• :
  • :

Cái nhìn đa diện về đời sống thôn quê

Mấy năm trở lại đây, trong đội hình văn học trẻ, tôi chú ý đến tác giả Hoàng Hiền bởi sự xuất hiện đều đặn, chỉn chu của cô trên các diễn đàn văn chương cả trong Nam và ngoài Bắc.

Không đua chen vào các dòng văn học được cho là “hot”, thời thượng như trinh thám, kinh dị, giả tưởng, kỳ ảo, thậm chí ngôn tình, đam mỹ, Hoàng Hiền tâm huyết với lối đi truyền thống, phản ánh hiện thực gắn với chuyển động của đời sống thôn quê.

Trước khi vào TP Hồ Chí Minh học tập, định cư, Hoàng Hiền đã trải qua những ngày ấu thơ và thời thanh nữ ở xứ Đông (Hải Dương)-một vùng đất mang nhiều trầm tích văn hóa truyền thống. Có lẽ chính những tháng năm đầu đời trên mảnh đất quê hương đã làm nên một tính cách, một tâm hồn, một đường văn thuộc về những gì đặc trưng nhất của văn hóa nông thôn: Vừa gần gũi, giản dị vừa sâu sắc, bao dung, thấm đẫm tình người.

Bìa tập truyện ngắn "Thềm trăng"

11 trong 14 truyện trong “Thềm trăng” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022) lấy làng quê làm bối cảnh, “đất diễn” cho các nhân vật. Nhân vật của Hoàng Hiền chủ yếu là những người nông dân hoặc gốc nông dân ở phố. Thế nên chất quê kiểng, thôn làng được thể hiện sinh động từ tình huống truyện cho đến nhân vật. Khi cầm tập truyện trên tay, mới chỉ lướt qua những cái tên như: “Thềm trăng”, “Cỏ mật trong vườn”, “Gánh hoa qua sông”, “Mùa nhót chín”, “Tơ tằm”, “Sau lưng là rừng thẳm”, “Đất hứa”, “Bụng núi”... đã thấy ở đó phả ra không khí xưa cũ, thuần hậu, thanh bình của chốn điền viên. Qua từng truyện ngắn, người đọc như được dẫn vào một thế giới đối lập với chốn xô bồ, ồn ã phố phường. Ở đó, nết ăn, nết ở của “những người muôn năm cũ” vẫn còn đây, những phẩm tính tốt đẹp của người thôn quê thấm đẫm trong những trang văn của nữ tác giả thế hệ 8X. Mối tình e ấp, thầm lặng, lâu bền của anh lái đò tên An và người mẹ trẻ đơn thân hằng ngày gánh hoa qua sông trên chuyến đò của An như gieo vào lòng người đọc những hạt mưa xuân dịu dàng, trong mát đủ để thêm yêu, thêm tin vào những mối tình (Gánh hoa qua sông). Sự lỡ dở của Mai, chị hai quan họ nổi tiếng đẹp người, đẹp nết với giọng hát vang rền nền nảy của làng Diềm khiến người đọc không khỏi tiếc nuối, xa xót. Nhưng cái cách láng giềng góp gạo mang tặng người mẹ đơn thân sinh con, hối nhau đi giúp mẹ con Mai thu gặt lúa mùa đủ để người đọc thêm yêu, thêm tin vào sự bao dung, lòng nhân ái của con người (Thềm trăng).

Tác phẩm của Hoàng Hiền không chỉ nói về cái hay, cái đẹp theo lối ngợi ca một chiều, ở đó còn gặp những “mảng tối” với tranh đoạt, đấu đá, giả dối, lọc lừa... Nhưng quy luật tồn tại, phát triển của cộng đồng người Việt là những điều tốt đẹp luôn được gìn giữ, nâng niu, lan tỏa, cái xấu, cái ác bị đào thải, phải trả giá. Điển hình cho tuyến nhân vật xấu xa, phản diện là Thụ-trợ lý giám đốc, một gã hống hách, trịch thượng, gian manh đã trở nên điên dại, sống một đời như muông thú sau khi hại đời cô gái điên (Sau lưng là rừng thẳm).

Qua tập truyện, người đọc dễ dàng nhận ra thiên tính nữ của người đàn bà văn chương đang dần bước vào sự đằm đượm. Đấy là sự tinh tế, nhạy cảm khi quan sát cuộc sống với những hình ảnh đẹp, giàu chất thơ: “Ngày mai sẽ có gió của ngày mai thổi. Trong giấc mơ, đôi chân chị lướt trên đồng cỏ mềm, qua đồi cỏ hồng rồi ngồi tựa gốc cây cô đơn duỗi chân đọc sách. Những cái cây cô đơn bị gió bẻ xác xơ bật ra vô số mầm xanh. Những cái cây cô đơn biết hát...” (Cây cô đơn). Những câu văn như trên, độc giả gặp rất nhiều trong tập truyện. Đấy là sự thấu cảm, hy sinh, lòng bao dung và tự chữa lành của các nhân vật nữ trước lỗi lầm, sự gây tổn thương của người khác đối với mình. Đó chính là tiếng tơ lòng sâu thẳm nhất, là những bài ca bên thềm trăng của người đàn bà viết văn Hoàng Hiền.

NGUYỄN LAN KHUÊ

Tags: Văn học
Lượt xem: 10
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết