• :
  • :

Chen chúc vào lớp 10!

Trong những ngày vừa qua, chủ đề được bàn tán nhiều nhất là tuyển sinh lớp 10. Chỉ tiêu tuyển sinh các trường công lập thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế, cộng với phương thức tuyển sinh chưa thật sự khoa học khiến cả xã hội như lên cơn sốt khi điểm đầu vào ở nhiều trường “nhảy múa” như trên sàn chứng khoán trong những ngày có nhiều biến động thất thường nhất!

Tôi vẫn nhớ mãi cuộc trò chuyện cách đây hơn chục năm với anh Lê Hồng Quang, phóng viên thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại châu Âu. Anh tâm sự, khi ấy, cô con gái lớn của anh đang học lớp 9 tại Brussels (Bỉ) nhưng đã xác định theo học nghề làm bánh. Như rất nhiều gia đình ở châu Âu, vợ chồng anh tôn trọng quyết định của con gái, mặc dù con có khả năng học rất tốt. “Trên mọi phương diện, một người thợ làm bánh lành nghề tốt hơn rất nhiều một nhân viên văn phòng không đủ năng lực”, anh nói như vậy. Khi ấy, tôi đã nghĩ về quan niệm phổ biến trong xã hội Việt Nam, kiểu gì cũng phải cố "kiếm" bằng được ít nhất là tấm bằng tú tài, hoặc cao hơn là tấm bằng đại học-bất kể ngành gì, trường nào, nhu cầu tuyển dụng của xã hội ra sao... 

Phụ huynh xếp "lốt" từ nửa đêm trong cái nóng oi nồng của mùa hè. Ảnh: Dân trí

Trước đó, khi còn là phóng viên theo dõi mảng giáo dục, tôi đã khấp khởi mừng thầm với ý tưởng “phân luồng” học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nước ta. Theo ý tưởng này, sẽ có một tỷ lệ nhất định học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không đủ điểm vào học THPT được phân luồng vào học tại các trường đào tạo nghề. Như thế sẽ khắc phục được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, khắc phục được tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm tương xứng với trình độ được đào tạo.

Vậy nhưng, hơn chục năm đã trôi qua, xã hội vẫn như lên cơn sốt với việc tìm mọi cách, mọi cửa để kiếm được một suất học THPT cho con. Các trường đào tạo nghề vẫn đìu hiu, các doanh nghiệp vẫn luôn trong cơn khát lao động lành nghề. Trong khi sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường thất nghiệp vẫn rất nhiều, không ít cử nhân đại học phải chạy xe ôm công nghệ, lái taxi, làm nhân viên bán hàng... Thậm chí không ít người phải ngậm ngùi cất tấm bằng cử nhân vào ngăn kéo tủ để đi làm công nhân. Rất nhiều người đã tiêu tốn mất 3 năm học THPT, 4-5 năm học đại học và tiêu tốn rất nhiều tiền của gia đình, Nhà nước mà chẳng để làm gì. Rõ ràng, khi con cái không đủ khả năng học lên cao, việc ép con học tiếp không chỉ làm khổ con, khổ gia đình mà còn làm khổ cả xã hội!

Câu chuyện rõ ràng không chỉ là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì mình Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể quyết định tất cả việc xây trường, phân bổ trường lớp trên mật độ dân cư, tuyển mộ, trả lương công chức... Bức tranh giáo dục nước nhà dù gam màu ra sao thì cũng dễ nhìn thấy rõ trách nhiệm lớn hơn các cơ quan quản lý nhà nước là lãnh đạo cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp. Quyền được đi học của học sinh là cao cả, là chuyện lẽ ra phải trở nên rất bình thường, thì với chúng ta nhiều cháu học sinh lại chịu sóng gió từ lớp 1, và cả trước lớp 1. Chính sách giáo dục, cải cách giáo dục suốt mấy chục năm qua không bình yên. Đảng, Chính phủ cần có những quyết sách chiến lược mạnh mẽ, táo bạo; chỉ đạo quyết liệt hơn nữa ở lĩnh vực đặc biệt quan trọng này, tạo cơ sở nền tảng cho đất nước ta phát triển bền vững.  

CHIẾN THẮNG  

Tags: lớp 10
Lượt xem: 4
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết