Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa bền duyên với xẩm
Gần 30 năm gắn bó, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa xem xẩm như người bạn đồng hành trong cuộc đời và sự nghiệp. Với chị, đó là mối duyên bền chặt, là hành trình không ngừng vun đắp và lan tỏa.
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa (sinh năm 1976)-được coi là truyền nhân xuất sắc của “báu vật nhân văn sống”, cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu-hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc, trưởng nhóm xẩm Hà thành.
Không sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nhưng từ nhỏ, Mai Tuyết Hoa đã gắn bó với cây đàn nhị nhờ định hướng của người bố yêu nhạc dân tộc. Năm 8 tuổi, chị thi vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, theo học sơ cấp đàn nhị, sau đó là bậc trung cấp. Dần dần, từ chỗ bị “ép” học, Mai Tuyết Hoa tự giác tập luyện rồi quyết tâm theo học chuyên ngành đàn nhị, Khoa Nhạc cụ truyền thống tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Năm 1996, khi cộng tác với Viện Âm nhạc (thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Mai Tuyết Hoa đảm nhận việc tách lời, ký âm, ghi chép lại các tư liệu âm nhạc cổ. Một lần, giữa những băng đĩa cũ, chị tình cờ nghe được giọng hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Từng câu hát của bà như “con tằm rút ruột nhả tơ”, khiến chị nghe mà không thể dứt ra được.
![]() |
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa (giữa) cùng nhóm Xẩm Hà thành biểu diễn tại Hoàng thành Thăng Long.Ảnh: VIỆT LAM |
“Năm 1998, tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về xẩm. Khi đó, nghệ thuật này rất ít người theo đuổi, tư liệu cũng khan hiếm, nên cứ nghe ở đâu còn manh mối, tôi lại tìm đến. Năm 2000, tôi về Ninh Bình gặp nghệ nhân Hà Thị Cầu, rồi quyết định ở lại hằng tuần liền để ngấm từng nhịp phách, lối nhả chữ, cách buông câu của bà”, nữ nghệ sĩ nhớ lại. Mai Tuyết Hoa tiếp tục tìm đến các cụ Trùm Nguyên, Thân Đức Chinh-những người hát xẩm nổi tiếng ở phố Khâm Thiên (Hà Nội); tìm gặp nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nhạc sĩ Hạnh Nhân, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Xuân Hoạch, Nghệ sĩ Ưu tú Văn Ty và nhạc sĩ Thao Giang... để lắng nghe, học hỏi. Với chuyên môn đàn nhị được đào tạo chuyên nghiệp, dưới sự dìu dắt của những nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội, Mai Tuyết Hoa bước vào thế giới hát xẩm với tình yêu say đắm và nhanh chóng tiến bộ.
Không muốn xẩm chỉ là ký ức của quá khứ, chị quyết tâm đưa loại hình nghệ thuật này trở lại với đời sống đương đại. Năm 2005, chị cùng GS Phạm Minh Khang, nhạc sĩ Thao Giang, nhạc sĩ Quang Long, NSND Thanh Ngoan... thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. “Khi đó, chúng tôi phải thuyết phục chính quyền và người dân để xẩm Hà Thành được cất lên ở những không gian vốn gắn liền với nó như: Bờ Hồ, phố cổ, tàu điện... Từ những đêm diễn ấy, nhiều nghệ sĩ từng thành công trên các sân khấu lớn phải thừa nhận rằng: Đó là không gian ấm áp và nghĩa tình”, nữ nghệ sĩ chia sẻ. Đến nay, Trung tâm đã hoạt động ổn định, trở thành điểm hẹn quen thuộc của những người yêu xẩm với các buổi biểu diễn vào tối thứ bảy hằng tuần tại trước cửa chợ Đồng Xuân. Hát xẩm từ đó có mặt ở nhiều địa phương, nhưng xẩm Thủ đô lại mang sắc thái da diết và trữ tình hơn do chính các chuyên gia, nghệ sĩ sáng tác, nổi bật như: “Xẩm 4 mùa hoa Hà Nội”, “Xẩm văn hóa giao thông”, Tứ vị Hà thành...”.
Theo nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, sức lan tỏa của xẩm ngày càng rộng hơn, khi hiện nay có sự xuất hiện ngày càng nhiều câu lạc bộ về xẩm như: Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương, Xẩm Hải Phòng, Xẩm Ninh Bình,... là tín hiệu đáng mừng, minh chứng cho sức sống bền bỉ của xẩm trong dòng chảy đương đại.
HẢI LY