• :
  • :

Khích lệ tinh thần cống hiến cho văn nghệ sĩ xứ Thanh

Thành lập năm 1974, 49 năm qua, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thanh Hóa và các thế hệ văn nghệ sĩ, hội viên của Hội đã phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, cách mạng, tích cực kế thừa, vun đắp, bồi tụ kho tàng văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc xứ Thanh.

Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa có đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo với 11 ban chuyên ngành, 3 câu lạc bộ, Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh. Trong đội ngũ văn nghệ sĩ đó, có nhiều người nổi tiếng như: Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, biên đạo múa Hoàng Hải, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Công Bình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm, nhà thơ Vương Anh... Hội thường xuyên bổ sung được nguồn hội viên trẻ triển vọng, tiêu biểu như Ban Lý luận phê bình, đội ngũ trẻ chiếm gần một nửa.

Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa phối hợp phát động cuộc thi viết ký “Biên cương một dải bền vững” năm 2023. 

Đội ngũ văn nghệ sĩ đã kiên trì thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, thách thức, tâm huyết sáng tạo được nhiều tác phẩm VHNT giá trị, mang bản sắc văn hóa của quê hương, góp phần đưa VHNT tỉnh nhà hòa vào dòng chảy của VHNT đất nước. 10 năm qua, đã có 7 văn nghệ sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT, 7 nghệ sĩ được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Hoạt động VHNT ở Thanh Hóa cũng như nhiều địa phương khác có tình trạng phát triển đa dạng nhưng chưa tạo được sự đột phá. Lãnh đạo Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa luôn trăn trở với những câu hỏi: Cần phải làm gì để tránh rơi vào tình trạng “bình bình, na ná”? Các tác phẩm đã thực sự tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hay chưa? Có vượt qua được giới hạn không gian và thời gian để “trường thọ” hay không? Vậy nên, tìm cách để VHNT phát huy được điểm mạnh đặc thù, đóng góp vào sự phát triển của địa phương chính là điều Hội VHNT tỉnh luôn quan tâm. Quan trọng nhất là phải tập hợp, đoàn kết gần 500 hội viên, khơi dậy niềm tự hào về khí phách, hào khí của xứ Thanh, sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân.

Những năm gần đây, Hội quản lý hội viên trên cơ chế vừa chặt chẽ vừa mềm dẻo. Chặt chẽ là có chế tài nghiêm ngặt để kiềm chế bớt mặt cảm tính trong hành động của văn nghệ sĩ, khắt khe hơn trong chuyên môn. Ngược lại, mềm dẻo trong cách ứng xử, tập hợp lực lượng vốn được xem là trí thức “kỹ tính” này. Hội vừa làm tốt vai trò bồi dưỡng, kích thích sáng tạo cho hội viên thông qua các cuộc tập huấn, trại sáng tác, các cuộc đi thực tế, các giải thưởng..., đồng thời Hội cũng lắng nghe những góp ý của hội viên để khắc phục khuyết điểm. Mục đích cuối cùng là phục vụ tốt hơn hội viên của mình. Bởi lẽ, mỗi hội viên là cánh tay nối dài của Hội, và chính họ cũng là mục đích cho mọi hoạt động của Hội, nâng niu, nâng tầm tác phẩm của họ để hội viên thấy Hội thực sự là mái nhà chung mà ai cũng muốn đi về.

Trong quá trình hoạt động, Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa được chính quyền tỉnh quan tâm chăm lo thường xuyên. Ngoài giải thưởng hằng năm, UBND tỉnh phê duyệt Giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông 5 năm/lần với mức thưởng cao nhất từ trước đến nay (100 triệu đồng cho giải đặc biệt). 

Chủ thể sáng tạo VHNT là các văn nghệ sĩ nhưng vai trò tập hợp, đoàn kết, định hướng của Hội VHNT là không thể thiếu. Họa sĩ Phạm Duy Phương, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, phát huy các hoạt động thiết thực, hiệu quả, rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích để đổi mới. Hằng năm, chúng tôi duy trì các cuộc thi, triển lãm, hội thảo, ra mắt sách và đi thực tế bằng ngân sách nhà nước kết hợp với xã hội hóa khá tốt. Hội viên hăng hái thi đua sáng tạo và nhiệt tình với công tác Hội. Chúng tôi cũng đã đề xuất với tỉnh về việc thành lập Bảo tàng VHNT Thanh Hóa, nhằm tôn vinh các văn nghệ sĩ và tác phẩm, lưu giữ lại cho các thế hệ mai sau”.

Bài và ảnh: LÊ THY

Tags: xứ Thanh