• :
  • :

Bác sĩ thời công nghệ số

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số đang tác động tới phương thức tác nghiệp ở nhiều ngành nghề. Với ngành y tế, sau hai năm chống dịch Covid-19, với sự hỗ trợ đắc lực của internet, các bác sĩ thời nay đã dần trở thành "bác sĩ số", khám, chữa bệnh có thể không phải dùng đến 4 thủ pháp: Nhìn, sờ, gõ, nghe... kinh điển nữa mà thông qua công nghệ mới để khám bệnh trực tuyến.

Hình thành thế hệ bác sĩ 4.0

Trước đây, khi bác sĩ muốn khám cho bệnh nhân, người bệnh phải đến cơ sở y tế (CSYT) để bác sĩ khám trực tiếp. Giờ đây, với chuyển đổi số, bác sĩ có thể khám, chẩn đoán cho bệnh nhân từ xa. Trong nhiều trường hợp, nếu không dựa vào công nghệ số và việc chẩn đoán từ xa, chắc chắn người bệnh sẽ không thể được cứu khỏi. Thiếu tướng, PGS, TS Phạm Nguyên Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: "Bệnh viện đã áp dụng hội chẩn trực tuyến thông qua hệ thống Telemedicine để chỉ đạo, hỗ trợ chẩn đoán, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân các tuyến bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo.

Thông qua Telemedicine, các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã nhiều lần hỗ trợ kịp thời, hội chẩn và phẫu thuật nhiều trường hợp cán bộ, chiến sĩ và ngư dân bị bệnh hay gặp tai nạn để không ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe... Trong đó, có nhiều ca cấp cứu đặc thù của nghề biển như: Bệnh lý giảm áp do lặn sâu, tai nạn lao động trong quá trình đánh cá cũng như các bệnh lý nguy hiểm thường gặp như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thủng tạng rỗng, viêm ruột thừa. Những ca bệnh này vốn rất nguy hiểm, có thể để lại những biến chứng nặng hoặc tử vong nếu không được cấp cứu, xử lý kịp thời... Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã tạo ra thách thức và ngành y tế phải chuyển mình thay đổi theo hướng số hóa. Telemedicine trở thành giải pháp hữu hiệu. Chính phủ, Bộ Y tế đã có rất nhiều chỉ đạo và ban hành chính sách về việc đẩy mạnh Telemedicine".

Phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư bằng hệ thống Robot Davinci thế hệ Xi hiện đại nhất hiện nay tại Bệnh viện K. Ảnh: HÀ TRẦN 

Công nghệ 4.0 có ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển theo hướng hiện đại, tiệm cận với trình độ quốc tế, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), khẳng định đây thực sự là “cuộc thay máu” lớn trong ngành y. Công nghệ 4.0 đã giúp việc liên lạc giữa các cơ sở y tế dễ dàng hơn, khối lượng thông tin khổng lồ được trao đổi trực tiếp ở bất cứ thời điểm nào. Tất cả tiến bộ của công nghệ đã được ứng dụng và được các bác sĩ lĩnh hội, áp dụng một cách tích cực nhất, triệt để nhất, phục vụ tối đa và nhanh nhất, giúp các bác sĩ có thêm thời gian trong cuộc chạy đua với tử thần, cứu sống bệnh nhân. Ví dụ, siêu âm tim là một kỹ thuật khó trong y khoa, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ, triển khai khám, chữa bệnh từ xa, các bác sĩ tại Hà Nội có thể theo dõi việc siêu âm tim cho cả những người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Hay các bác sĩ tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương có thể phối hợp với các bác sĩ ở nhiều tỉnh, thành phố khác để hội chẩn, điều trị các ca bệnh nặng ở tuyến dưới mà người bệnh không cần chuyển tuyến.

Cùng với đó, hiện tại ở nhiều bệnh viện, người dân có thể đặt lịch khám, chữa bệnh qua điện thoại, qua mạng mà không cần phải đến tận nơi xếp hàng, đăng ký. Người bệnh, người dân luôn mong mỏi các bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh, giảm các thủ tục hành chính rườm rà. 

Xóa nhòa khoảng cách địa lý

Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong y tế có ý nghĩa vô cùng to lớn. Bệnh nhân được tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến. Nhờ đó tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu rủi ro khi điều trị. Mặt khác, nhiều CSYT đã xây dựng được hình ảnh mới văn minh và hiện đại hơn. Công việc của đội ngũ nhân viên y tế nhờ đó cũng được giảm tải rất nhiều. Chuyển đổi số trong ngành y còn tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc, nhân viên y tế, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, từ đó khắc phục được khoảng cách về chất lượng nhân viên y tế giữa các vùng, miền.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết: “Chuyển đổi số y tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của 8 lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số quốc gia được quy định trong Quyết định số 749/QĐ-TTg của Chính phủ về phê duyệt chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đã chỉ rõ tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công phải hình thành bộ phận y tế từ xa. Như vậy, khi triển khai từ khám bệnh trực tiếp sang trực tuyến cũng dựa trên nền tảng thiết bị từ xa. Đây là những thuận lợi vì đã có những định hướng của Chính phủ, đã có sự chỉ đạo trong chuyển đổi số của Bộ Y tế để các CSYT có căn cứ và yêu cầu cần phải thực hiện thì giúp cho việc thúc đẩy câu chuyện bác sĩ số được nhanh hơn, hiệu quả hơn và rõ ràng hơn”.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành và khám, chữa bệnh của các bệnh viện trong mấy năm gần đây giúp mọi hoạt động của bệnh viện nhanh chóng, công khai, minh bạch hơn, người bệnh và nhân viên y tế đỡ vất vả hơn, từ đó làm tăng sự hài lòng của người bệnh. Ngành y tế đẩy mạnh triển khai xây dựng bệnh án điện tử hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí. Việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử giúp ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Với cơ sở dữ liệu này, việc tổng hợp, phân tích thông tin sẽ giúp ngành y tế có những chỉ đạo kịp thời về phòng, chống dịch bệnh và dự báo, hoạch định chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân một cách khoa học hơn. Đây là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số ngành y tế từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh.

HÀ VŨ

Tags: BÁC SĨ
Lượt xem: 47
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...