• :
  • :

Đừng nhân danh truyền thống để sáng tạo những sản phẩm phản truyền thống

Ngày càng có nhiều sản phẩm nghệ thuật nhân danh sự cách tân, sáng tạo nhưng lại bêu xấu thay vì thể hiện tinh thần dân tộc.

Đừng nhân danh truyền thống để sáng tạo những sản phẩm phản truyền thống

Trang phục phản cảm tại Show diễn “New Traditional”. Ảnh: Chụp màn hình

"New Traditional" (truyền thống mới) là tên một show diễn thời trang của nhà thiết kế Tường Danh ở TPHCM đang gây bức xúc dư luận khi có nhóm người mẫu đội nón quai thao, mặc áo yếm cách điệu, lộ phần lưng và vòng ba rất phản cảm.

Hay hình ảnh một mẫu nam đầu trọc, mặc trang phục màu vàng cổ trụ, tạo dáng bên chiếc chuông vàng cùng nhiều thiết kế trong bộ sưu tập lấy cảm hứng từ áo dài, áo yếm cũng có những chi tiết cắt xẻ không giống ai, gây ngượng cho người xem...

Đây không phải là lần đầu tiên, ở Việt Nam có những show thời trang nhân danh sự cách tân, sáng tạo từ những giá trị truyền thống của những người trẻ, nhưng không được đón nhận và gây phản ứng mạnh mẽ từ dư luận xã hội như thế này.

Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM dĩ nhiên đã vào cuộc và cho biết đã xác định đơn vị vi phạm trong tổ chức show thời trang "New Traditional".

Các cơ quan quản lý đã phối hợp lập biên bản vi phạm hành chính và Sở Văn hóa Thể thao TPHCM cũng đã tham mưu trình UBND TPHCM về phương án xử phạt theo quy định.

Tuy vậy, vấn đề quan trọng nhất lại không nằm ở chỗ cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính hay xử phạt bao nhiêu tiền mà nằm ở chỗ ý thức, phông văn hoá của người làm sáng tạo.

Cách đây tròn 100 năm, khi quyết định cho thành lập Bảo tàng Khải Định (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) - bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam, chính vua Khải Ðịnh (1916 - 1925) đã ban hành một bản Dụ mang tính định hướng về văn hoá và nghệ thuật cho dân tộc.

Dụ viết: “Tinh thần của một dân tộc được thể hiện trên các sản phẩm nghệ thuật, nó phản ánh đời sống xã hội, tục lệ, chính trị và hình ảnh của tâm hồn dân tộc ấy. Đất nước chúng ta đã nhận được từ những thế hệ trước nhiều hiện vật nghệ thuật lâu đời cần được bảo tồn nhằm hình thành và gìn giữ thẩm mỹ và cảm xúc nghệ thuật của những thế hệ tương lai”.

Tròn 100 năm sau, bức Dụ của vua Khải Định vẫn còn nguyên tính thời sự khi có rất nhiều sản phẩm nghệ thuật tạo hiệu ứng rực rỡ khi lấy “tinh thần” hay nói cách khác là “hồn vía” của dân tộc làm kim chỉ nam trong hành động sáng tạo.

Nhưng cũng đã và đang có không ít sản phẩm nghệ thuật - những cá nhân, tổ chức tạo ra những sản phẩm mang tính bêu xấu tinh thần, hồn cốt dân tộc cả ở trong và ngoài nước, nhân danh sáng tạo, thể nghiệm từ chất liệu truyền thống.

Ở đây không bàn chuyện đẹp hay xấu, chỉ nhắc lại rằng, mỗi một sản phẩm nghệ thuật, dù ở lĩnh vực nào thì trước hết nó phải là một sản phẩm - giá trị văn hoá, sau đó mới tính đến các yếu tố khác.

Vậy nên, mỗi một người sáng tạo sản phẩm nghệ thuật, trước hết phải là một người hiểu biết, có nội lực và chiều sâu về văn hoá!