• :
  • :

Hội gậy truyền thống làng Mui

Làng Mui là tên Nôm của thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Hằng năm vào dịp đầu xuân, địa phương tưng bừng tổ chức hội gậy truyền thống thu hút nhiều tay gậy tham gia. Lễ hội được truyền qua nhiều thế hệ, trở thành di sản tinh thần độc đáo của người dân làng Mui.

Theo lời kể lại của các bậc cao niên trong làng, trò đánh gậy được hình thành từ yêu cầu của cuộc sống. Trước đây, làng gần trục đường thiên lý Bắc-Nam thường hay có kẻ cướp đến quấy nhiễu. Để bảo vệ người dân, làng đã lập ra hội gậy gồm các tráng đinh khỏe mạnh thay phiên nhau canh gác, đi tuần. Các thành viên trong hội được huấn luyện cách thức sử dụng gậy để phòng vệ và trấn áp kẻ xấu. Người nọ truyền dạy người kia, dần hình thành nên các thế đánh, đỡ. Sau này, đánh gậy được các cụ đưa vào lễ hội của làng, trở thành một trò thi đấu. Đây là dịp để các tay gậy tranh tài phân định thắng thua nhằm khích lệ tinh thần thượng võ, ý chí rèn luyện bản thân.

Trận giao đấu trong hội gậy truyền thống làng Mui

Trò đánh gậy có 20 điều phép tắc, trong đó có 16 miếng đánh cơ bản như: Đấu ngọn, đấu gốc, thuận nghịch, cài đao, thượng hạ bổ tròn, tam đả liêm ô... Gậy được dùng là loại tre đực dài 2,7m, vót nhẵn, cầm vừa tay. Người đánh phải linh hoạt trong cách sử dụng tùy vào từng miếng đánh gốc, đánh ngọn hay thuận nghịch để ra đòn gậy.

Là đấu thủ được cụ trùm Thơ Củ truyền dạy, ông Phạm Ngọc Thuần (59 tuổi) cho hay: “Để có thể thi đấu được, người đánh phải trải qua quá trình khổ luyện lâu dài. Trước tiên, đấu thủ phải tập cách vào ra, múa gậy, sau rồi mới học các miếng đánh; phải biết nghe tiếng trống để điều chỉnh nhịp bước nếu trống thưa đi dải, trống thúc đi mau. Bên cạnh đó, đấu thủ cũng phải rèn sức khỏe, luyện tính kiên trì, tránh nôn nóng”. Theo chỉ dẫn của ông Năng, khi trận giao đấu bắt đầu, đấu thủ sẽ “Thoạt vào chấp thượng bái quan/ Rồi ra dẹp đám múa mang ba vòng”. Sau đó, hai bên giao đánh bằng các miếng. Mỗi trận diễn ra dài ngắn tùy vào tài năng của các đấu thủ. Sau nhiều hiệp đấu, khi nghe trống ra tang, cả hai vào trận quyết định. Người thua là để gậy đối phương đánh vào người hoặc để rơi gậy. Còn người thắng thì “Khi nghe trống đã phân minh/ Bên được các miếng tung hoành múa mang”. Lúc đó, đấu thủ chiến thắng được múa biểu diễn để người xem tung hô tán thưởng. Trò đánh gậy cũng có những quy định rất khắt khe. Những người tham gia phải đăng ký trước, bảo đảm sức khỏe, không được uống rượu, bia say. Khi vào trận quyết định, một số miếng đánh hiểm như bổ thượng, cài đao, quét chợ, róc mía không được sử dụng để bảo đảm an toàn, tránh thương tích. 

Vào dịp đầu xuân, hội gậy không chỉ thi đấu trong làng mà còn tham gia trình diễn ở các lễ hội trên địa bàn huyện Thường Tín như hội chùa Đậu, chùa Từ Vân, đền Đông Bộ Đầu... Hiện tại, trong thôn có khoảng hơn 20 người biết chơi đánh gậy. Ông Phạm Vũ Mây, Bí thư chi bộ, Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Mui cho biết: “Để duy trì và nhân thêm số lượng đấu thủ, địa phương đã phối hợp với các trường học trong xã Tô Hiệu động viên học sinh, con em trong các gia đình tham gia tập luyện đánh gậy, tổ chức tuyên truyền, in tài liệu gửi cho nhiều người. Một số đấu thủ có thâm niên cao được mời ra truyền dạy cho lớp trẻ. Nhờ vậy, nhiều người hăng hái tham gia vào đội đánh gậy, có gia đình cả cha con, ông cháu cùng thi đấu, tạo khí thế phấn khởi trong nhân dân”.

Mỗi dịp xuân về, các trận giao đấu đều nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Trong thi đấu, việc thắng thua chỉ mang tính tượng trưng, đằng sau đó là niềm vui, tiếng cười rạng rỡ trên khuôn mặt người già, con trẻ, du khách thập phương về dự hội.

 Bài và ảnh: THƯ NGỌC

Tags: Hội gậy
Lượt xem: 25
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết