• :
  • :

Tết Việt 2025: Tái hiện nghi lễ “tống cựu nghinh tân” tại Hoàng thành Thăng Long

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động Tết từ ngày 20-1 đến 6-2 gồm nhiều hoạt động đặc sắc nhằm phát huy giá trị các nghi lễ Tết tiêu biểu của cung đình cũng như những phong tục Tết dân gian truyền thống của Thăng Long xưa, Hà Nội nay.

Không gian trưng bày “Tết xưa - Tết thời bao cấp” sẽ đưa du khách ngược dòng thời gian trở về “Tết xưa - Tết thời bao cấp” của thập kỷ 70, 80 để cùng sống lại một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước. Tết thời bao cấp tuy còn thiếu thốn về vật chất nhưng đầy ắp tình người và thiêng liêng.

 Không gian trưng bày Tết xưa tại Hoàng thành Thăng Long. 

“Tết thời bao cấp” được tái hiện qua 3 không gian trưng bày: Gian hàng mậu dịch quốc doanh, gian hàng tranh - hoa - pháo Tết và không gian thờ cúng. Mặc dù không gian trưng bày không lớn nhưng đã làm nổi bật được đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa tâm linh của người dân thủ đô Hà Nội cách đây nửa thế kỷ.

Không gian trưng bày “Nghi lễ Tết cung đình ngày xuân”, được trưng bày thông qua hình thức giới thiệu tư liệu, diễn giải bằng tranh vẽ phỏng dựng và hiện vật mô hình, giúp du khách có thể hình dung ra được phần nào đời sống chính trị, văn hóa, lịch sử quá khứ vàng son hoàng cung xưa kia.

Những món ăn truyền thống được giới thiệu với du khách. 

Vào ngày 23 tháng Chạp, sẽ tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, thể nghiệm những lễ nghi trong dịp Tết Nguyên đán đã từng diễn ra trong cung đình Thăng Long xưa thể hiện mong muốn hưng thịnh cho quốc gia, bình an no ấm cho nhân dân.

Nghi lễ Tiến lịch không chỉ là một nghi lễ thiêng liêng đóng vai trò quan trọng trong đời sống cung đình và dân gian xưa mà “lịch” đã trở thành một vật đặc biệt gắn liền với đời sống của con người trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Lễ dựng Nêu là một trong những hoạt động điểm nhấn của chương trình. Cây nêu ngày Tết là một phong tục truyền thống của người Việt Nam, thường được dựng vào dịp Tết Nguyên đán. Cây nêu được dựng vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, sau lễ tiễn ông Táo về trời, và hạ xuống vào ngày mùng 7 tháng Giêng, kết thúc kỳ nghỉ Tết. Phong tục dựng cây nêu không chỉ phổ biến trong cộng đồng người Kinh và trong dân gian mà còn được duy trì trong kinh thành Thăng long cũng như xuất hiện ở nhiều dân tộc thiểu số khác tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ chương trình còn có các nghi lễ thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời; Lễ đổi gác, Lễ khai xuân…

KHÁNH HUYỀN

Tags: Tết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...