• :
  • :

Khi người trẻ sống ẩn dật

Sau khi học xong trung học, You Seung-gyu đã tự cô lập bản thân, sống ẩn dật trong nhà khoảng 5 năm. Theo The Korea Herald, kể cả sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh You Seung-gyu vẫn tiếp tục sống khép mình.

Cuộc sống không việc làm và tự tách mình khỏi xã hội của You Seung-gyu kéo dài cho đến năm 2021. Nhờ tham gia chương trình phục hồi của doanh nghiệp Nhật Bản K2 International, anh đã dần dần tái hòa nhập cộng đồng. Cũng trong năm 2021, K2 International đã rút khỏi Hàn Quốc. Thoát khỏi cuộc sống ẩn dật, anh You Seung-gyu cùng 3 người khác từng tham gia chương trình của K2 International đã thành lập công ty Not Scary ở phía Bắc thủ đô Seoul để hỗ trợ những người trong tình trạng giống như anh trước đây. Thông qua chương trình phục hồi chức năng, họ đã giúp khoảng 10 người mỗi năm. Theo anh You Seung-gyu, cần thời gian và nguồn lực đáng kể để giúp một người ẩn dật tự bước đi trên đôi chân của mình.

Những người trẻ Hàn Quốc chọn cuộc sống cô lập với xã hội do liên tục tiếp xúc nền văn hóa có tính cạnh tranh khốc liệt, bắt nạt và bạo lực gia đình cùng nhiều lý do khác như: Vấn đề sức khỏe tinh thần, gặp khó khăn khi tìm việc làm và xây dựng các mối quan hệ xã hội... Đại dịch Covid-19 cũng có tác động không nhỏ trong việc ngăn những người sống ẩn dật tái hòa nhập cộng đồng. Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cho biết, những thanh niên sống ẩn dật có thể chậm phát triển về thể chất do lối sống không điều độ và dinh dưỡng không cân bằng, đồng thời có khả năng gặp phải những khó khăn về tinh thần như trầm cảm do mất vai trò xã hội và chậm thích nghi. 

Yoo Seung-gyu sống tại trung tâm K2 năm 2021. Ảnh: Wired 

Theo Viện Y tế và các vấn đề xã hội Hàn Quốc, khoảng 350.000 người trong độ tuổi từ 19 đến 39 tại nước này đang sống cô lập, chiếm 3% dân số. Riêng tại Seoul, tính tới tháng 1 năm nay, chính quyền thành phố ước tính có tới 129.000 người trong độ tuổi từ 19 đến 39 sống tách biệt với xã hội. Dữ liệu của chính quyền Seoul cũng cho thấy, gần 30% cá nhân sống tách biệt tự nhốt mình trong nhà hơn 5 năm. Không riêng gì Hàn Quốc, giới chức Nhật Bản cũng đang “đau đầu” khi ngày càng nhiều thanh niên nước này lựa chọn cuộc sống tách biệt với xã hội. The Japan Times dẫn kết quả khảo sát của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy, nước này hiện có khoảng 1,46 triệu người đang trong độ tuổi lao động sống ẩn dật, còn được gọi là “hikikomori”. Vấn đề này gây nhiều lo ngại khi Hàn Quốc và Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng do tỷ lệ sinh sụt giảm trong nhiều năm.

Trong nỗ lực khuyến khích thanh thiếu niên sống ẩn dật bước ra khỏi nhà và tái hòa nhập cộng đồng, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế và tư vấn việc làm cho nhóm đối tượng từ 9 đến 24 tuổi. Các thanh thiếu niên đủ điều kiện sẽ nhận được khoản trợ cấp chi phí sinh hoạt 650.000won (490USD) một tháng. Mục tiêu chính của chính sách mới là giúp đỡ những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, nhưng cũng là một biện pháp giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động của Hàn Quốc. Chính quyền thành phố Seoul cũng đã công bố kế hoạch tìm kiếm những người sống cô lập với xã hội nhằm giúp họ lấy lại sự tự tin và khuyến khích họ trở thành cố vấn hỗ trợ cho những người giống mình. Ngoài ra, chính quyền Seoul cũng dự định thành lập 20 trung tâm hỗ trợ trên toàn thành phố để có thể giúp đỡ 5.000 cá nhân vào năm 2025. “Chúng tôi mới chỉ ở giai đoạn đầu thiết lập các hệ thống, thành lập nhiều tổ chức và chương trình để giúp đỡ những người sống khép mình với xã hội bắt đầu tái hòa nhập cộng đồng. Seoul sẽ không tiếc tiền đầu tư để mang lại sự thay đổi”, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng việc ngày càng nhiều thanh thiếu niên sống ẩn dật gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế cũng như thị trường lao động. Do đó, các biện pháp hỗ trợ người sống ẩn dật tái hòa nhập cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng. Một nghiên cứu năm 2021 của Viện Y tế và các vấn đề xã hội Hàn Quốc cho thấy, tình trạng thanh thiếu niên sống ẩn dật, xa lánh xã hội có thể khiến nước này thiệt hại 500 tỷ won (374,4 triệu USD) mỗi năm nếu họ không được phục hồi để gia nhập lực lượng lao động và phải dựa vào các dịch vụ xã hội để sống phần đời còn lại.

LÂM ANH

Lượt xem: 1
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...