Ai cũng biết Ả Rập Saudi nổi tiếng vì dầu mỏ, nhưng đây là những cảnh khai thác mà ít người được tận mắt thấy
Hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt - "xương sống" của nền kinh tế Ả Rập Saudi - hiện lên rõ nét qua bộ ảnh của phóng viên Bloomberg.
Ả Rập Saudi là nơi có nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, mỗi ngày đều khai thác nhiên liệu từ mỏ dầu lớn nhất hành tinh và cũng là quốc gia nắm giữ chìa khóa "kho dự trữ vàng đen" dồi dào nhất toàn cầu. Công ty dầu mỏ Aramco là một trong những đầu tàu trong lĩnh vực này tại Ả Rập Saudi.
Hoạt động khai thác dầu mỏ tại khu vực thường không được quảng bá rộng rãi. Dưới dây là một số hình ảnh hiếm về hoạt động khai thác, vận chuyển dầu thô, khí tự nhiên và các chất lỏng dầu khác từ cồn cát miền núi của vùng Empty Quarter đến vùng biển của Vịnh Ả Rập.
Ảnh được thực hiện bởi phóng viên Simon Dawson của Bloomberg.
Ánh sáng của lửa
Dự án dầu khí Shaybah của Saudi Aramco là một kỳ tích kỹ thuật giúp giảm bớt những khó khăn khi vận hành ở những sa mạc xa xôi và dường như không thể vượt qua. Aramco đã xây dựng những con đường nhựa và một đường băng trên sa mạc được gọi là Empty Quarter để mang thiết bị cần thiết cho việc xây dựng trạm khai thác. Hành trình băng qua những đụn cát cao chót vót, trước đây vốn chỉ có đoàn lữ hành lạc đà đi qua. Tại đây, ngọn lửa được liên tục đốt cháy để duy trì áp suất thích hợp tại mỏ khai thác.
Tiền đồn trên sa mạc
Mỏ dầu Shaybah của Ả Rập Saudi là bước phát triển quan trọng giúp Aramco có khả năng duy trì năng lực sản xuất khoảng 12 triệu thùng dầu/ngày. Các cơ sở như nhà máy Natural Gas Liquids tách và xử lý hydrocacbon thô để chuẩn bị cho việc vận chuyển và sử dụng.
Hơn cả một giấc mơ hão huyền
Cơ sở hạ tầng năng lượng đi qua Tỉnh miền Đông của Ả Rập Saudi, vận chuyển dầu thô và khí đốt từ mỏ dầu lớn nhất thế giới - được gọi là Ghawar - đến các cảng xuất khẩu, nhà máy lọc dầu và nhà máy hóa chất tại Ras Tanura và Jubail trên bờ biển vùng Vịnh.
Đảo nhân tạo
Liên tục khai thác các nguồn năng lượng mới là điều cần thiết để tìm ra loại dầu sẽ thay thế số dầu mà con người đã tiêu thụ. Để phát triển mỏ Manifa ngoài khơi ở Vịnh Ba Tư, Aramco đã xây dựng một "quần đảo" gồm những con đường kết nối các đảo khoan nhân tạo.
Sẵn sàng vận chuyển
Ras Tanura là nơi đặt nhà máy lọc dầu nội địa lớn nhất của Aramco, nhà máy chế biến 550.000 thùng/ngày và là cảng chính cho các lô hàng dầu thô và sản phẩm tinh chế. Tại đây, các bể chứa tại nhà máy lọc dầu chứa các sản phẩm dầu đã sẵn sàng để vận chuyển.
Điều khiển giao thông
Saudi Aramco vận chuyển phần lớn dầu thô của công ty đến châu Á. Một số tàu chở dầu thô lớn nhất thế giới chất hàng tại Ras Tanura cho hành trình ra khỏi vùng Vịnh, qua eo biển Hormuz và tới Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, bên cạnh các nước nhập khẩu khác.
Kho chứa dầu khổng lồ
Các tàu chở dầu ghé Ras Tanura chất hàng bằng cách neo dọc theo cầu cảng hoặc bằng cách kết nối với các đường ống tại các phao từ xa ngoài khơi, được gọi là hệ thống neo một điểm (SPM). Kho chứa dầu Juaymah cung cấp các SPM cho phép các tàu chở dầu thô lớn nhất chất hàng ở nơi nước sâu hơn, giúp các tàu lớn có nhiều khoảng trống hơn.
Tầm ảnh hưởng lớn
Nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ, phạm vi tiếp thị, tinh chế và phân phối của Ả Rập Saudi giúp nước này tiếp cận và ảnh hưởng các nước từ Mỹ đến Trung Quốc. Mỏ dầu Manifa ngoài khơi là một trong những dự án phát triển gần đây của Aramco nhằm mang lại nguồn cung dầu mới cho thị trường.
Lực lượng lao động toàn cầu
Aramco sử dụng khoảng 70.000 nhân viên từ kỹ sư đến thợ khoan, y tá đến phi công. Công ty này, khởi đầu là nhượng quyền từ các công ty dầu mỏ của Mỹ, đã thuộc sở hữu hoàn toàn của Ả Rập Saudi từ năm 1980. Cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Ali Al-Naimi đã từng bắt đầu sự nghiệp với vai trò là nhân viên văn phòng tại công ty này.
Khoan dầu mỏ
Các công ty dầu mỏ của Mỹ đã giành được quyền khai thác dầu mỏ đầu tiên của Ả Rập Saudi vào năm 1933 và đạt được số lượng dầu thương mại tại Giếng Dammam số 7 vào năm 1938.
Aramco đang nghiên cứu những bước phát triển mới tại mỏ Dammam nằm ngay dưới trụ sở chính của công ty. Kể từ giếng đầu tiên đó — hiện đã đóng cửa và được tưởng niệm ngay giữa khuôn viên công ty — Aramco đã di chuyển vào sa mạc và ngoài khơi bờ biển để tìm các mỏ dầu và khí đốt mới.
Nhập khẩu và xuất khẩu
Hơn 2/3 lượng dầu thô của Aramco được xuất khẩu và phần còn lại dùng để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng để vận hành các nhà máy điện và cung cấp hóa chất cho các cơ sở sản xuất. Aramco đang bắt tay vào kế hoạch trở thành "gã khổng lồ" về lọc dầu và hóa chất. Công ty đang nghiên cứu công nghệ biến dầu thô trực tiếp thành hóa chất.
Không chỉ Ả Rập Saudi
Là một trong những nhà cung cấp chính của Trung Quốc, Aramco đã ký các hợp đồng mới cung cấp khoảng 1,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày cho nước này vào năm 2019. Các thỏa thuận này sẽ cho phép hãng giành lại vị trí hàng đầu từ các đối thủ cạnh tranh như Nga.
Để đảm bảo nhu cầu về dầu thô của mình trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn từ các nhà cung cấp khác, Aramco đang xây dựng các nhà máy lọc dầu liên doanh ở nước ngoài, từ Mỹ đến Ấn Độ và trên khắp Trung Quốc và Nhật Bản. Tàu chở dầu Xin Run Yang thuộc sở hữu của Trung Quốc đã chất hàng tại Ras Tanura vào đầu tháng 10/2018 và chở nó đến một nhà máy xử lý dầu ở Hàn Quốc, quốc gia nơi Aramco có một liên doanh lọc dầu khác của riêng mình.
"Hoàng hôn với ngành dầu mỏ"
Trong khi nhiều nhà quan sát và phân tích năng lượng đoán rằng "mặt trời đang lặn trên ngành dầu mỏ" trong một tương lai không xa khi người tiêu dùng lựa chọn các giải pháp thay thế và tìm cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu, thì Saudi Aramco lại coi dầu mỏ và khí đốt tiếp tục là nguồn năng lượng chính trong nhiều thập kỷ.
Dù vậy, điều đó không ngăn công ty này khám phá các nguồn năng lượng thay thế dầu thô. Aramco đang điều hành một nhà máy năng lượng mặt trời nhỏ tại trụ sở chính và hai tua-bin gió ở cực bắc của đất nước. Ả Rập Saudi cũng đang phát triển năng lượng mặt trời và tìm cách bắt đầu chương trình năng lượng hạt nhân.
Tất Đạt