• :
  • :

Về thăm làng nghề thêu tay Quất Động

"Hỡi cô thắt lưng bao xanh / Có về Quất Động với anh thì về / Quất Động làng anh có nghề / Thêu gà thêu vịt, thêu hoa trên cành"...

Câu ca dao xưa như lời mời đưa du khách đến với làng thêu Quất Động, một ngôi làng cổ kính yên bình, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km, nơi được coi là cái nôi của nghệ thuật thêu tay truyền thống Việt Nam.

Ngay đầu làng Quất Động là đền thờ Lê Công Hành, ông tổ nghề thêu ở Thường Tín và cũng là ông tổ nghề thêu của Việt Nam. Theo sử sách ghi lại, Tiến sĩ Lê Công Hành, tên thật là Bùi Công Hành, sống vào cuối đời Trần, đầu đời Lê (khoảng thế kỷ 14) tại làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội).

Ông Lê Công Hành từng đi sứ phương Bắc, học được nghề thêu rồi trở về nước truyền dạy nghề thêu cho dân làng. Để ghi nhớ công ơn của ông, người dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn ông là ông tổ nghề thêu. 

Tác phẩm tranh thêu tay chùa Một Cột.

Đến thăm làng thêu Quất Động, tôi bị mê hoặc bởi không gian rộng lớn của một vùng quê trù phú với nhiều sản phẩm mang đậm màu sắc truyền thống như câu đối, nghi môn, lọng, cờ, trướng… đến những bức tranh thêu phong cảnh dân dã như cây đa, bến nước, con thuyền... Và có một điểm rất dễ nhận thấy trên từng đoạn đường con ngõ mà tôi đang đi, đó là sự xuất hiện của những “nghệ nhân” có tuổi đời còn rất trẻ.

Em Nguyễn Thị Mai, xã Quất Động năm nay 15 tuổi, nhưng đã thông thạo cách thêu cho biết: “Khi còn nhỏ thấy mẹ và chị gái thêu thùa, em đã rất thích. Hơn 10 tuổi, em bắt đầu được mẹ dạy cho những nét thêu đầu tiên, từ đó, ngoài thời gian đi học, những lúc rảnh rỗi, em đều tự mày mò, học hỏi thêm cho quen tay để tiếp nối nghề truyền thống”.

Nghệ nhân thêu Lê Văn Nguyên

Đến thăm một gia đình nghệ nhân, người có thâm niên thêu lâu năm - ông Lê Văn Nguyên, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội, chia sẻ: Để tạo nên một tác phẩm thêu hoàn chỉnh, các nghệ nhân phải tiến hành rất nhiều công đoạn như vẽ mẫu, in kiểu, san bản, sau đó chọn chỉ mầu rồi mới tiến hành thêu.

Về kỹ thuật thêu tay truyền thống thì bao gồm 9 kỹ thuật cơ bản: Nối đầu, lướt vặn, đâm sô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt đơn - sa hạt kép, khoắn vảy đơn - khoắn vảy kép và chăng chặn. Tuy nhiên, như nghệ nhân Lê Văn Nguyên cho biết, công phu nhất là thêu các đường lượn, đường viền, các khối hình, thêu nổi gân lá, đài hoa, mắt phượng… sao cho các đường chỉ đan vào nhau mịn màng, chân chỉ của từng chiếc lá, đài hoa luôn đều đặn. Đường chỉ càng mịn màng, chân chỉ càng lẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị thẩm mỹ bấy nhiêu.

Một góc tranh thêu của nghệ nhân Lê Văn Nguyên

Được biết, hiện nay làng nghề thêu tay Quất Động thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến tham quan và mua tranh. Bên cạnh đó, tranh thêu Quất Động cũng đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…

Về thăm làng nghề thêu tay Quất Động, một vùng quê đã lưu giữ một nét đẹp của làng nghề truyền thống hàng trăm năm, tôi có dịp được ngắm nhìn và cảm phục những sản phẩm thêu đan tinh xảo và đẹp mắt như chùa Một Cột, hoa sen, đôi chim công, phong cảnh đồng quê… của những nghệ nhân nơi đây.

Bài và ảnh: TRẦN HUYỀN 

Lượt xem: 96
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...