Ứng phó với triều cường
Những ngày qua, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt với đợt triều cường lớn nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Đỉnh triều cao nhất tại Trạm Cần Thơ trên sông Hậu lên mức 2,2-2,25m. Thời gian xuất hiện vào lúc 5 đến 7 giờ và 16 đến 18 giờ.
Mực nước dâng lên rất cao, ảnh hưởng một số hoạt động như: Ngập lụt một số khu dân cư ở vùng trũng, thấp, ngoài đê bao, ngập cục bộ một số tuyến đường trong các khu đô thị; đặc biệt hơn, làm một số khu vực nuôi trồng thủy sản, trồng hoa màu bị thiệt hại.
Tại TP Cần Thơ, nơi được coi là ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên khi nước biển dâng do biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, thì trong đợt triều cường này đã có hơn 100 tuyến đường bị ngập sâu. Khi nước dâng cao đã gây xáo trộn cuộc sống, cả chục nghìn học sinh không thể đến trường, người dân buôn bán ế ẩm, sinh hoạt hằng ngày gặp nhiều khó khăn.
Triều cường 1,6m khiến nhiều tuyến đường, con hẻm ở TP Hồ Chí Minh ngập nước, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, chiều 10-10. Ảnh: Vnexpress |
Như một quy luật, triều cường thường “đến hẹn lại lên”, quy luật đó được lặp lại hằng năm vào trung tuần tháng 9 âm lịch. Tuy việc này lặp lại thường xuyên như vậy nhưng các cấp chính quyền địa phương trong vùng bị ảnh hưởng thì năm nào cũng rề rà kiểu “nước đến chân... mới nhảy”.
Minh chứng cụ thể, đó là nước dâng cao diễn ra được hai ngày mới thấy chính quyền địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai các giải pháp chủ động ứng phó. Rõ ràng, việc triều cường đã được ngành khí tượng thủy văn thông báo, các nhà khoa học cảnh báo những hệ lụy của nó gây ra, nhưng chính quyền địa phương vẫn chậm chân so với thực tế.
Nhằm ứng phó với đợt triều cường lớn nhất trong vài năm trở lại đây, chính quyền TP Cần Thơ nói riêng, các tỉnh ĐBSCL nói chung đều đưa ra chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động khắc phục nhanh sạt lở trên các tuyến giao thông; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố; tăng cường lực lượng, tổ chức ứng trực sẵn sàng có mặt để chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông tại các giao lộ và các điểm ngập sâu, kịp thời phân tuyến, phân luồng, điều tiết giao thông và làm nhiệm vụ hỗ trợ, cứu hộ các phương tiện, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân, nhất là các cháu học sinh...
Các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho rằng, tình trạng ngập cục bộ ở các đô thị hiện đã mang tính quy luật. Ngoài nguyên nhân do thủy triều lên, gặp nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây ngập thì cũng có nguyên nhân do sụt lún đất ở khu vực ĐBSCL, nước biển dâng và hệ thống đê bao bảo vệ các vùng sản xuất đã khép kín khiến nước không tràn được vào trong các kênh, rạch, gây ngập cho đô thị.
Do biến đổi khí hậu nên tình trạng ngập ở ĐBSCL ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con nhân dân. Vì vậy, các địa phương đã thực hiện giải pháp cấp bách và lâu dài để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do triều cường, đó là: Tăng cường hệ thống đê, kè, trồng rừng ngập mặn, xây dựng hệ thống bơm giảm ngập, xây dựng các bản đồ vùng dễ bị tổn thương, di chuyển các cơ sở nuôi trồng thủy sản...
Ngoài ra, giải pháp can thiệp vật lý, giải pháp kỹ thuật công trình xây dựng cơ sở hạ tầng ngăn nước mặn, kiểm soát lũ; chuyển đổi tập quán canh tác, chú trọng đến việc điều chỉnh các chính sách quản lý các tiêu chuẩn xây dựng, sử dụng đất, các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường...
Tuy nhiên, ngập úng do triều cường vẫn “đến hẹn lại lên” và gây ra những hệ lụy khó lường. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do triều cường gây ra trong thời gian tới, chính quyền các địa phương cần triển khai quyết liệt các giải pháp đã chọn, có như vậy, người dân mới không còn cảnh cứ đến khi triều cường dâng cao lại phải đối mặt với việc kê kích nhà cửa, thiệt hại hoa màu, xáo trộn cuộc sống.
NGUYỄN BÁ