• :
  • :

Tiên phong làm việc khó

Vào Khu công nghiệp (KCN) Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) giữa trưa hè chúng tôi cảm nhận ngay sự thay đổi nhiệt độ bởi ở đây trồng rất nhiều cây xanh. Nếu không có những dãy nhà xưởng ẩn dưới tán cây và lời giới thiệu của anh bạn đi cùng, chắc hẳn tôi đã nghĩ mình lạc vào khu du lịch sinh thái hoặc nghỉ dưỡng nào đó. Nhưng những ấn tượng về luật sư, doanh nhân, cựu chiến binh, Tiến sĩ Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần (CTCP) Shinec còn nhiều hơn thế.

Trước khi đến với KCN Nam Cầu Kiền, chúng tôi đã biết ít nhiều về doanh nhân Phạm Hồng Điệp và CTCP Shinec. Một người bạn của tôi khuyên, tuy dễ gần, cởi mở, yêu văn nghệ nhưng anh Điệp không thích nói về mình. Điều ấy khiến tôi hơi chùn bước. Tuy nhiên, khi biết anh từng là chiến sĩ Biên phòng đóng quân nơi biên giới rồi về Trường Quân sự Hải Phòng công tác tới năm 1989 mới xuất ngũ thì tôi tin mình có cơ hội. Bởi người lính thường dễ đồng cảm, sẻ chia.

Điều tôi hy vọng đã thành sự thực. Anh Điệp đón chúng tôi ở “phòng làm việc” đặc biệt. Đặc biệt vì nó không tường, không máy điều hòa mà chỉ có chiếc quạt cây phe phẩy, tưới gió khắp lượt một cách chậm rãi, đều đều. “Căn phòng” ấy được tận dụng từ hiên của tòa nhà làm việc. Ở đây có vườn lan quý đủ loại mà anh dày công sưu tầm. Cánh hoa lan mỏng manh, nhiều màu sắc và hương thơm thoang thoảng khiến tôi mê mẩn. Bên bàn nước, anh gật đầu với đề nghị của chúng tôi. Cuộc trò chuyện giữa thanh thiên bạch nhật dần cởi mở hơn. Anh thông tin, hiện doanh nghiệp của anh đạt tiêu chí “3 không” (không nợ thuế, bảo hiểm và lương công nhân).

- Tốt quá, nhưng đó đã phải là kết quả đặc biệt chưa anh?

- Ồ! Chưa. Kết quả đặc biệt mà chúng tôi hướng tới hiện diện ngay ở đây thôi.

Nói rồi anh Điệp xoay người chỉ chiếc quạt đang chạy. Anh nói, KCN lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái công suất lớn, đèn đường năng lượng; lắp đặt tấm Spacon trên dàn nóng và thay thế dung môi chất lạnh HB-156 cho các điều hòa không khí tại khu tổ hợp điều hành, giúp tiết kiệm 16% năng lượng.

Chỉ vào hồ cá koi uốn lượn nằm dưới vườn lan, anh bảo rằng, chúng sống bằng nước thải của KCN. Nhưng đó cũng chưa phải là đặc biệt nhất. Mục tiêu các anh hướng tới là khí sạch để vào phổi, vào máu của mỗi người lao động trong từng giây, từng phút.

Thấy tôi ngơ ngác, anh nói tiếp:

- Ngoài hệ thống xử lý nước thải công suất 2.000m3/ngày đêm, Shinec còn có hệ thống khử mùi ô nhiễm bằng công nghệ hiện đại. Chính việc này giúp không khí của KCN trong lành, thu hút các nhà đầu tư.

Anh Điệp rướn người chỉ ra hệ thống cảnh quan ngay bên cạnh chỗ ngồi. Anh nói, khuôn viên xung quanh các nhà máy trong KCN đều là hệ thực vật đa tầng, nhiều màu, dày lá, có tác dụng chắn khói bụi ô nhiễm, nhả oxy trong lành. KCN gần như không có tường rào bê tông mà thay thế vào đó là hệ thống hàng rào mềm bao phủ bởi cây xanh, khiến thiên nhiên hài hòa với sản xuất công nghiệp hiện đại. Anh Điệp giới thiệu thêm, đến năm 2030 này, Shinec sẽ là doanh nghiệp đầu tiên ở nước ta đạt tiêu chí Net zero carbon (không làm tăng tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển). 

Lật từng trang trong cuốn “Kinh tế tuần hoàn” ở sẵn trên bàn, chỉ vào bức ảnh chụp từ trên cao, anh giới thiệu với chúng tôi về "đứa con tinh thần" mà anh cùng những cộng sự ấp ủ và xây dựng trong 15 năm.

- KCN có diện tích 236ha thì cây xanh chiếm hơn 30%. Hiện tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 80%. Tại đây đã hình thành chuỗi cộng sinh tuần hoàn của các ngành sản xuất lớn như thép, nhựa, công nghiệp phụ trợ điện tử... KCN sinh thái Nam Cầu Kiền giống như thỏi nam châm thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khó tính. Do Shinec hỗ trợ nhà đầu tư đạt chứng chỉ xanh, một loại giấy thông hành về phát triển bền vững nên sức hút của nó càng lớn.

Anh kể tiếp: Hôm rồi, Shinec đã ký hợp đồng với nhà sản xuất chip điện tử lớn thứ hai thế giới đến từ Đài Loan để sang năm hoạt động. Trước đó, họ đã đi khảo sát tất cả KCN ở Việt Nam rồi chọn KCN Nam Cầu Kiền của Shinec. Điều thuyết phục họ là không khí, môi trường và các không gian văn hóa ở đây rất tuyệt cho dù giá thuê không hề rẻ.

Luật sư, doanh nhân, cựu chiến binh, Tiến sĩ Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Shinec. Ảnh: NHI MINH

Sau những thông tin hấp dẫn và mới mẻ, tôi bắt đầu chú ý đến ngoại hình của người đàn ông này. Anh có nước da trắng, tóc cắt cao, thân hình vạm vỡ, khỏe khoắn và tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát như một thanh niên. Với hình thức lịch lãm ấy, tôi không nghĩ anh đã sắp sang tuổi sáu mươi. Anh vân vê chén nước và chậm rãi chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện về cuộc đời đã qua.

Anh sinh năm 1966 tại Phục Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Rời quân ngũ, anh đi học Khoa Kinh tế, Đại học Ngoại thương và về làm việc tại Công ty Xuất nhập khẩu vật tư tàu thủy (Visdemco). Năm 2001, anh thành lập CTCP Công nghiệp tàu thủy Shinec-tiền thân của CTCP Shinec hiện nay. Mãi đến năm 2008, sau nhiều lần chuyển đổi chức năng, anh nhận được giấy chứng nhận, cho phép Shinec đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Nam Cầu Kiền. Ngay từ đó anh đã nhen nhóm quyết tâm xây dựng KCN sinh thái vì nhận thấy nó là xu hướng của thế giới.

Anh kể, sau 3 lần đoạt giải nhất cuộc thi sáng tạo về môi trường bền vững do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức, tháng 1-2008, anh bất ngờ nhận được thư khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng động viên anh phát huy triệt để những đề tài thực tiễn đó, góp phần vừa xây dựng kinh tế vừa bảo vệ môi trường. Sau này được gặp Đại tướng hơn hai giờ đồng hồ tại nhà riêng ở Hà Nội, anh được biết từ năm 1976, Đại tướng đã đề cập đến khôi phục, xây dựng nền kinh tế Việt Nam gắn liền với bảo vệ môi trường bền vững. Đến đầu năm 2010, nhân Tết trồng cây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại gửi thư cho anh Điệp và tặng cây đa được đánh từ vườn nhà cùng lời căn dặn: “Luôn nhớ phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường”. Từ đó quyết tâm ấy trong anh càng lớn mạnh.

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền như viên ngọc, lung linh về đêm. Ảnh: NHI MINH 

Hiện nay, trong KCN của anh có Vườn kỷ vật Đại tướng. Anh tâm tình, dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 2024 tới đây, anh sẽ khánh thành Quảng trường Anh Văn (nơi tưởng niệm Đại tướng). Anh mong muốn, trong tương lai gần, KCN Nam Cầu Kiền sẽ là địa điểm du lịch công nghiệp đầu tiên của cả nước. Bởi từ năm 2019 đến nay, đã có khoảng 35.000 học sinh, sinh viên đến đây tham quan, học tập. Tại đây, họ được tận thấy những dây chuyền sản xuất công nghiệp công nghệ cao và sẽ được hiểu hơn về văn hóa doanh nghiệp để nuôi khát vọng, học tập, cống hiến cho nước nhà.

Bên những câu chuyện của hiện tại và tương lai, anh cũng không quên chia sẻ với tôi bao khó khăn trên thương trường. Anh kể, sau khi bắt tay hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vài năm thì đổ vỡ và phải tái cơ cấu. Lúc ấy, Đảng bộ do anh là Bí thư có hơn 80 đảng viên phải giải thể. Anh chuyển về sinh hoạt Đảng tại Đảng bộ Khối doanh nghiệp Huyện ủy Thủy Nguyên. Sau nhiều năm nỗ lực vượt khó, năm 2019, Chi bộ Công ty Shinec thành lập lại do anh làm Bí thư với 19 đảng viên. Ở nhiệm kỳ mới này, đồng chí Hoàng Tuấn Anh làm Bí thư Chi bộ.

Anh khái quát, ở lĩnh vực nào cũng vậy, đảng viên là những người tiên phong, đi đầu trong công việc. Là đảng viên, anh không thể ngồi nhìn nguồn nhân lực chất lượng cao trong doanh nghiệp chỉ “làm công ăn lương” mà thiếu đi tư tưởng, khát vọng cống hiến, rồi “nhạt Đảng, khô Đoàn”. Thế nên, anh quyết liệt đề xuất thành lập chi bộ để nêu cao vai trò lãnh đạo tư tưởng, con người, xây dựng thương hiệu, giá trị văn hóa và lãnh đạo tổ chức quần chúng. Đảng viên nắm chủ trương, nghị quyết và đi đầu trong thực hiện, tạo ra phong trào, động lực lôi cuốn các bạn trẻ vào guồng máy cống hiến. Việc phát huy dân chủ được chú trọng và đề cao vì thế mà tinh thần đoàn kết trong doanh nghiệp luôn tươi mới, tràn đầy sức sống. Người lao động gắn bó với doanh nghiệp và doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai của họ bên cạnh gia đình. Với tinh thần ấy, đảng viên trẻ Vũ Thị Lan Nhi của chi bộ đã gặt hái những thành công, cùng tập thể đoạt giải VIFOTECH năm 2021. Nhi thổ lộ với tôi, môi trường công tác là động lực chính để em phấn đấu và phát huy năng lực nghiên cứu.

Suốt mấy chục năm làm kinh tế, doanh nhân Phạm Hồng Điệp coi xây dựng môi trường là sợi chỉ tư tưởng xuyên suốt để phát triển doanh nghiệp. Dù có lúc doanh nghiệp gặp khó, nhưng nhờ vững tư tưởng, lập trường, với tinh thần không bỏ cuộc, anh đã vực doanh nghiệp đứng lên trở thành người tiên phong trong việc mới, việc khó.

Anh chia sẻ, có tư tưởng rồi phải đứng vững trên các trụ đỡ là pháp luật, kỷ luật và đặc biệt là phải thổi hồn tư tưởng vào người lao động. Việc xây dựng chi bộ đảng là một chủ trương giúp anh giải quyết vấn đề này. Qua đó để phát huy dân chủ, bảo đảm quyền lợi người lao động. Anh Điệp hứa, khi có thời gian thuận lợi sẽ chia sẻ thêm với tôi về hoạt động hành chính đảng trong chi bộ doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Nó không rườm rà, không xa vào thủ tục hành chính nhưng hiệu quả lại rất thiết thực.

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp là người yêu tự nhiên và lấy xây dựng môi trường để phát triển doanh nghiệp bền vững. Anh đã từng đoạt nhiều giải về môi trường và giải thưởng doanh nhân. Có người gọi anh là “dũng sĩ môi trường”. Điều đó quả là đúng, nhưng với tôi, câu ấy dường như chưa lột tả đủ ý chí, tinh thần lạc quan, vượt khó của doanh nhân Phạm Hồng Điệp. Anh nói vui với chúng tôi, người đi trước dò đường bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí là hiểm nguy. Nhưng anh tin tưởng vào suy nghĩ của mình. Những gì anh làm và đem lại cho cộng đồng, ngoài giá trị hữu hình là việc làm, thu nhập còn là những bài học về gắn bó với thiên nhiên, khai thác tự nhiên bền vững. Ở đó còn có cả lý tưởng, tính kỷ luật, khát vọng chiến thắng mang chiều sâu văn hóa con người đất cảng. Tôi cũng nghĩ, có lẽ, phần lớn những giá trị anh tạo dựng còn được bắt nguồn từ phẩm chất người lính, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ mà anh đã được tôi rèn trong quân ngũ.

ĐỨC TÂM - PHÚ SƠN

Lượt xem: 7
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết