Du lịch nông nghiệp - nông thôn Quảng Nam: Bài cuối - Đừng quên bản sắc “làng”!
Khi được hỏi về hướng chuẩn bị cho sự kiện Hội nghị quốc tế du lịch nông thôn sắp diễn ra, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đơn vị đăng cai, đã nhận xét rất đơn giản: “Địa phương có những ngôi làng và văn hóa ở những ngôi làng ấy chính là dư địa để du lịch canh nông rực rỡ”.
Thái độ tự tin của lãnh đạo vùng đất nông nghiệp Quảng Nam, cũng là lời đáp cho những gì e ngại về phát triển du lịch gắn với canh tác nông nghiệp lâu nay. Đối chiếu với 3 chủ đề vận động đầu tư phát triển mạng lưới du lịch nông thôn toàn cầu của Tổ chức Du lịch thế giới, người ta nhận ra mấu chốt nổi bật cho mọi tour tuyến du lịch canh nông, chính là nền tảng những ngôi làng.
Về với làng…
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An nói: “Khi đưa du khách vào vùng trung tâm, chúng tôi nói “vô phố”, còn dẫn họ về làng rau Trà Quế hay làng gốm Thanh Hà, chúng tôi nói “về làng”. Chính từ “về làng” đủ cho thấy, mỗi con người Hội An chúng tôi luôn cảm thấy gắn bó, gần gũi với những ngôi làng quê hương. Làng là để về, như chúng ta về nhà”.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, CEO Khu nghỉ dưỡng Furama (Đà Nẵng) cũng nhận xét: “Khi chúng tôi lên xe đi Tây Giang, người dẫn đường nói với tài xế, đi về làng Tr’Hy và người tài xế cứ thế gật đầu. Khi chúng tôi gặp những người dân giữa đường quê của họ, chúng tôi nhận được những nụ cười và vẫy tay: Mấy o chú về làng à. Nghĩa là chúng tôi đâu có đi xa. Chúng tôi về nhà”.
Ông Hồ Quang Bửu nói rằng, ở đất nước này, du khách luôn được tiếp đón thân thiện, bởi con người Việt Nam, dù có đi bất cứ đâu cũng sẽ không bao giờ quên khái niệm “làng”, nơi nguồn cội và luôn yêu thương những ngôi làng. Cho nên, phát huy giá trị làng, tôn vinh giá trị văn hóa, phong tục, lễ giáo gắn với “cây đa con nước” là điều kiện tất yếu để mọi dự tính đầu tư được thành công.
Làm du lịch canh nông, lại càng cần xác định rõ định hướng đó. Bản sắc “làng” sẽ quy ước mọi thứ cần làm cho một hành trình đến thăm, trải nghiệm và thấu hiểu một vùng đất, một cánh đồng, một cộng đồng ở “một ngôi làng”.
Với cách nhìn này, phát triển du lịch canh nông, chính là biết vận dụng, tổ chức khai thác các giá trị văn hóa, cộng đồng sẵn có trong “những ngôi làng” để hấp dẫn du khách, tạo nguồn thu thương mại cho nông sản địa phương và tôn vinh những giá trị di sản, lịch sử ở vùng đất đến.
“Mỗi ngôi làng luôn có một câu chuyện kể về quá khứ và nhiều kỳ vọng dành cho tương lai, nếu được đúc kết lại, chính là mong ước thực tế của mọi người. Nên Quảng Nam hay bất cứ vùng nông nghiệp nào, cũng có thể trở nên hấp dẫn với du lịch nông thôn, vì có làng, có cội nguồn văn hóa làng, cần giữ gìn và bảo vệ”. Ông Nguyễn Văn Lanh nói.
Đừng quên bản sắc “làng”!
Theo kế hoạch Hội nghị quốc tế Du lịch nông thôn, có 3 vấn đề sẽ được nêu ra. Đó là chính sách quốc gia và địa phương về du lịch phát triển nông thôn; làm sao thu hút sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng địa phương phát triển du lịch; định hướng sản phẩm du lịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các điểm đến ở nông thôn.
Hội nghị cũng đặt rõ các tiêu chí, cũng là những lợi ích mang lại cho người dân các điểm đến. Đó là, thu hút các giá trị, nguồn lực cộng đồng vào hoạt động du lịch; tạo việc làm, bảo đảm phân phối công bằng lợi ích du lịch; xây dựng công cụ phát triển du lịch bền vững, giúp khai thác các tiềm năng, lợi thế từ nông nghiệp nông thôn, trực tiếp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và những giá trị văn hóa sở tại.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh giải thích: “Những gì chúng tôi muốn làm, tại vùng nông nghiệp Trà My, ban đầu là tìm kiếm giải pháp tăng chất lượng cho các sản phẩm du lịch của chúng tôi, nhưng khi gặp người dân, khi được “về làng”, chúng tôi chỉ mong làm sao giúp họ sống tốt hơn, no đủ hơn”. Cảm xúc một doanh nhân trước viễn cảnh cho một vùng nông nghiệp tốt tươi, nếu có thêm sản phẩm du lịch “về làng”, đã quyết liệt như vậy, thì có thể hiểu vì sao những người dân Hội An, Mỹ Sơn… nhiệt thành với cơ hội “khoe làng” cùng du khách.
Như vậy, những gì sẽ bàn, sẽ cân nhắc, cho một kế hoạch phát triển du lịch canh nông trên quê hương Quảng Nam, hay dẫn đường ra Huế, lên Tây Nguyên, vào vùng cát trắng Ninh Thuận, Bình Thuận, chung quy sẽ chỉ là câu chuyện “chúng ta cần nhìn nhận, chăm sóc, phát huy các bản sắc làng như thế nào, để mỗi người dân ở đó đều tự hào, tự nguyện chung sức dựng xây, nhiệt tình đón tiếp”.
Càng đi sâu vào những đúc kết lịch sử quê nhà, người dân càng chỉ ra nhiều điểm hẹn, di chỉ nên biết ở “trong làng” mình. Càng đầu tư canh tác tốt, để thu hoạch nông sản ngon hơn, đẹp hơn, người dân càng tham gia tích cực vào mạng lưới phân phối, thương mại hóa, áp dụng thương mại điện tử thành công hơn.
Khi quyền lợi của người dân được gắn kết những giá trị văn hóa bản địa, sâu sắc cùng “làng mình”, chắc chắn không có trở ngại nào làm họ lưỡng lự, mà không nhập cuộc cùng du lịch canh nông. Cho nên, đầu tư, hoạch định những con đường “về làng” chính là cách thức tốt nhất cho một tương lai du lịch canh nông rộng mở!.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh kết luận: “Chúng tôi chỉ là một hạt nhân đầu tư du lịch ở miền Trung. Hội Khách sạn Đà Nẵng cũng chỉ là một chủ thể triển khai các cuộc vận động phát triển du lịch. Tất cả thật ra đều rất nhỏ bé, khi soi chiếu với những ngôi làng, với tương lai những người dân nơi đó và nhất là với những ước mơ của chúng ta, được “về làng”, được về nhà. Những gì sẽ bàn ở một hội nghị du lịch, hay nhiều hơn nữa, cũng chỉ là làm sao để mọi du khách đến với các ngôi làng, cảm nhận được tình cảm và những giá trị văn hóa ứng xử từ người dân, là chào đón người thân trở về, ăn một chén cơm, uống một tách trả”.