Sự kỳ diệu của “Mùa xuân đầu tiên”
Trong gia tài âm nhạc của Văn Cao, “Mùa xuân đầu tiên” đã trở thành ca khúc sống mãi trong lòng bao thế hệ, bởi đó là ký ức Tết độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
“Mùa xuân đầu tiên” cũng ghi nhận sự “hồi sinh” trong tâm hồn người nghệ sĩ Văn Cao sau nhiều năm không sáng tác ca khúc.
Với nhạc sĩ Văn Cao, nhiều người bảo rằng ông có hai “mùa xuân đầu tiên”. Mùa xuân thứ nhất là vào đầu năm 1946, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chọn bài hát “Tiến quân ca” của ông làm Quốc ca. Ba mươi mùa xuân sau, ông lại cho ra đời ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”.
Họa sĩ Văn Thao - con trai nhạc sĩ Văn Cao, kể lại, có một thời gian dài bố ông lặng lẽ kiếm sống bằng nghề viết nhạc phim, nhạc không lời, vẽ tem, vẽ bao thuốc lá, làm thơ; đã có lúc những tưởng ông không viết nhạc trở lại. Rồi một ngày giáp Tết Bính Thìn 1976, mùa xuân đầu tiên của một nước độc lập, khi đến thăm cha mình, họa sĩ Văn Thao ngạc nhiên khi nghe âm thanh vang ra từ trong nhà và thấy cha ngồi bên cây đàn dương cầm. Ông say sưa với một điệu valse mềm mại, chậm rãi:
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn...”.
![]() |
Hình ảnh nhạc sĩ Văn Cao in trong giới thiệu ca khúc "Mùa xuân đầu tiên". Ảnh do gia đình nhạc sĩ cung cấp |
“Mùa xuân đầu tiên” ấy là khát vọng ngàn đời của một dân tộc vừa thoát khỏi những năm tháng chiến tranh, bom rơi, đạn nổ, máu chảy suốt hàng chục, hàng trăm năm ròng. Trong hoàn cảnh ấy, một mùa bình thường, có “khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông” cũng là một "mùa xuân mơ ước". Nghe đến nao lòng, xót xa biết nhường nào! Nhưng ở bản nhạc, nhạc sĩ Văn Cao đã phác họa nên một bức tranh thanh khiết, trong sáng, in đậm nét thiên nhiên của làng quê Việt Nam với những thanh âm quen thuộc, gần gũi.
Nhớ về nhạc sĩ Văn Cao, PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho hay, từ “Buồn tàn thu”-ca khúc đầu tiên ông viết năm 1939 khi mới 16 tuổi đến “Mùa xuân đầu tiên” là cuộc hành trình của một tài năng lớn: “Một thời gian dài sau năm 1954, những tác phẩm âm nhạc của Văn Cao ít xuất hiện hơn, nhạc sĩ cũng ít có sáng tác mới. Phải đến mùa xuân năm 1976, chúng ta mới được nghe “Mùa xuân đầu tiên” của ông. Một nhịp điệu 3/4 nhịp nhàng, thánh thót như sau mọi thăng trầm, biến cố của cuộc đời, âm nhạc đã về tới đích của chính mình.
Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng thì bất cứ ai cũng không thể đứng ngoài cuộc. Bày tỏ niềm vui trước ngày toàn thắng của dân tộc, mỗi người có thể chọn cho mình một cách riêng. Văn Cao đã chọn cách: “Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người...”. Ta nghe trong giai điệu phảng phất “Đàn chim Việt”, “Suối mơ”, “Làng tôi”, “Ngày mùa” và những âm hưởng hùng ca của “Tiến về Hà Nội”, “Sông Lô” như còn đọng lại ngân nga trong từng nốt nhạc mà ông đã chắt chiu, chưng cất, hiến dâng cho đời”.
Mùa xuân 1976 chính là “mùa xuân đầu tiên” theo nghĩa ấy-nhân dân hai miền Nam, Bắc lần đầu được sum họp một nhà. Một mùa xuân đem đến cho con người những giá trị nhân văn sâu sắc. “Mùa xuân đầu tiên” cho thấy chiều sâu trí tuệ, tâm hồn của nhạc sĩ Văn Cao.
Từ những cảnh đời thường mà nói lên được ý nghĩa cao cả, sự vô giá của hòa bình. Triết lý sâu sắc nhất được chuyển tải qua bài hát là ý nghĩa nhân văn của một chiến thắng nhân văn và chính nghĩa. Sự kỳ diệu của mùa xuân thống nhất năm ấy, của tình yêu thương giữa con người với con người chính là nhịp cầu xóa bỏ mọi ngăn cách, hàn gắn vết thương chiến tranh. Thông điệp nhân văn, giàu tính triết lý ấy đã đưa “Mùa xuân đầu tiên” trở thành bài hát sống mãi trong lòng người Việt mọi thế hệ.
TRẦN LỆ