• :
  • :

Thực hiện chính sách dân tộc ở Hà Giang: Kết quả và những vấn đề đặt ra (Bài 1)

Là một tỉnh nghèo vùng cao biên giới ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có tới gần 90% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân tộc nhằm chăm lo mọi mặt cho đồng bào DTTS nói chung, đồng bào DTTS ở Hà Giang nói riêng. Vậy việc thực hiện các chính sách dân tộc ở Hà Giang đã mang lại kết quả ra sao, những vấn đề gì còn đặt ra, cần tiếp tục giải quyết? Chúng tôi đã khảo sát thực tế để trả lời câu hỏi này.

Bài 1: Chăm lo “cái gốc” của công việc     

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành, các địa phương, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ở Hà Giang từng bước được nâng cao. Đã có nhiều cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, công tác tạo nguồn cán bộ người DTTS của tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, bất cập.

Những người con của bản

Khi được hỏi về Thạc sĩ Viên Quang Chương, người dân tộc Tày, nguyên Chủ tịch UBND xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ (hiện đảm nhiệm cương vị Trưởng phòng Dân tộc huyện Quản Bạ), đồng chí Tẩn Dâu Lù, Bí thư Chi bộ thôn Thèn Ván 1, xã Cao Mã Pờ hồ hởi: “Đó là một người con của bản. Ngày trước, khi còn làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND xã, anh Chương thường xuyên sâu sát, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thôn, xã phát triển như ngày hôm nay là có công lớn của anh Chương đấy!”. 

Trong thời gian 17 năm công tác tại xã Cao Mã Pờ (từ năm 2002 đến năm 2019) thì có tới 6 năm Thạc sĩ Viên Quang Chương làm Phó chủ tịch và 9 năm làm Chủ tịch UBND xã. Là xã biên giới, đường biên dài, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, anh Chương luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm gì để giúp bà con thoát nghèo, cuộc sống từng bước ấm no; đường biên, cột mốc, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đầu những năm 2000, bà con còn chưa biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chủ yếu trồng ngô, lúa giống địa phương năng suất rất thấp. Trên cương vị Phó chủ tịch UBND xã, anh cùng tập thể lãnh đạo xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình trồng ngô lai, lúa lai, từng bước làm thay đổi tư duy của người dân theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ thành công của mô hình, xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trồng các loại cây dược liệu như ấu tẩu, tam thất, cây thảo quả và cây chè... Thời điểm năm 2009, tính bình quân mỗi hộ dân ở Cao Mã Pờ có hơn 1,5ha thảo quả và 2-3 con gia súc, thu nhập, đời sống thay đổi rõ rệt. Cùng với đưa đời sống người dân đi lên, Thạc sĩ Viên Quang Chương còn thường xuyên bám nắm địa bàn, chỉ đạo làm tốt công tác dân vận, duy trì hiệu quả Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Nhờ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm 2019, anh được bổ nhiệm Phó trưởng ban Dân vận huyện ủy, sau đó làm Phó trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện, hiện nay đảm nhiệm cương vị Trưởng phòng Dân tộc huyện Quản Bạ.

Thạc sĩ Viên Quang Chương (ngoài cùng, bên trái) kiểm tra công trình hồ chứa nước sinh hoạt thôn Lùng Vái, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ. Ảnh: PHƯƠNG HIỀN. 

Tháng 7-2022 vừa qua, xã Hữu Sản, huyện Bắc Quang có tân phó chủ tịch UBND xã, đó là đồng chí Làn Tất Tiến, sinh năm 1988. Điểm đặc biệt, đây là một cán bộ xã người dân tộc Pà Thẻn-một trong những DTTS rất ít người ở nước ta. Cũng như Thạc sĩ Viên Quang Chương, từ một nhân viên hợp đồng, Làn Tất Tiến được tuyển dụng vào công chức, được quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, rèn luyện và từng bước trưởng thành. “Trên cương vị Phó chủ tịch UBND xã phụ trách mảng văn hóa-xã hội, tôi sẽ nỗ lực để góp phần phát triển y tế, giáo dục, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu, phấn đấu đưa xã về đích nông thôn mới vào năm 2023”, đồng chí Làn Tất Tiến chia sẻ.

Trên đây chỉ là hai trong nhiều cán bộ người DTTS ở tỉnh Hà Giang được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đảm nhiệm các vị trí khác nhau, hiện đang phát huy năng lực, trình độ, góp phần xây dựng quê hương. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Đình Thống, Trưởng phòng Tổ chức bộ máy, biên chế và công chức, viên chức, Sở Nội vụ tỉnh Hà Giang cho biết, tính đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS của tỉnh chiếm gần 60%. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng..., đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cơ bản đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, được bố trí công việc đúng năng lực, sở trường, chuyên ngành đào tạo, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 “Cái nôi” đào tạo con em người dân tộc thiểu số

Nói đến công tác tạo nguồn cán bộ người DTTS ở Hà Giang, không thể không nhắc đến hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), bán trú dành cho con em đồng bào.

Năm học 2022-2023 này, cũng như nhiều học sinh người DTTS học lên lớp 10, em Phù Thị Hiền ở thôn Tả Ngải, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình không phải lặn lội hàng chục ki-lô-mét lên tỉnh học tập vì Trường PTDTNT THCS huyện Quang Bình đã được nâng cấp thành Trường PTDTNT THCS và THPT từ tháng 8-2022. “Nếu trường không được nâng cấp, em sẽ phải lên tỉnh xa nhà hơn 80km để học tập hoặc theo học trường THPT bình thường, nhưng lúc đó các chế độ, tiêu chuẩn dành cho học sinh người DTTS không còn nữa. Em và các bạn rất vui vì đã có thể theo học THPT tại huyện nhà”, em Phù Thị Hiền bày tỏ. Theo thầy giáo Nguyễn Thành Chung, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Quang Bình, khi trường chưa đào tạo hệ THPT, hằng năm có nhiều em học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không theo học lớp 10 vì điều kiện đi lại khó khăn. Tuy nhiên, từ năm học 2022-2023, khi trường được nâng cấp thì tình trạng này đã gần như không còn.

Trong hai năm 2021 và 2022, tương tự như Trường PTDTNT THCS huyện Quang Bình, 7 trường PTDTNT THCS của 7 huyện: Đồng Văn, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ, Vị Xuyên và Mèo Vạc cũng đã được nâng cấp thành trường PTDTNT THCS và THPT. Cùng với Trường PTDTNT THPT tỉnh Hà Giang và hai trường PTDTNT THCS và THPT huyện Yên Minh, Bắc Quang đã thành lập từ nhiều năm trước, đến nay, cả 11/11 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang đều đã có trường PTDTNT THCS và THPT. Học tập tại các ngôi trường này, học sinh người DTTS được hưởng đầy đủ các chế độ quy định như miễn học phí, chế độ tiền ăn, cấp sách vở... Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, việc đầu tư nâng cấp các trường PTDTNT THCS thành trường PTDTNT THCS và THPT là bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Hà Giang, đã “khép kín” quá trình giáo dục từ hệ THCS đến hệ THPT, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các em học sinh người DTTS học tập. 

Một giờ học của học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT Bắc Quang, huyện Bắc Quang. Ảnh: TRUNG HIẾU. 

Tỷ lệ, cơ cấu cán bộ còn bất cập

Đã hơn 6 năm làm nhân viên hợp đồng tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bắc Quang nhưng chị Tải Thị Tê (sinh năm 1992) vẫn chưa biết tương lai của mình ra sao, liệu có được tiếp tục làm việc, “vào biên chế” hay đến một lúc nào đó phải chấm dứt hợp đồng lao động? Tốt nghiệp Trường PTDTNT THPT tỉnh Hà Giang, năm 2011, Tải Thị Tê được cử tuyển vào học tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Năm 2015, tốt nghiệp đại học, lẽ ra Tê sẽ được bố trí việc làm theo quy định của Nhà nước, nhưng do không có chỉ tiêu biên chế, điều này đã không thể thực hiện... Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết, Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Bắc Quang cho biết, từ năm 2013 đến 2019, huyện tiếp nhận hồ sơ của 36 sinh viên tốt nghiệp cử tuyển nhưng chỉ tuyển dụng được một trường hợp, năm 2016 ký hợp đồng lao động với một trường hợp nữa là chị Tải Thị Tê. 34 trường hợp còn lại phải “tự thân vận động”, tự tìm việc làm. Cũng vì khó khăn trong giải quyết “đầu ra”, từ năm 2019, huyện Bắc Quang đã không cử học sinh đi học cử tuyển.

Khó khăn trong bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp cử tuyển dẫn đến phải tạm dừng thực hiện chế độ cử tuyển không chỉ diễn ra tại Bắc Quang mà là thực trạng chung của nhiều địa phương ở Hà Giang. Ví dụ tại huyện Quang Bình, từ năm 2010 đến nay chỉ bố trí được việc làm cho 2/13 sinh viên tốt nghiệp cử tuyển; từ năm 2016, huyện đã tạm dừng thực hiện cử tuyển. Huyện Quản Bạ cũng dừng cử tuyển từ năm 2015, đến nay vẫn còn khoảng 30 sinh viên cử tuyển không bố trí được việc làm...

Tinh giản biên chế dẫn đến khó khăn trong bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ cơ sở cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài, phải tạm dừng chế độ cử tuyển sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh người DTTS, đến công tác tạo nguồn cán bộ người DTTS, đến chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Để giải quyết vấn đề này cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 8-12-2020 của Chính phủ quy định về chế độ cử tuyển, nhất là cử tuyển đúng đối tượng, tiêu chuẩn, có chính sách đặc thù trong bố trí, giải quyết việc làm cho sinh viên cử tuyển, đặc biệt là với sinh viên DTTS rất ít người.

Một vấn đề nữa trong công tác tạo nguồn cán bộ người DTTS ở Hà Giang là tỷ lệ cán bộ DTTS càng lên cao càng giảm và chưa cân đối về mặt cơ cấu dân cư. Đơn cử như tại Quản Bạ, theo đồng chí Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng Nội vụ huyện, huyện có 95% dân số là người DTTS, tỷ lệ cán bộ, công chức người DTTS ở cấp xã khá cao, lên tới 87%, nhưng lên cấp huyện chỉ còn 55%. Tại huyện Quang Bình, ở cấp xã, cán bộ, công chức người DTTS chiếm 98% nhưng ở cấp huyện giảm còn 49%. Tại huyện Đồng Văn, mặc dù đồng bào dân tộc Mông chiếm hơn 87% nhưng tỷ lệ cán bộ người dân tộc Mông lại khá thấp, chưa đến 30%... Trên quy mô toàn tỉnh, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo chủ chốt như bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp xã là người DTTS chiếm 75%, tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ từ cấp trưởng phòng, ban và tương đương trở lên là người DTTS ở cấp huyện, tỉnh lại giảm dần, tương ứng là 40% và 27%. Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng này được tỉnh Hà Giang chỉ ra là do công tác tạo nguồn, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS chưa đồng bộ, mới chỉ dừng lại ở khâu tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng mà chưa mạnh dạn sử dụng.

Bố trí, sử dụng cán bộ trước hết phải căn cứ vào trình độ, năng lực, phẩm chất, không thể tuyệt đối hóa yếu tố cơ cấu. Tuy nhiên, ở một địa phương mà người DTTS chiếm đa số như Hà Giang thì việc nâng tỷ lệ cán bộ người DTTS ở cấp huyện, cấp tỉnh lên cao hơn nữa, bảo đảm tỷ lệ cán bộ người DTTS vào cấp ủy các cấp là việc làm rất cần thiết, cần được thực hiện trong thời gian tới.

“Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới. Có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức thuộc nhóm DTTS rất ít người, nhóm DTTS còn nhiều khó khăn. Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS... Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương”

 (Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 27-4-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang) 

 (còn nữa) 

TRUNG KIÊN - ĐỨC THỊNH

Tags: Hà Giang