• :
  • :

Bulgaria tiếp tục nhập khẩu dầu Nga

Bulgaria sẽ cho phép một nhà máy lọc dầu ở ven Biển Đen thuộc sở hữu của Nga có thể hoạt động và xuất khẩu các sản phẩm dầu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) đến cuối năm 2024.

AP đưa tin, ngày 22-11, thỏa thuận trên vừa đạt được giữa chính phủ chuyển tiếp tại Bulgaria và công ty Lukoil Neftohim Burgas (LNB) có liên kết với Tập đoàn dầu mỏ Lukoil của Nga. Sau các cuộc đàm phán, LNB đồng ý thay đổi mô hình kinh doanh và giữ lợi nhuận kinh doanh ở lại Bulgaria. Thống kê từ chính quyền Sofia cho thấy, việc LNB tiếp tục hoạt động sẽ đem về cho ngân sách nhà nước Bulgaria tới 350 triệu euro tiền thuế. “Từ đầu năm sau, Lukoil sẽ chuyển lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, doanh thu và thuế của mình sang Bulgaria, thay vì ở một số nước khác như trước đây”, AP dẫn lời Phó thủ tướng phụ trách kinh tế Bulgaria Hristo Aleksiev nêu rõ.

  Công nhân vận hành hệ thống đường ống tại nhà máy lọc dầu LNB ở Bulgaria. Ảnh: plasteurope.com

Đáp lại, Lukoil nhấn mạnh rằng, trong vòng một tuần sau khi Bulgaria thông qua các thủ tục pháp lý liên quan, tập đoàn này sẽ thông qua quyết định chuyển lợi nhuận thực tế từ chế biến dầu sang Bulgaria. Bên cạnh đó, Lukoil cam kết thực hiện hợp đồng theo 4 điều kiện: Bảo vệ môi trường kinh doanh vĩ mô, vận hành nhà máy lọc dầu LNB ở mức toàn tải, sử dụng dầu Ural của Nga và dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ Bulgaria.

Nhà máy lọc dầu LNB nằm ở cảng Burgas (Bulgaria) ven Biển Đen, gia nhập Lukoil từ năm 1999, được xây dựng để lọc dầu thô của Nga và từ khu vực Trung Đông. Hiện LNB là nhà máy lọc dầu lớn nhất tại khu vực Balkan, đồng thời cũng là duy nhất tại Bulgaria. Do đó, LNB có vai trò rất quan trọng, trở thành nguồn cung cấp xăng và dầu diesel chính cho đất nước được mệnh danh là xứ sở hoa hồng, cũng như phục vụ xuất khẩu. AP cho biết nhà máy đóng góp tới 9% sản lượng kinh tế của Bulgaria và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Hồi đầu tuần, LNB còn thông báo dự kiến hướng tới đạt kỷ lục lọc 7,1 triệu tấn dầu thô trong năm nay. Vì vậy, AP nhận định nếu nhà máy đóng cửa, hàng loạt rắc rối nghiêm trọng sẽ xảy ra đối với thị trường lao động và năng lượng tại Bulgaria.

Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, phương Tây đã áp đặt rất nhiều lệnh cấm vận với Moscow để phản đối, bao gồm việc loại bỏ dầu nhập khẩu từ Nga. Euractiv cho biết, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và EU dự kiến sẽ áp dụng mức giá trần đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga bằng đường biển vào ngày 5-12 tới. Đây được xem như một phần trong các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Tuy nhiên, EU buộc phải trao quyền miễn trừ để tiếp tục mua nhiên liệu Nga cho một số nước thành viên đang phụ thuộc lớn vào ngành năng lượng Nga, trong đó có Bulgaria. Trước kia, khoảng một nửa nguồn cung dầu và gần như hoàn toàn nhu cầu khí đốt của quốc gia vùng Balkan này được nhập khẩu từ Nga.

Giới phân tích đánh giá, thỏa thuận giữa Bulgaria và Lukoil là một chiến thắng dành cho Nga, qua đó biến Bulgaria trở thành nơi để Moscow “lách” một phần lệnh cấm vận dầu mỏ của châu Âu. Với động thái trên, chính phủ hiện nay của Bulgaria dự định hủy bỏ sắc lệnh được đưa ra bởi chính phủ tiền nhiệm cấm xuất khẩu nhiên liệu do nhà máy lọc dầu của Nga sản xuất tại Bulgaria sau ngày 5-12. Như vậy, nhà máy của Lukoil sẽ tiếp tục hoạt động tại Bulgaria cho đến hết năm 2024 khi quyền miễn trừ của EU dành cho Bulgaria hết hiệu lực. Trước đó, Brussels cảnh báo Lukoil không được xuất khẩu các sản phẩm dầu liên quan đến dầu Nga từ lãnh thổ Bulgaria, nhưng chính quyền Sofia biện minh rằng có thể thực hiện theo quyền miễn trừ đối với những sản phẩm dầu tinh chế được sản xuất ở nước thứ ba dựa trên dầu mỏ của Nga và xuất khẩu sang nước khác.

VĂN HIẾU

Tags: Bulgaria
Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết