• :
  • :

Tích xưa bên dòng Thác Bờ

Toạ lạc giữa khung cảnh non nước tựa chốn tiên cảnh bồng lai, đền thờ Chúa Thác Bờ uy nghi, cổ kính không chỉ là điểm đến tâm linh của du khách mọi miền mà còn là nơi lưu giữ hào khí tích xưa về bà Chúa Thác Bờ, người phụ nữ dân tộc Mường có công lao giúp vua Lê Lợi đánh giặc.

Mùa xuân, dòng sông Đà xanh màu ngọc bích, soi bóng những ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp. Trên mặt hồ, những hòn đảo nhỏ xinh xắn gợi lên sắc màu hoang sơ, hùng vĩ và thơ mộng của khung cảnh nơi đây. Ngồi trên thuyền xuôi theo dòng nước lững lờ giao hoà sắc xuân, chúng tôi cảm nhận bức tranh thiên nhiên ở Thung Nai hùng vĩ, tươi đẹp, hữu tình, có sự hòa quyện với sắc màu tâm linh với những huyền tích thiêng liêng.

Giữa không gian tịch mịch, vắng lặng, nghe văng vẳng từ xa điệu hát chầu văn dặt dìu theo làn nước làm lay động tâm hồn con người. Đó là những thanh âm vang lên từ đền thờ bà Chúa Thác Bờ toạ lạc trên địa phận hai xã Thung Nai (Cao Phong), xã Vầy Nưa (huyện Đà Bắc), tỉnh Hoà Bình.  

Đền Thác Bờ tọa lạc giữa vùng non nước hữu tình

Con thuyền cập bến, từng bậc đá đưa chúng tôi lên chiêm bái đền Thác Bờ toạ lạc ở vị trí trên cao giữa một không gian sơn thuỷ hữu tình. Đền tựa lưng vào ngọn núi đá Sầm Lông cao sừng sững, hùng vĩ, với cây cối xanh tốt, mặt hướng ra hồ Thung Nai mênh mang, xanh thẳm một màu của sắc nước. Xa xa là những hòn đảo nhỏ trên mặt nước, mây trắng chờn vờn quanh những ngọn núi tạo ra một vẻ đẹp độc đáo với sự quyện hòa giữa thiên nhiên và tâm linh, một vẻ đẹp sơn thủy hữu tình.

Văn bia, mái ngói rêu phong hoà vào khói nhang trầm đưa con người trở về tích xưa kể công lao của người con gái dân tộc Mường yêu nước, dũng cảm. Xưa kia, đền chỉ là một ngôi miếu nhỏ được dựng bằng tre nứa ngay dưới chân Thác Bờ. Qua nhiều lần trùng tu, đến năm 2000, ngôi đền được xây dựng khang trang. Đền Thác Bờ có một vị trí tọa lạc vô cùng đắc địa.

Chuyện kể rằng, đền Thác Bờ thờ bà Chúa Thác Bờ, tên thật của bà là Đinh Thị Vân, người dân tộc Mường, là con gái của một tộc trưởng ở vùng đất Hòa Bình. Theo lịch sử ghi chép , khi vua Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược, khi đến vùng Thác Bờ, Thung Nai, bà Đinh Thị Vân đã kêu gọi người dân vùng đất Mường gom góp lương thực để giúp đỡ cho quân của Lê Lợi, dùng tre, gỗ đóng bè, đóng thuyền giúp đoàn quân vượt qua sông Đà, đi dẹp loạn giặc ở đèo Cát Hãn thuộc vùng đất Lai Châu.

 Khi đội quân của Lê Lợi chiến thắng trở về, bà Đinh Thị Vân đã mở hội khao quân, giúp cho đoàn quân vượt sông trở về kinh. Với công lao to lớn, triều đình đã giao cho bà Đinh Thị Vân cai quản vùng đất của người Mường ở Hòa Bình. Bà đã dạy dân Mường trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá, làm nương rẫy, ổn định cuộc sống no đủ. Những lúc thanh nhàn, bà chèo thuyền vãn cảnh sông Đà, núi non xanh thẳm. Khi bà thác, vua Lê Lợi đã cho phép người dân nơi đây lập đền thờ bà. Người dân quanh vùng vẫn gọi ngôi đền là đền thờ bà Chúa Thác Bờ.

Từ lâu, người dân tộc Mường quanh vùng vẫn truyền nhau câu ca: “Ai lên tới Thung Nai, Đà Bắc/Dọc sông Đà, bến Ngọc long lanh/Thăm đền Chúa Thác Hòa Bình/Chợ Bờ, hang Miếng thác ghềnh cheo leo”. Dừng chân ở Thung Nai, du khách sẽ có một hành trình rong ruổi trên thuyền để khám phá vẻ đẹp nơi đây và đây cũng là cách để đến chiêm bái đền Thác Bờ.

Ngôi đền soi bóng cổ kính xuống dòng nước xanh thẳm. Kiến trúc của ngôi đền khá độc đáo, được thiết kế theo kiểu hình chữ đinh, gồm đại bái ba gian và hậu cung. Gồm hai tầng tựa lưng vào núi, mặt theo hướng Tây Bắc. Trên mái đền có lưỡng long chầu nguyệt. Lối đi lên đền được thiết kế thành những đường nhỏ men theo bờ sông với 108 bậc, uốn lượn lên tầng cao nhất của đền. Năm 2009, đền Thác Bờ được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Du khách xuôi thuyền đến chiêm bái đền Thác Bờ

Bước vào không gian ngôi đền, con người như được hòa mình vào không gian tâm linh ấm áp và huyền bí, như được lắng nghe câu chuyện và hào khí của thuở xa xưa, Chúa Thác Bờ kêu gọi dân Mường giúp vua Lê Lợi vượt sông đánh giặc. Tại ngôi đền, tín ngưỡng hầu đồng được thực hành diễn xướng với những thanh âm dìu dặt, đắm say lòng người, càng như tô đậm không khí tâm linh giữa vùng non nước hữu tình.

Từ ngôi đền, nhìn ra xa, những ngọn núi nhấp nhô xanh thẳm, dòng sông Đà thơ mộng đã tạo ra một không gian khoáng đạt, tựa chốn bồng lai. Trong phút chốc, con người như được xua tan đi bao ưu phiền để có được sự thanh nhẹ trong tâm hồn.

Ngôi đền nơi đây mang đến cho chúng tôi thêm một trải nghiệm về lòng yêu nước của nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

NGUYỄN THẾ LƯỢNG

Tags: qdnd
Lượt xem: 421
Tác giả: Mai Phương Thảo
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết