• :
  • :

Cất bằng cao đẳng, đại học, sinh viên ra trường xin làm lao động phổ thông

Thay vì làm việc đúng chuyên ngành học, nhiều sinh viên ở một số trường đại học, cao đẳng sau khi tốt nghiệp lại có xu hướng xin làm lao động phổ thông để vừa tìm được việc làm ngay vừa có nguồn thu nhập ổn định.

Cất bằng cao đẳng, đại học, sinh viên ra trường xin làm lao động phổ thông

Nhiều sinh viên có xu hướng trở thành lao động phổ thông sau khi tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

Chật vật tìm việc

Chọn học cao đẳng thay vì đại học do nghĩ sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn, ấy vậy mà L.H.P (22 tuổi, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) lại khá chật vật sau khi ra trường. Tốt nghiệp chuyên ngành điện công nghiệp, Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ nhưng nửa năm đầu P vẫn không thể tìm được cho mình một công việc đúng chuyên ngành.

“Sau khi tốt nghiệp, tôi hăng hái nộp hồ sơ vào các doanh nghiệp với mong muốn tìm được một công việc phù hợp. Tuy nhiên, thực tế lại không dễ dàng như thế. Các nhà tuyển dụng có xu hướng tuyển nhân sự có kinh nghiệm, trong khi đó lại là điều mà một sinh viên mới ra trường như tôi đang thiếu. Vì thế, tôi đã lỡ nhiều cơ hội” - anh P chia sẻ.

Trái với P, V.T.D, cử nhân chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn (27 tuổi, quận Ô Môn, TP Cần Thơ), đã từng nộp hồ sơ vào các trường THCS trên địa bàn quận để tìm kiếm cơ hội đứng trên bục giảng. Tuy nhiên, khi được đề cập tới mức lương, D lại chùn bước và quyết định chọn một hướng đi khác cho mình.

“Tôi đã nộp hồ sơ vào các trường học với mong muốn sẽ trở thành một giáo viên. Dù có cơ hội được nhận sau phỏng vấn, nhưng khi được nghe về mức lương tôi có phần e ngại. Bởi tôi muốn tìm một công việc với mức lương ổn định để trang trải cuộc sống cũng như đỡ đần cho cha mẹ. Vì thế, tôi đã từ bỏ cơ hội được làm việc đúng chuyên ngành để theo đuổi công việc khác có thu nhập hấp dẫn hơn” - D chia sẻ.

Trở thành lao động phổ thông

Có việc làm ngay, không yêu cầu trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm và hấp dẫn hơn nữa là có thu nhập ổn định… đang là những điều kiện mà lao động phổ thông thu hút các sinh viên mới ra trường trong thời điểm khó tìm việc làm như hiện nay.

Chật vật tìm việc sau khi tốt nghiệp được nửa năm nhưng chẳng có tiến triển gì, P quyết định trở thành nhân viên bán hàng ở một cửa hàng bách hóa. Dù công việc này không liên quan đến chuyên ngành học, nhưng P lại được nhận dễ dàng mà không cần có kinh nghiệm.

“Dù chưa có kinh nghiệm làm việc ở vị trí này, cũng chẳng liên quan đến chuyên ngành học của mình nhưng khi nộp hồ sơ vào đây tôi đã được nhận, bởi bên phía tuyển dụng sẽ đào tạo khi tôi bắt đầu nhận việc. Thời gian đầu tuy có không quen nhưng giờ tôi đã dần thích nghi với công việc này. Đặc biệt, với thu nhập ổn định từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng, tôi hoàn toàn có thể đáp ứng đủ mức sống của bản thân, không cần phải phụ thuộc vào bố mẹ” - P cho biết.

Tương tự như thế, từ bỏ cơ hội làm việc đúng chuyên ngành để trở thành nhân viên cho một cửa hàng bán đồ dùng trẻ em, chị D cũng có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cho cuộc sống.

“Mỗi ngày, tôi chỉ cần làm việc 7 tiếng, 1 tháng nghỉ được 4 ngày với mức lương trung bình khoảng 10 triệu. Chưa kể nếu tháng nào đạt KPI tôi sẽ có thêm tiền thưởng, nên có tháng lương tôi lên đến 14 - 15 triệu đồng. Với mức lương này, tôi có thể trang trải cuộc sống của bản thân cũng như phụ giúp cha mẹ” - D nói.

D cũng tâm sự thêm, khi quyết định từ bỏ cơ hội làm việc đúng chuyên ngành để trở thành nhân viên bán hàng, ban đầu cũng có chút tiếc nuối cho công sức học tập của bản thân. Nhưng với thu nhập ổn định cũng như tìm được niềm vui, sự năng động tại nơi làm việc hiện tại mà D ngày càng thấy hài lòng với lựa chọn của mình.