• :
  • :

Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam: Hội tụ và lan tỏa ​

Sau 13 lần tổ chức, Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hiệp hội các Viện Văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu (EUNIC) thực hiện sẽ bế mạc vào tối nay (28-9) sau 7 ngày diễn ra các hoạt động công chiếu, giao lưu giữa nhà làm phim với khán giả tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Nhân dịp này, đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Điện tử về giá trị của phim tài liệu và dấu ấn của các tác phẩm điện ảnh tài liệu do Việt Nam sản xuất đối với bạn bè quốc tế.

Cảnh trong phim tài liệu "Mắt bão" do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất chiếu tại Liên hoan.

Phóng viên (PV): Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam là một sự kiện mang tính quốc tế nhằm thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa giữa các nước EU và Việt Nam. Liên hoan phim sẽ mang đến điều gì thú vị cho khán giả Việt Nam, thưa nghệ sĩ?

NSƯT Trịnh Quang Tùng: Sau 13 lần tổ chức, Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu – Việt Nam đã trở thành một điểm hẹn văn hóa về phim tài liệu dành cho khán giả trong nước và quốc tế. Trong mỗi buổi chiếu phim tại Liên hoan năm nay, khán giả sẽ được xem một bộ phim tài liệu của Việt Nam và một phim tài liệu nước ngoài. Thông qua các phim, khán giả được tìm hiểu về văn hóa, con người, xã hội Việt Nam cũng như các nước khác. Đây sẽ là cơ hội để công chúng hiểu biết hơn về xã hội chúng ta đang sống, mối quan hệ giữa người với người, để khám phá thêm về đất nước và những nền văn hóa khác nhau cũng như các vấn đề đương đại của thế giới.

Liên hoan nhằm mục đích quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế và các nước bạn cũng muốn giới thiệu văn hóa và con người của đất nước họ cho khán giả Việt Nam, đó là tiêu chí đầu tiên. Hơn nữa, đây cũng là sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế. Bởi vậy, chúng tôi chọn những bộ phim gần gũi, tương đồng về quan điểm cũng như vấn đề nào đó đang được cả thế giới quan tâm để trình chiếu tại Liên hoan phim, chẳng hạn như đợt này, chúng tôi chọn những phim có cùng một đề tài như vấn đề rác thải bởi cả thế giới hiện đang quan tâm đến môi trường.

PV: Qua 13 mùa Liên hoan phim, theo nghệ sĩ, thành công lớn nhất là gì?

NSƯT Trịnh Quang Tùng: Tôi cho rằng thành công lớn nhất là bước khởi đầu cho những dự án tiếp theo của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương là sẽ trở thành điểm chiếu phim tài liệu thường niên ở Hà Nội. Thông qua những kỳ Liên hoan phim, khán giả Việt Nam và Hà Nội sẽ hiểu hơn về phim tài liệu thế giới và Việt Nam, cũng như các nhà làm phim độc lập trong nước, quốc tế.

Các nhà làm phim nước ngoài giao lưu với khán giả Việt Nam. 

Ngoài ra, đây còn là cơ hội rất bổ ích cho những bạn trẻ bởi hiện nay, tôi được biết, nhiều em không học ở các trường nghệ thuật nhưng rất thích làm phim tài liệu. Liên hoan phim là cơ hội vừa học tập, vừa thể hiện mình bởi phim độc lập thì chỉ có một cá nhân hoặc một đạo diễn nào đó làm và họ làm phim theo đề tài họ thích. Thông qua sự kiện này, các nhà làm phim, đạo diễn…được mở mang kiến thức, biết mình cần gì và nên thế nào bởi các hãng phim, đặc biệt là phim tài liệu đòi hỏi nhận thức cũng như cách làm cũng khác biệt, nếu không đam mê và không thấy các vấn đề mình cần phản ánh, chuyển tải mà cứ thờ ơ với cuộc sống hiện tại thì chắc chắn không có tác phẩm hay. Điều này rất cần với những sinh viên đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.

 Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương phát biểu giới thiệu Liên hoan phim.

PV: Nghệ sĩ đánh giá thế nào về những tác phẩm của Việt Nam tham dự Liên hoan phim lần này?

NSƯT Trịnh Quang Tùng: Liên hoan phim năm nay quy tụ 19 tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc, trong đó có 7 phim quốc tế (Áo, Bỉ, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Anh, Phần Lan) và 12 phim Việt Nam. Trong đó có một số phim như: "Bí ẩn từ lòng đất" (Việt Nam); "Vesuvio hoặc cách họ học cách sống giữa các núi lửa" (Italy); "Muntadas ở Hà Nội: Diễn giải về đô thị từ góc nhìn Tây Ban Nha - Việt Nam" (Tây Ban Nha); "Kẻ thù của tôi, bạn của tôi" (Việt Nam); "Phía trên những đám mây" (Việt Nam); "Những làm công vui vẻ hay cách phá hoại công việc" (Phần Lan); "Cô gái mang tên Tania" (Bỉ); "Nhân chứng sống-Một câu chuyện về khí hậu" (Anh)…

Hầu hết những buổi chiếu phim đều rất đông khán giả đến thưởng thức. 

Việt Nam có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao tham dự Liên hoan, chẳng hạn như phim “Những đứa trẻ trong sương” đã lọt vào danh sách 15 phim tài liệu xuất sắc của giải Oscar 2023. Tôi cho rằng, đây là bộ phim mới và cách tiếp cận mới, mang hơi thở của đời sống đương đại, chân thực với xã hội hiện nay. 

Những phim của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tham dự Liên hoan là các tác phẩm đã đoạt giải thưởng Cánh diều vàng và trong đó có những bộ phim đã đoạt giải cá nhân xuất sắc. Đây là những bộ phim có giá trị cả về nội dung và nghệ thuật.

Phim của Việt Nam được các bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, phim tài liệu Việt Nam thường phục vụ mục đích tuyên truyền là chính thì góc nhìn và “cái tôi” của nghệ sĩ bị hạn chế phần nào còn phim của nước ngoài là các dự án phim có nhà đầu tư và ngay từ đầu khi làm phim là họ xác định để kinh doanh. Vì thế họ sẽ đầu tư những đề tài, tác phẩm hoặc những tác giả có đủ uy tín và đề tài họ có thể kinh doanh được.

Các nhà làm phim nước ngoài đánh giá phim Việt Nam phong phú về đề tài nhưng thường phim Việt Nam ngắn hơn các nước bạn. Phim của nước ngoài từ 80 đến 100 phút, phim Việt Nam thì chỉ 25 đến 40 phút. Các nhà làm phim nước ngoài cho rằng, phim Việt Nam nhẹ nhàng, dễ xem bởi cùng quan điểm, đề tài với họ.

PV: Phim tài liệu là “chép” sử bằng hình, đánh giá của nghệ sĩ ra sao về vấn đề này?

NSƯT Trịnh Quang Tùng: Phim tài liệu có nhiều chức năng mà chức năng “chép sử” bằng hình là chức năng quan trọng nhất. Tôi cho rằng, ngoài việc phát hành phim ngay lúc đó thì chức năng về lịch sử rất quan trọng, tức là hôm nay diễn ra thì ngày mai là lịch sử và chính giá trị lịch sử đó có thể sẽ sử dụng cho những năm sau đó để có thể chúng ta biết được thời điểm diễn ra như thế nào. Vì thế, giá trị của phim tài liệu ngoài chức năng giáo dục thẩm mỹ, nâng cao nhận thức và phản biện xã hội thì giá trị về lịch sử rất quan trọng.

PV: So với các loại hình khác thì phim tài liệu rất kén khán giả, thế hệ ngày nay có thờ ơ với phim tài liệu không, thưa nghệ sĩ?

NSƯT Trịnh Quang Tùng: Trước đây thì phim tài liệu rất kén khán giả, nhiều người cho rằng, khán giả lớn tuổi mới xem những bộ phim tài liệu vì cách kể chậm, những vấn đề người già mới quan tâm nhưng bây giờ thì tôi thấy có nhiều thay đổi. Các bạn trẻ hiện nay thích xem phim tài liệu vì họ tìm thấy ở đó sự trung thực với đời sống. Những bộ phim của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đa phần tiếp cận câu chuyện hiện thực mới xảy ra. Gần đây, các trung tâm đào tạo phim tài liệu và ngay cả trong trường phổ thông cũng đào tạo các em tự làm những bộ phim về cuộc đời mình, người thân của mình và câu chuyện xung quanh, đó chính là phim tài liệu, còn mức độ đánh giá chất lượng ra sao thì chúng ta chưa bàn đến nhưng tình yêu với phim tài liệu thì các bạn trẻ hiện nay đang dần dần tiếp cận và muốn thể hiện.

PV: Trân trọng cảm ơn nghệ sĩ!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)