Nhìn thẳng-Nói thật: “Chạy” giải thưởng văn nghệ
“Chạy” trong các giải thưởng văn nghệ ở nước ta vẫn là chuyện khổ lắm, biết rồi, nói mãi. Đúng là vậy, vì người ta vẫn xì xào to nhỏ ở nơi này chốn khác do tệ nạn ấy chưa chấm dứt trong làng văn nghệ.
Giải thưởng là khát vọng lớn lao của văn nghệ sĩ, vì thế, họ đã lao động sáng tạo hết mình, không ngần ngại, cống hiến, hy sinh và bất chấp cả những nhọc nhằn, khổ ải đời thường. Nói riêng văn chương, thì ngoài cái tài “trời cho”, người cầm bút phải lao tâm khổ tứ với tác phẩm của mình. Những tác phẩm xuất sắc tự nó định nên danh hiệu cho các nhà văn và khi họ được trao giải thưởng thì đông đảo công chúng ủng hộ, đồng tình.
Nhìn rộng ra, những ngành nghệ thuật khác cũng vậy, thành quả lao động xuất sắc của các nghệ sĩ cần phải tôn vinh xứng đáng, không được hạ thấp hay lãng quên. Tôn vinh văn nghệ sĩ là tôn vinh nền văn học nghệ thuật nước nhà, cũng là minh chứng cho sự tốt đẹp của chế độ xã hội. Tác phẩm ấy, công trình ấy, nhất thiết phải có tác dụng sâu rộng trong công chúng, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Tính dân tộc, tính nhân loại thể hiện trong thành quả lao động văn học nghệ thuật của nghệ sĩ. Mỗi tác phẩm, mỗi công trình của họ góp ánh sáng soi đường cho dân tộc tiến bước và tất nhiên phải có sự mới mẻ, sâu sắc về tư duy nghệ thuật. Một tác phẩm, một công trình bị trao nhầm giải thưởng sẽ gây ra nhiều tác hại không nhỏ trong xã hội. Đó là biểu hiện dễ thấy nhất của sự “lệch chuẩn” trong hoạt động văn hóa. Minh bạch đến vậy, tưởng chừng người ta rất khó trao nhầm các giải thưởng văn nghệ nhưng thực tiễn xảy ra lại khác. Có những giải thưởng trong văn học nghệ thuật không được tâm phục, khẩu phục, thậm chí bị phản đối rất dữ dội.
Vì sao lại có người “chạy” giải thưởng văn nghệ? Ai tiếp tay cho họ trong việc này? Đó là những câu hỏi nhức nhối mà các nhà lãnh đạo, quản lý văn nghệ cần quan tâm.
Theo tôi, người “chạy” giải thưởng văn nghệ thường kém tài lại muốn có danh; danh càng lớn “chạy” càng dữ dội và càng tốn kém. Khi có tiền họ dùng nó để “bôi trơn” các hội đồng, các ban giám khảo nhằm đạt được mục đích đề ra. Vì thế, có trường hợp khi được giải thưởng rồi ta đọc, ta xem lại những tác phẩm, công trình đã được tôn vinh ấy thấy nó quá bình thường, chẳng có gì nổi bật. Lại có dạng văn nghệ sĩ tài năng, có tác phẩm hay công trình xứng đáng để được khen thưởng nhưng sợ hội đồng, ban giám khảo cho qua, bỏ lơ, đánh trượt nên cũng phải “chạy”. Cái lý “chạy” cho nó chắc; “chạy” để những người xét, người chấm nghĩ mình “biết điều” bỏ phiếu cho. Nghĩ cho cùng cũng nhục thật. Vì “một miếng ở làng” mà đôi khi người ta cố tình quên đi liêm sỉ, danh dự. Có người cho rằng, “chạy” là công việc đương nhiên, không thể thiếu được của văn nghệ sĩ tham gia xét giải. Cái nỗi buồn đau ấy bao giờ mới chấm dứt? Lại thêm chuyện buồn cười, có những hội diễn văn nghệ ban tổ chức trao rất nhiều giải thưởng cho các đoàn và cá nhân. Huy chương, bằng khen chắc chỉ nhằm minh chứng sự thành công của hội diễn và thắng lợi của các tập thể, cá nhân tham gia. Trước khi đi hội diễn đã phải tính tới việc “mua” huy chương, bằng khen. Chuyện “xin-cho”, “mua-bán” giải thưởng cứ thế diễn ra âm thầm đó đây. Nhiều người biết nhưng rồi ai cũng ngại nói. Nhiều người thấy dở nhưng rồi cũng chậc lưỡi cho qua, thôi thì cả làng đều vui vẻ là được.
Tôi nghĩ, những người “chạy” giải chỉ có cơ hội thành công khi được các hội đồng, ban giám khảo không kết tụ được tiêu chí tâm và tầm của những người "cầm cân nảy mực". Tâm không sáng thì dễ làm việc mờ ám, cong queo; tầm không cao thì không đủ trình độ để thẩm định, đánh giá. Những hội đồng, ban giám khảo yếu kém như thế chính là "bảo kê" cho kẻ “chạy” giải. Cho nên, muốn hạn chế và tiến tới chấm dứt việc “chạy” giải thưởng văn nghệ, theo tôi, trước hết quy chế, tiêu chuẩn giải thưởng phải hết sức chặt chẽ, cụ thể đồng thời nên hợp lý, thuận tình. Hội đồng, ban giám khảo nên được chọn lựa tỉ mỉ, chính xác, họ là những người trong sáng, công tâm và có năng lực đánh giá, thẩm định đúng chuyên môn. Không làm được điều đó thì việc “chạy” giải thưởng văn nghệ còn là câu chuyện dài dài, chưa có hồi kết.
NGUYỄN HỮU QUÝ