Hướng đi mới cho thư pháp quốc ngữ
Không gian bên trong nhà Thái Học (Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội) đậm chất nghệ thuật với những bức thư pháp được kết hợp cùng ánh sáng. Không chỉ treo trên tường, sắp đặt dưới nền nhà, các tác phẩm thư pháp còn được treo bố trí trên trần, cột nhà... Những hình ảnh trên tại Triển lãm thư pháp quốc ngữ "Nghiên bút còn thơm" gây ấn tượng với công chúng bởi sự độc đáo, phá cách.
Triển lãm giới thiệu gần 700 tác phẩm thư pháp của 15 tác giả đến từ 3 miền Bắc-Trung-Nam. Thay vì treo các tác phẩm thư pháp lên tường như truyền thống, triển lãm lần này được sắp đặt theo từng mô-đun trưng bày đều được soi sáng từ bên trong, mang lại hiệu ứng mới cho công chúng. Từng con chữ, nét bút, vết mực đều được làm nổi bật và soi rõ bằng ánh sáng.
Người xem có thể cảm nhận, tương tác hai chiều rõ ràng hơn, trực quan nhất vẻ đẹp của bút mực trên từng trang giấy. Ngoài kết hợp với ánh sáng, điểm đặc sắc làm nổi bật các tác phẩm thư pháp tại triển lãm là các dải băng giấy với tổng chiều dài 200m được sắp đặt trưng bày dạng lượn sóng vừa mang tính phá cách, vừa làm mềm cho không gian trưng bày, đồng thời mang hàm ý nghệ thuật thư pháp giống như những con sóng uốn lượn, từng đợt sóng sau tiếp đợt sóng trước, từng thế hệ sau nối tiếp thế hệ đi trước trên con đường phát triển nghệ thuật thư pháp Việt.
Công chúng tham quan Triển lãm thư pháp quốc ngữ “Nghiên bút còn thơm” |
Là một trong 15 tác giả tham dự triển lãm, thư pháp gia Bùi Chính Hưng (Câu lạc bộ thư pháp Việt Tâm bút) chia sẻ: "Suốt 4 tháng qua, chúng tôi miệt mài làm việc, học hỏi, sáng tạo, để tạo ra những tác phẩm tốt phục vụ công chúng. Đây là sự kết tinh của tình yêu với chữ Việt, thể hiện qua việc truyền tải những câu thơ, bài hát, áng văn nổi tiếng của các danh nhân trong lịch sử nước nhà. Thông qua triển lãm, chúng tôi mong muốn gửi gắm thông điệp về sự trường tồn của các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nghệ thuật thư pháp quốc ngữ. Mỗi nét chữ ở đây đều mang trong mình một câu chuyện, mỗi tác phẩm là một phần tâm hồn của chúng tôi".
Theo giám tuyển triển lãm Vũ Thanh Tùng, người viết thư pháp phải khai thác được vẻ đẹp riêng trong từng ký tự rồi ghép lại thành một tác phẩm với những nhịp điệu như một bản giao hưởng. Ở Triển lãm thư pháp quốc ngữ “Nghiên bút còn thơm”, ngoài khai thác tính nhịp điệu đơn thuần của từng con chữ, các thư pháp gia còn làm cho chúng trở nên lung linh hơn nhờ hiệu ứng ánh sáng và màu sắc. Nhờ đó, các con chữ không đơn thuần đi theo hàng lối nữa mà đã trở thành những bức thư họa phá cách, mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết, Triển lãm thư pháp quốc ngữ "Nghiên bút còn thơm" định hướng sáng tác, tư duy nghệ thuật mới. Đó là phong cách tân cổ điển-bán hiện đại, kết hợp giữa kiểu truyền thống và phong cách sáng tác hiện đại, cùng với cách thức tổ chức, trưng bày hiện đại, được định hình để làm tiền đề và chuẩn mực cho những triển lãm tiếp theo về thư pháp.
"Chúng tôi mong muốn triển lãm này sẽ tạo ra nguồn cảm hứng cho những nghệ sĩ sáng tạo và định hình hướng đi mới cho thư pháp quốc ngữ. Không dừng lại ở việc viết chữ nữa, những tác phẩm thư pháp quốc ngữ phải là tác phẩm nghệ thuật phản ánh sự sáng tạo của những người hoạt động thư pháp nhằm đề cao giá trị thẩm mỹ và giá trị văn hóa của chữ Việt”, TS Lê Xuân Kiêu bày tỏ.
Bài và ảnh: LINH TÂM