• :
  • :

Tái thiết di sản kiến trúc - cảnh quan đáp ứng phát triển bền vững

Một trong những xu hướng phổ biến của lĩnh vực kiến trúc hiện nay là tái thiết di sản kiến trúc-cảnh quan, chuyển đổi công năng, trở thành những công trình văn hóa-nghệ thuật công cộng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, đồng thời tạo sản phẩm mới của công nghiệp văn hóa, gia tăng hiệu quả kinh tế. Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu, kiến trúc sư (KTS) Vũ Hiệp.

Lưu giữ ký ức cộng đồng

Phóng viên (PV): Trên thế giới có nhiều hình mẫu thành công về chuyển đổi những nhà máy bỏ hoang, tòa nhà cũ trở thành bảo tàng, nhà hát, địa điểm vui chơi... Vì sao xu hướng này lại xuất hiện và ngày càng phổ biến, thưa ông?

KTS Vũ Hiệp: Xu hướng này xuất phát từ thực tiễn, tái thiết kiến trúc cảnh quan với mục đích phát triển bền vững, thân thiện môi trường, khả thi về kinh tế và có giá trị văn hóa xã hội cao.

Các công trình kiến trúc có giá trị tiêu biểu và cảnh quan nổi bật thường sẽ được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh, đồng nghĩa được luật pháp bảo vệ. Ngoài giá trị vốn có, một khi công trình được công nhận, vinh danh sẽ có thêm giá trị được bổ sung, trở thành nơi giáo dục truyền thống, văn hóa-lịch sử, địa điểm du lịch. Như vậy, rõ ràng, chúng không cần tái thiết, điều quan trọng là giữ gìn và phát huy; khi xuống cấp, hư hại thì cần tu bổ, tôn tạo đúng nguyên bản.

Kiến trúc sư Vũ Hiệp. 

Tuy nhiên, cũng có những công trình kiến trúc, không gian cảnh quan không tiêu biểu, không được công nhận xếp hạng nhưng gắn bó lâu đời với người dân nên có giá trị trong ký ức cộng đồng. Chẳng hạn, các công trình kiến trúc ra đời trước đổi mới tại Hà Nội gắn với nền kinh tế kế hoạch hóa. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng các công trình kiến trúc giai đoạn 1954-1986 tại Hà Nội phản ánh một thời đại mới của đất nước, với những nguyên tắc định hình hiện đại, tiến bộ, có giá trị lịch sử, khoa học, xã hội và kinh tế. Cho nên, giới nghiên cứu chúng tôi vẫn dùng khái niệm “di sản” để dùng chung cho công trình kiến trúc-cảnh quan có giá trị với cộng đồng như ví dụ kể trên; chứ không phải bó hẹp liên quan đến di tích hay danh lam thắng cảnh được xếp hạng.

Do quỹ đất ngày càng hạn hẹp, nhất là ở khu vực đô thị, nên ưu tiên vẫn là xóa đi hoàn toàn những công trình kiến trúc cũ, cải tạo không gian để phục vụ nhu cầu nhà ở, sản xuất, kinh doanh, giáo dục, vui chơi, giải trí... Từ thực tiễn, chủ đầu tư, KTS và các chuyên gia nhận ra có những công trình nếu tái thiết theo hướng thay đổi công năng sử dụng, không những tránh tốn kém kinh tế so với xây mới hoàn toàn mà còn giúp lưu giữ ký ức cộng đồng, gia tăng tính độc đáo về thẩm mỹ.

Trong kiến trúc đương đại, người ta rất chú trọng yếu tố liên quan đến tinh thần nơi chốn, ký ức cộng đồng. Nhà máy, kho tàng cũ không còn công năng sử dụng, người ta có thể chuyển đổi, tái phát triển thành các không gian văn hóa, không gian sáng tạo.

Ví như Bảo tàng Tate Modern được cải tạo từ nhà máy điện Bankside (London, Anh). Trong nhiều năm sau khi đóng cửa, nhà máy điện Bankside có nguy cơ bị các nhà phát triển bất động sản phá hủy. Nhiều người đã vận động để bảo tồn tòa nhà và đưa ra các đề xuất về những công năng mới có thể có. Tháng 4-1994, Bảo tàng Tate thông báo rằng Bankside sẽ là nơi đặt Tate Modern mới. Tháng 7 cùng năm, một cuộc thi quốc tế được phát động để chọn một KTS cho phòng trưng bày mới. Hãng kiến trúc Herzog & de Meuron đã được công bố là những KTS chiến thắng vào tháng 1-1995. Việc chuyển đổi trị giá 134 triệu bảng Anh thành Tate Modern bắt đầu vào tháng 6-1995 và hoàn thành vào tháng 1-2000. Tate Modern đã đón 5,25 triệu lượt khách tham quan trong năm đầu tiên.

Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên tại sân khấu ngoài trời ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, nằm trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Ảnh: QUỲNH PHẠM 

PV: Xu hướng tái thiết di sản kiến trúc-cảnh quan ở Việt Nam hiện nay ra sao, thưa ông?

KTS Vũ Hiệp: Ở Việt Nam đang bước đầu manh nha xuất hiện một số hoạt động tái thiết di sản kiến trúc-cảnh quan. Có thể kể đến các dự án Trung tâm văn hóa 22 Hàng Buồm, “Chuyện đình trong phố” ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), dự án nghệ thuật ở tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm nằm trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, đường sách TP Hồ Chí Minh, phố đi bộ Tiên Yên (Quảng Ninh)... Tuy nhiên, nhìn chung, các công trình cũ, không gian cảnh quan được tái thiết để phục vụ lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật chưa được coi trọng. Điều này dẫn đến việc cư dân địa phương thiếu không gian sinh hoạt, giải trí, nhưng quan trọng nhất là ký ức cộng đồng bị xóa nhòa không còn dấu vết trao truyền cho mai sau.

Ký ức là vô hình nhưng khi biết tái tạo, tận dụng nó để những điều hữu hình sẽ trở thành nguồn lợi to lớn cho sự phát triển. Có thể lấy ví dụ về dòng gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Sự thật thì dòng gốm này đã thất truyền từ hàng trăm năm trước nhưng nhờ nghiên cứu, khảo cổ; sau đó đầu tư sản xuất trở lại, gốm Chu Đậu hiện nay đã trở thành thương hiệu gốm nổi tiếng của Việt Nam; nơi sản xuất cũng trở thành địa điểm du lịch.

Tháo gỡ những điểm nghẽn

PV: Ông có thể phân tích cụ thể về những khó khăn trong việc tái thiết di sản kiến trúc-cảnh quan?

KTS Vũ Hiệp: Đầu tiên là mục đích và tính khả thi của dự án. Nếu không đặt mục đích, đi cùng với đó là trách nhiệm cũng như quyết tâm thực hiện, việc tái thiết sẽ khó có thể đến nơi đến chốn. Một điểm dễ nhận thấy, hầu hết dự án tái kiến trúc-cảnh quan trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều chủ yếu ở khu vực đô thị. Bởi lẽ, ngoại trừ tái thiết để phục vụ cộng đồng phi lợi nhuận, bất cứ dự án tái thiết nào cũng cần tính đến người sử dụng. Dù vốn đầu tư để tái thiết là Nhà nước hay tư nhân cũng phải tính toán lợi ích kinh tế. Cải tạo nhà máy thành khu vui chơi ở nơi cư dân thưa thớt, mức độ tiêu dùng, nhu cầu thụ hưởng không cao, không có các địa điểm, sản phẩm du lịch kết nối thì cầm chắc thất bại về mặt doanh thu.

Tiếp theo là huy động nguồn vốn để tái thiết. Nếu dùng ngân sách nhà nước thì sẽ mất nhiều thời gian liên quan đến thủ tục hành chính, rồi vấn đề duy tu bảo dưỡng, vận hành. Nguồn vốn tư nhân, cùng với năng lực quản trị hiện đại, linh hoạt sẽ dễ biến các dự án sớm thành hiện thực. Tuy nhiên, tái thiết các di sản kiến trúc-cảnh quan thành các công trình văn hóa-nghệ thuật thường có mức độ rủi ro về kinh doanh nhất định. Nếu không có ưu đãi, khối tư nhân sẽ không mấy mặn mà để xắn tay thực hiện.

Cuối cùng có lẽ chính là bản thân việc các KTS, nghệ sĩ sẽ tái thiết như thế nào? Mỗi dự án sẽ có những phương án tái thiết khác nhau, đòi hỏi quá trình nghiên cứu, sáng tạo công phu để hoàn thành nhiều mục tiêu: Giữ lại không gian, biểu tượng lưu giữ ký ức, tạo ra công năng mới phục vụ cộng đồng, tính thẩm mỹ cao thu hút công chúng...

PV: Theo ông đâu là giải pháp tháo gỡ những khó khăn để thực hiện dự án tái thiết di sản kiến trúc-cảnh quan ở nước ta?

KTS Vũ Hiệp: Trước hết, theo tôi, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức để thay đổi nhận thức về di sản kiến trúc-cảnh quan từ người dân, doanh nghiệp, cho đến cơ quan quản lý. Đã là di sản gắn với ký ức, xóa đi thì dễ nhưng xây dựng lại thì rất khó. Chẳng hạn, Hà Nội đã có Cung thiếu nhi mới ở quận Cầu Giấy nhưng Cung thiếu nhi cũ ở quận Hoàn Kiếm-một công trình kiến trúc rất độc đáo, gắn bó với bao thế hệ người Hà Nội có thể bị đập bỏ. Giới KTS đã lên tiếng là cần giữ lại, nghiên cứu tái thiết, chuyển đổi công năng.

Tiếp theo là cần nghiên cứu, ban hành những quy định pháp luật cụ thể liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến các dự án tái thiết kiến trúc-cảnh quan, như: Ưu đãi, thu hút nguồn lực đầu tư, tài trợ của tư nhân, hợp tác công-tư...

Điều quan trọng khi triển khai dự án tái thiết là phải bảo đảm lợi ích hài hòa các bên liên quan. Ví dụ, tái thiết một nhà máy cũ trở thành một công viên văn hóa-nghệ thuật, các bên liên quan sẽ gồm: Sở hữu đất đai được giao quyền cho doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ, ngành; ý định chuyển đổi thuộc về chính quyền địa phương; nhà đầu tư tái thiết lại là một doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù ai cũng thấy dự án có lợi cho người dân nhưng lợi ích vô cùng phức tạp và chồng chéo, không dễ giải quyết.

PV: Ở Việt Nam hiện nay, có rất nhiều di sản kiến trúc-cảnh quan, ông dự báo xu hướng tái thiết trong thời gian tới sẽ như thế nào?

KTS Vũ Hiệp: Tôi cho rằng trước mắt chúng ta chưa thể có những dự án tái thiết lớn như ở các nước phát triển đã và đang thực hiện. Bởi lẽ một khi các bên liên quan chưa có quyết tâm, chưa có hướng giải quyết bảo đảm lợi ích hài hòa; cũng như chưa có những thể chế, chính sách để kiến tạo thì dự án có thể chỉ nằm trên giấy, trong các công trình nghiên cứu mà thôi.

Riêng vấn đề năng lực thực hiện tái thiết thì tôi cho rằng đội ngũ KTS, nghệ sĩ ở nước ta có đủ sức đảm nhận, mặc dù đối với các dự án tái thiết lớn nên có thi tuyển quốc tế. Hiện nay, “đất diễn” của họ chỉ là những dự án nhỏ lẻ, nguồn lực vô cùng hạn chế. Song, từ những dự án tái thiết khiêm tốn đã thực hiện giúp chúng ta thu về được nhiều bài học quý giá. Không chỉ là cần tư duy sáng tạo mà là cách thức tổ chức thực hiện. Rõ ràng, nếu không đề ra phương án tái thiết bài bản, khoa học thì việc tái thiết sẽ có thể dẫn đến nguy cơ làm ẩu, làm vụng, bắt chước thiếu sáng tạo, hiệu quả sẽ không đạt được như kỳ vọng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)

Tags: di sản