Những tuyến tàu điện ngầm kỳ lạ trên thế giới
Sân ga tàu điện ngầm ở Romania rộng chưa đầy một mét; tàu điện ngầm ở Vienna không có cửa quay; tàu điện ngầm ở Đan Mạch không có tài xế vì lý do kinh tế.
Người dân Bucharest cần phải giảm cân
Sân ga của nhà ga Pia a Roman (Chợ Romania) rộng chưa đầy một mét. Do đó, một số hành khách phải chờ tàu ở các đường dẫn vào ga.
Người ta đồn rằng, cố đệ nhất phu nhân Romania Elena Ceausescu dường như đã gạch tên nhà ga này khỏi dự án ban đầu, khi quá trình xây dựng đang được tiến hành. Và lý do hết sức lãng xẹt: Người dân bắt đầu béo lên, nên họ cần phải đi bộ nhiều hơn thay vì đi tàu điện ngầm.
Những chuyến tàu đi qua nhà ga đang xây dang dở không dừng lại. Cuối cùng, vào năm 1988, người ta vẫn quyết định mở nhà ga này, nhưng chỉ còn đủ không gian cho các sân ga chật hẹp.
Tin tưởng nhau nhưng phạt thì rất nặng
Trong tàu điện ngầm ở Vienna không có cửa quay. Khi vào các toa tàu, hành khách dập vé (bằng máy đục lỗ) hoặc quẹt thẻ.
Người ta không lắp đặt các rào chắn vì cho rằng làm như vậy là tốn kém, lãng phí điện, đôi khi còn hỏng hóc và còn cản trở hành khách trong giờ cao điểm. Người ta đã thuê rất nhiều kiểm soát viên, và tiền phạt là 105 Euro, đắt gấp đôi vé tháng.
Nhường chỗ cho ôtô
Vì lý do kinh tế, ở nhiều thành phố người ta đã loại bỏ tàu điện, xe điện, thậm chí xe buýt cũng phải nhường chỗ cho xe buýt tuyến cỡ nhỏ. Nhưng chưa từng thấy nói tới chuyện ở đâu đó tàu điện ngầm bị loại bỏ! Câu chuyện này chỉ có ở thành phố Rochester bang New York - Mỹ.
Tàu điện ngầm hoạt động ở đây từ năm 1927 đến năm 1956. Nhưng tàu điện ngầm đã không cứu được nạn tắc đường vì người Mỹ chỉ thích đi ôtô cá nhân. Do đó, một số cầu cạn (đoạn đi trên mặt đất) của tàu điện ngầm đã được biến thành đường cao tốc, còn các đường hầm thì đã bị phá hủy.
Tàu không người lái
Ở Dubai hiện đang có những đoàn tàu này, nhưng câu chuyện ở Copenhagen, Đan Mạch, còn thú vị hơn nhiều. Điều quan trọng đối với người Dubai là mọi thứ phải nổi bật. Còn đối với Đan Mạch thì người ta không dùng tài xế vì lý do kinh tế.
Ở đất nước này có mức lương cao và chi phí của người sử dụng lao động cho an sinh xã hội của nhân viên cũng lớn. Nói chung, đối với họ thì tài xế tàu điện ngầm là thứ xa xỉ chứ không phải phương tiện đi lại. Do đó, họ giao phó mọi thứ cho tự động hóa. Ngoài ra, ở toa đầu và toa cuối còn có bảng điều khiển tàu dưới dạng đồ chơi để bọn trẻ có thể giải trí, thử nghiệm.
"Cẩn thận, kẻo họ đạp cho đấy!"
Ga Shinjuku ở Tokyo là nhà ga nhộn nhịp nhất thế giới. Mỗi ngày có 2-4 triệu hành khách đi qua ga này. Có nhiều khi, tại một số ga của tàu điện ngầm Tokyo, còn có những nhân viên đặc biệt chuyên làm nhiệm vụ nhồi nhét hành khách vào toa. Bởi vì, tàu điện ngầm đã phải chở tới hơn 200% công suất.
Vé tàu đổi lấy vỏ chai
Có những máy bán vé trên tàu điện ngầm Bắc Kinh phát tích kê (đồng xu thay cho vé) để đổi lấy chai nhựa. Để có được một đồng xu tích kê, hành khách phải nộp 30 vỏ chai nhựa các loại.
Không có thang cuốn, thậm chí không có cả cầu thang đi bộ
Một số nhà ga mới (đặc biệt là những nhà ga nằm sâu dưới lòng đất) ở Barcelona (Tây Ban Nha) chỉ được thiết kế hệ thống thang máy.
Có rất nhiều thang máy và chúng rộng rãi, thoải mái cho tất cả mọi người, và khác với thang cuốn là chúng không làm việc khi không có người đi. Tuy nhiên, các đoàn tàu điện ngầm ở Barcelona nhỏ hơn so với ở Mátxcơva và có ít hành khách hơn.
Tàu điện ngầm ở Berlin có hại cho môi trường
Ở thủ đô của Đức đã xảy ra tranh cãi trong nhiều năm và người ta đang tiến hành các nghiên cứu khoa học xem liệu có nên tiếp tục xây dựng tàu điện ngầm hay không.
Theo các kết quả thu được của việc nghiên cứu thì tàu điện ngầm có hại cho môi trường. Các nghiên cứu chỉ ra rằng: 1km đường tàu điện ngầm sản sinh ra 100 nghìn tấn carbon dioxide còn tàu điện (trên mặt đất) là 12,2 nghìn tấn, trong đó bao gồm cả khí thải từ công việc xây dựng.
Để vinh danh Nữ hoàng
Hệ thống tàu điện ngầm lâu đời nhất trên thế giới là ở London, được khai trương vào năm 1863. Một số nhánh của hệ thống được đặt theo tên của hoàng gia. Tuyến "Victoria" là để vinh danh Nữ hoàng Victoria (1819 - 1901), tuyến "Jubilee" là để vinh danh 25 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II, được khai trương vào năm 1977.
Để vinh danh nữ hoàng quá cố, một tuyến khác cũng được đặt tên "Elizabeth". Tuyến này được xây dựng từ năm 2009 nhưng mãi đến năm 2022 mới hoàn thành do các nhà thầu liên tục thiếu kinh phí.
Những hang động ở Stockholm
Thủ đô Stockholm của Thụy Điển đã thực hiện tiết kiệm một cách hiệu quả khi hoàn thiện công trình tàu điện ngầm. Hầm, vòm của một số nhà ga được lát bằng những tảng đá thật. Nó trông giống như một cái hang, có những bức tường ẩm ướt, rêu phủ. Và chúng cũng được sơn bằng màu sắc tươi sáng để biến sự tiết kiệm thành một công trình nghệ thuật.
Trên thực tế, những người xây dựng tàu điện ngầm đã trổ tài khéo léo: các đường hầm không phải là tự nhiên mà đằng sau chúng có cả cấu trúc chống thấm và gia cố nền đất.