Vị đại khoa được truyền tụng là con vua Thủy Tề
Không chỉ có tài văn chương, làm thuốc cứu người, Tiến sĩ Vũ Huy Trác còn được biết tới là một vị quan tốt, được dân chúng yêu mến.
Nhà thờ Tiến sĩ Vũ Huy Trác tại Nam Định |
Vì vậy trong dân gian, ông được tôn kính như thần thánh, là con trai vua Thủy Tề.
Theo gia phả họ Vũ và một số nguồn sử liệu địa phương, Vũ Huy Trác (1730 - 1793) sinh ra trong gia đình khoa bảng tại Lộng Điền, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam (nay là thôn Lộng Điền, Nghĩa Đồng, Nghĩa Hưng, Nam Định). Cha ông là Vũ Hưng Nhai giữ chức Huấn đạo phủ Trường Khánh.
Vị quan được dân tin mến
Nguồn gia phả cũng cho biết Vũ Huy Trác là một học trò thông minh, hiếu học, sớm vang danh khắp đạo Sơn Nam. Năm 8 tuổi, ông theo học thầy Trịnh Kim Lan - Tri phủ Cẩm Giàng. Năm Đinh Mão (1747), khi 17 tuổi ông dự kỳ thi sát hạch ở huyện Đại An và được xếp thứ 3. Năm 1750 ông theo học Thám hoa Phan Kính, năm sau lại học thầy Trần Văn Trứ khi đó làm Trực giảng tại Quốc Tử Giám.
Năm Quý Dậu (1753), Vũ Huy Trác đỗ Hương cống và gặp sự biến cha mất. Sau 3 năm cư tang, ông kết hôn với con gái Sinh đồ Phạm Khắc Du và vẫn nuôi chí đèn sách chờ cơ hội ứng thí. Trong thời gian này, ông thọ giáo nhiều thầy giỏi là các danh sĩ đương thời như Hà Tông Huân, Đoàn Nguyễn Thục, Nguyễn Tông Quai...
Vì học giỏi lại có tiếng tu đức nên dù chưa đỗ cao nhưng Vũ Huy Trác được nhiều danh sĩ đương thời đang làm quan trong triều tiến cử. Ban đầu, ông làm Thị nội thư tả công phiên tùng giảng ứng vụ (1761). Năm sau, ông được thăng Binh bộ Tư vụ. Vài năm sau lại được bổ làm Huấn đạo phủ Tiên Hưng (Thái Bình).
Năm 1768, ông được bổ làm Tri huyện Nam Chân rất được lòng dân. Thấy quan tri huyện hiếu học mà lương bổng chẳng có là bao nên dân trong huyện đã góp tiền mua một mảnh đất làm ngôi nhà ba gian ở khu đất Long Đàm để ông làm nơi đọc sách. Tuy nhiên, khi ngôi nhà vừa hoàn thành, ông chưa kịp ở ngày nào thì lại phải điều động đến nơi khác.
Năm Nhâm Thìn (1772) đời vua Lê Hiển Tông, Vũ Huy Trác tiếp tục ứng thí và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Theo Viện Nghiên cứu Hán Nôm, văn bia đề danh Tiến sĩ ghi khoa thi này, do Phó Đô tướng Trịnh Bồng làm Đề điệu, Bồi tụng Hộ bộ Tả Thị lang Lê Quý Đôn làm Tri Cống cử, Nhập thị Bồi tụng Binh bộ Hữu Thị lang Vũ Miên, Hộ bộ Hữu Thị lang Vũ Trần Thiệu làm Giám thí, lấy trúng cách 13 người. Qua tháng sau Điện thí, cho 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, 11 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân.
Trong 11 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân - Vũ Huy Trác tên đứng thứ 7. Sau khi đỗ đại khoa, ông được thăng Hàn lâm viện hiệu thảo. Năm 1774, ông làm Giám sát ngự sử đạo Thanh Hóa. Cuối năm này ông lại được đổi làm Hiến sát sứ Kinh Bắc. Năm 1776, ông làm Công khoa đô cấp sự trung. Năm 1777, ông được đổi làm Tham chính Thanh Hóa. Năm 1779, ông làm Hiến sát sứ Nghệ An.
Ở bất cứ cương vị nào, Vũ Huy Trác cũng tỏ ra là viên quan mẫu mực, có tài thu phục nhân tâm, được triều đình tin tưởng. Nhiều nơi ông đến nhậm chức được dân sở tại xin vẽ hình để thờ phụng. Năm 1783, triều đình cử ông làm Tham chính Kinh Bắc. Năm 1784, ông được thăng Hàn lâm viện thị thư và làm Đốc trấn Lạng Sơn.
Giai thoại con trai vua Thủy Tề
Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Hoàng Dương Chương và Trần Mỹ Giống, năm Ất Tỵ (1785), Vũ Huy Trác được triều đình triệu về kinh giao cho chức Hàn lâm viện thị giảng. Trong năm này, mẹ ông qua đời nên ông về quê chịu tang. Tháng 6 năm sau, Nguyễn Huệ ra Bắc diệt họ Trịnh. Vũ Huy Trác đang cư tang mẹ ở quê thì được chiếu của vua Lê, liền tức tốc đến Nhĩ Độ theo việc binh và được cử làm Giám quân đạo Sơn Nam.
Ông có công giữ vững thành Vị Hoàng (nay thuộc thành phố Nam Định), được vua Lê ban chức Hàn lâm viện Thị độc, tước Côi Lĩnh bá. Năm 1788, ông về kinh nhận chức Lễ bộ Tả Thị lang kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp. Năm 1789 kinh thành thất thủ, Quang Trung đại phá quân Thanh, vua Lê bỏ chạy sang Trung Quốc.
Vũ Huy Trác và một số quan lại theo vua Lê, khi đến biên giới vua Lê dụ cho ông về quê vì tuổi đã cao. Sau đó, ông trở về quê ấp Lộng Điền, mở lớp dạy học, làm vườn, làm thuốc chữa bệnh. Từ lớp học của ông, nhiều học trò thành danh và trở thành quan lại, như Đặng Xưởng, Tri huyện Chân Ninh; Nguyễn Văn Tường - Tri phủ Nghĩa Hưng...
Tháng 10/1793, Tiến sĩ Vũ Huy Trác qua đời, thi hài được táng ở Hậu Đồng làng Vân Cù (Nam Trực). Sau khi mất, ông được thờ phối tự với Thành hoàng làng Lộng Điền. Tiến sĩ Ngô Tiêm đã làm câu đối viếng Vũ Huy Trác: “Vị giang nhất phiến cô trung, Gia Cát vị vong do thị Hán/ Lão bạ lục niên nhiêu hạng, Bá Di trung tử bất thần Chu”.
Cho đến nay, ở Nam Định vẫn còn những giai thoại kể về Tiến sĩ Vũ Huy Trác. Trong đó có tư liệu “Đại An huyện chí” có chép chi tiết việc Vũ Huy Trác là hiện thân của thủy thần sông Hát.
Đó là vào năm Canh Tuất (1730) khắp vùng Đại An bị ngập lụt khiến dân tình vô cùng khổ cực. Lý trưởng Lộng Điền lúc ấy là Nguyễn Xuân Điệp lội nước ra chùa tìm gặp cụ tiên chỉ Trần Đức Huy để kể về giấc mơ được thần báo mộng, là ngày mai con trai quan Huấn đạo Vũ Hưng Nhai ra đời thì nước sẽ rút.
Con trai quan Huấn đạo họ Vũ chính là thủy thần sông Hát (sông Đáy). Chánh tổng khi biết chuyện này liền sai lý trưởng và tiên chỉ mang thủ lợn và gạo đến mừng quan Huấn Vũ sinh quý tử. Sau khi Vũ Huy Trác ra đời, thì đúng như giấc mơ của lý trưởng - nước bắt đầu rút. Chuyện đến tai quan Tri phủ Nghĩa Hưng là Lâm Duy Hợp, quan phủ cưỡi ngựa đến xem hư thực ra sao và sai người mang ba thúng gạo đến nhà làm quà mừng.
Một giai thoại khác cũng kể rằng, hồi đó ở phía Đông làng Lộng Điền bên Cồn Chè có một cây đa cành lá xum xuê che kín mấy sào ruộng. Người trong làng đồn cây đa là nơi trú ngụ của ma quỷ. Mùa Hè nóng nực, ai đi qua mà ngồi nghỉ dưới gốc đa đều bị ốm, phải mang lễ vật đến cúng tế mới khỏi. Súc vật đi qua gốc đa mà bậy ra thì thế nào cũng bị vật chết.
Chuyện về quỷ cây đa không biết đã xuất hiện từ khi nào làm nhiều người rất sợ hãi. Một buổi chiều ngày Rằm tháng Giêng, cậu học trò Vũ Huy Trác ở chùa về nhà, ghé vào gốc đa tìm lá cối xay cho mẹ. Cậu bé cùng bạn nối dây mơ trói gốc đa lại rồi dùng cành dâu đánh đủ 100 roi trị tội quỷ cây đa. Ít lâu sau cây đa chết đứng, dân làng kháo nhau quỷ cây đa đã bị trò Vũ Huy Trác đánh chết.
Thậm chí còn có giai thoại khẳng định Vũ Huy Trác là con vua Thủy Tề. Đó là chuyện mang tính trùng hợp khi mỗi lần Tiến sĩ Vũ Huy Trác về thăm quê thì trời lại đổ mưa to. Vì thế, dân địa phương cho rằng ông là con vua Thủy Tề giáng thế.
Ông lại rất giỏi chữa bệnh nên dân gian lan truyền tin này càng rộng hơn. Một lần có con bệnh làng bên ốm thập tử nhất sinh, đã chạy chữa nhiều nơi mà bệnh tình không giảm, chỉ còn chờ chết. Có người mách, người nhà liền khênh bệnh nhân đến nhà Vũ Huy Trác xin cứu chữa.
Vũ Huy Trác bắt mạch, kê đơn bốc thuốc và viết một chữ son lên giấy rồi đốt hòa nước mưa cho con bệnh uống. Sau một thời gian chữa trị, con bệnh khỏi hẳn. Dân làng càng tin ông là con vua Thủy Tề và lưu truyền rộng rãi trong dân gian.
Làm tôi không thờ hai chủ
Sau khi bình định Bắc Hà, vua Quang Trung có chủ trương sử dụng những quan lại cũ có năng lực của nhà Lê. Xét thấy Vũ Huy Trác xứng đáng, được dân tin phục, lại có tài thu phục nhân tâm nên Quang Trung sai sứ giả về tận quê Lộng Điền mời ông ra làm quan.
Tuy nhiên, cũng giống như đa số các danh sĩ đương thời, Vũ Huy Trác giữ tư tưởng tôi trung không thờ hai chủ, và cho rằng hưởng lộc nhà Lê phải làm ma nhà Lê, không thể hưởng lộc vua Lê mà lại ra giúp Tây Sơn, sẽ bị người đời chê cười.
Bởi vậy khi sứ giả Tây Sơn mời Vũ Huy Trác ra làm quan, ông đã viện cớ mắt thong manh để từ chối. Sứ giả không tin, liền lấy cây kim nhọn bất ngờ dứ dứ vào mắt ông. Thấy ông mắt không chớp, nét mặt vẫn bình thản, sứ giả liền đọc một vế đối: “Con ngươi lồng lộng trong như ngọc”, Vũ Huy Trác ứng khẩu: “Thằng bé ngăm ngăm cứng tựa đanh”.
Vế đối của sứ giả thanh mà tục, tỏ ý xấc xược lại nhắc đến tên làng Lộng Điền của Vũ Huy Trác. Vế đối của Vũ Huy Trác dùng chữ nghiêm trang nói đến tên làng Ngăm của sứ giả (người làng Nghiêm Trang), cũng rất thanh mà rất tục, tỏ rõ ý coi khinh sứ giả. Sau sự kiện này, vua Quang Trung biết không thể thuyết phục được ông nên đành cho biên tên Vũ Huy Trác vào sổ nhiêu lão, để yên cho ông sống.
Mặc dù đó chỉ là giai thoại dân gian, song cũng có nhiều sách ghi lại chuyện Vũ Huy Trác đối đáp với sứ giả Tây Sơn như là một khẳng định tài năng văn học của ông.
Trong cả cuộc đời làm quan, Vũ Huy Trác luôn giữ mình trong sạch, thanh liêm và cương trực. Thời gian làm Hiến sát sứ Kinh Bắc, ông đã xử lý nhiều vụ án rất nghiêm minh, bênh vực người dân vô tội, trấn áp bọn quan lại và kẻ giàu có cậy quyền thế hà hiếp nhân dân, được nhân dân hết lời ca ngợi. Trong đó, vụ phạt Đặng Mộng Lân là một trong những vụ án điển hình.
Chuyện là Đặng Thị Huệ người làng Phù Đổng, huyện Tiên Sơn, xứ Kinh Bắc là người có nhan sắc nhưng vô cùng xảo quyệt và đầy tham vọng. Sau khi được tuyển làm cung nữ, Huệ tìm mọi cách quyến rũ Thái tử Lê Duy Vĩ. Nhưng khi biết vua Lê không có thực quyền, Huệ tìm cách chạy sang phủ chúa để quyến rũ Trịnh Sâm.
Từ một cung nữ, Đặng Thị Huệ trở thành Tuyên phi đầy quyền lực, được chúa Trịnh vô cùng yêu chiều. Đặng Mộng Lân (thường gọi là Ba Trà) là em trai Đặng Thị Huệ, ỷ thế chị tha hồ tác oai tác quái, làm nhiều điều ngang ngược mà không ai dám trị tội.
Khi Vũ Huy Trác về làm Hiến sát Kinh Bắc, có người đánh bạo báo án chuyện Ba Trà tự ý giết người cướp của, hãm hiếp phụ nữ, ai chống cự thì bị cắt vú, xẻo tai... Nhân dân vô cùng căm phẫn nhưng các quan sở tại đều phải làm ngơ vì sợ uy quyền nhà chúa.
Vũ Huy Trác cho gọi Đặng Mộng Lân đến công đường xét xử nhưng y không đến. Ông liền sai lính đến bắt giải y tới công đường, kể tội và ra lệnh phạt 30 trượng rồi tống giam vào ngục. Việc đến tai chúa Trịnh, Tuyên phi vô cùng tức giận, nhưng chúa Trịnh đành phải làm thinh vì biết Vũ Huy Trác là người cương trực, làm đúng bổn phận. Vua Lê cũng hết lời khen ngợi và thưởng cho ông 500 quan tiền.
Tại chùa Lộng Điền (An Lăng tự), Thành hoàng làng - Tiến sĩ Vũ Huy Trác được phối thờ cùng Quốc sư Nguyễn Minh Không. Không chỉ là vị quan thanh liêm, thầy dạy mẫu mực, thầy thuốc thương dân, Tiến sĩ Vũ Huy Trác còn là một văn nhân có tiếng đương thời. Ông có nhiều tác phẩm, nhất là giai đoạn sau khi về quê nhà, nhưng vì không ghi lại thành tập nên phần lớn đã bị thất lạc. Học trò của ông là Tri phủ Nguyễn Văn Tường đã sưu tầm được 50 bài, chép lại và đặt tên là “Giang nam lão phố thi tập”.