kẻ lợi dụng hoạt động tri ân để trục lợi. Nó như những “vết chàm” làm vấy bẩn văn hóa tri ân tốt đẹp đã được dân tộc, Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân ta dày công gây dựng. Bởi bên cạnh những kết quả tốt đẹp ấy, chúng ta cũng thật đau lòng trước các hiện tượng, thái độ thờ ơ, vô cảm, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết hồ sơ chính sách tồn đọng; khiến những mất mát, hy sinh của các thân nhân gia đình liệt sĩ càng đau đớn hơn.

Chúng ta đã từng biết tới những người làm việc trong cơ quan chức năng, nhưng “bán linh hồn cho quỷ dữ”, trục lợi thông qua việc giúp sức cho các đối tượng làm hồ sơ giả để hưởng chế độ chính sách. Đáng buồn hơn là ngay cả những người không tham gia kháng chiến hoặc đi bộ đội nhưng đảo, bỏ ngũ cũng được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Đau xót hơn khi chúng ta từng chứng kiến câu chuyện lợi dụng việc đi tìm hài cốt liệt sĩ để trục lợi bằng những thủ đoạn hết sức vô nhân tính. Những “con kền kền” mang mặt người đã tìm mọi cách để tráo hiện vật, lấy xương động vật giả làm hài cốt liệt sĩ rồi thông báo cho gia đình mang về nghĩa trang địa phương an táng, qua đó để trục lợi.

Ở một góc độ khác, chúng ta cũng đã từng chứng kiến câu chuyện lợi dụng văn hóa tri ân để đánh bóng tên tuổi và làm ăn gian dối. Họ thường vung tiền, tổ chức những hoạt động tri ân người có công rất hoành tráng rồi mời các cơ quan truyền thông, báo chí để quảng cáo, đưa tên tuổi mình lên tận... mây xanh. Thực tế đã có trường hợp doanh nhân là đại biểu Quốc hội nhưng bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội vì dùng tiền tổ chức hoạt động tri ân người có công hết sức hoành tráng nhằm lấy "uy tín" với chính quyền, nhân dân địa phương vì động cơ không trong sáng.

Thậm chí đã xuất hiện những trường hợp đóng giả cựu chiến binh, thương binh để làm ăn bất chính. Có những trường hợp đối tượng đã câu kết, phối hợp với nhau, dùng chiêu bài “công thần” để ngăn chặn chính quyền giải quyết các vấn đề về đất đai của những người vi phạm để lấy tiền. Có những người là quan chức còn tìm cách để cho người thân của mình là thương binh nhẹ nhưng lại được hưởng chế độ chính sách cao hơn các thương binh nặng ở cùng địa phương.

Những câu chuyện đau xót trên là dẫn chứng cụ thể về những hành vi phản văn hóa, đi ngược lại truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Nó là những hành vi tiêu cực, đen tối; những “vết chàm” cần phải được xã hội chúng ta lên án và loại trừ. Tôi nghĩ rằng, cùng với sức mạnh của dư luận, sự giám sát của nhân dân, các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi gian dối, lợi dụng chủ trương, chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước ta về người có công để trục lợi. Trước mỗi hoạt động tri ân, các cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị cần kiểm tra, thẩm định chặt chẽ, kịp thời phát hiện hành vi “tri ân trá hình” để ngăn ngừa những kẻ núp bóng hoạt động này trục lợi.

PHẠM VĂN QUÂN

Tags: tri ân
Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết